Phát triển kinh tế xanh, bền vững không chỉ là xu thế doanh nghiệp Việt hướng tới mà là lộ trình tất yếu trong hoạt động kinh tế toàn cầu hóa, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước quan tâm thúc đẩy.
Đặc biệt, những năm qua Ðảng, Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Kinh tế xanh đang dần trở thành xu hướng. Tuy nhiên, để vẽ ra một lộ trình “hoàn hảo” gắn liền với phát triển kinh tế xanh cần rất nhiều yếu tố, trong đó có cả khó khăn kèm nhiều thách thức.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Từ khi nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế xanh, ngay từ Hội nghị lần thứ 3 khóa XI, Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm thực hiện định hướng phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu của việc đổi mới mô hình tăng trưởng là nhằm phát triển theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên gắn với việc đảm bảo nâng cao công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, từ khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, gắn phát triển nhanh với phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo, nhiều định hướng và chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh.
Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Tiếp đó, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể.
Cùng với đó, tại hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc chuyển đổi mô hình theo kinh tế xanh đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng vào loại cao trên thế giới, với mức trung bình khoảng 5,95% trong giai đoạn từ năm 2009-2020.
Năm 2020-2021, dù dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,91% và 2,58%. Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, nền kinh tế có mức tăng trưởng ngoạn mục khi “cán đích” vô cùng ấn tượng, với mức tăng 8,02%. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua (2011-2022).
Tuy đạt được những thành tựu nhất định, xây dựng kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực tài chính, chất lượng lao động, trình độ khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu... Nhiều chính sách chưa thực sự khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp và người dân tham gia "cộng hưởng" xây dựng kinh tế xanh.
Thêm nữa, thói quen sản xuất, tiêu dùng của phần lớn doanh nghiệp và người dân còn lãng phí. Vấn đề lý luận và nhận thức về kinh tế xanh ở nước ta vẫn còn khá mới mẻ cần nghiên cứu, phổ biến rộng rãi hơn.
Kinh tế xanh hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, carbon thấp...
Công nghệ sản xuất ở nước ta hiện nay phần lớn là các công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng và xử lý chất thải kém gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính… Trong khi đó, kinh tế xanh hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, carbon thấp... do đó, cần đầu tư ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phù hợp với nền kinh tế xanh.
Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển có tài chính và nguồn vốn chưa đủ để phục vụ quá trình triển khi nền kinh tế xanh rộng khắp.
Việt Nam chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nên lộ trình xây dựng kinh tế xanh trong bối cảnh này còn nhiều khó khăn và thách thức.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đây là cả một cái vấn đề lớn mà Chính phủ cũng như Nhà nước đang quan tâm.
Kinh tế biển xanh về bản chất là lấy môi trường biển làm chất xúc tác, dựa trên việc bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của biển (bao gồm các hệ sinh thái đa dạng sinh học biển, kể cả những tài nguyên vi sinh vật).
Chính vì thế, để đạt được mục các sản phẩm tài chính xanh như câu hỏi nêu trên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, triển khai các chương trình hội nghị, đào tạo phổ biến các kiến thức về chủ trương, chính sách, trách nhiệm môi trường, xã hội của doanh nghiệp, giới thiệu các sản phẩm tài chính xanh tới công chúng đầu tư...
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần được triển khai đồng bộ với sự phối, kết hợp của các bộ, ngành, nhằm lan tỏa nhận thức đến toàn cộng đồng trong ý thức về bảo vệ môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện các chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh tạo nền tảng căn bản cho việc đặt ra mục tiêu và phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tiếp theo.
Chính phủ cũng cần tiếp tục thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí hiện hành nhằm bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu về chuyển đổi sang mô hình này, để phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Kinh tế biển xanh là một trong những mục tiêu đang hướng tới
Đặc biệt, diện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nên cân nhắc thu hẹp, không ưu đãi thuế đối với những ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên hoặc không có tác động lan tỏa lớn tới phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu; giúp giảm bớt thất thu ngân sách nhà nước và giảm cơ hội chuyển giá, trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp.
Đồng thời, gia tăng cơ chế để các doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý các phế thải sản phẩm hàng hóa mà doanh nghiệp đó tạo ra. Từ đó, đảm thực hiện tốt mục tiêu về chuyển đổi sang mô hình.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Cần lưu ý khi xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam là tăng trưởng doanh thu và tạo việc làm được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư công và tư với đặc điểm là sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, chất thải và ô nhiễm, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái.
Công nghệ xanh và các ngành công nghiệp là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia về tăng trưởng xanh.
Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng xã hội hưởng ứng như: gói rau, củ, quả bằng lá chuôi; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi nylon,...
Nền kinh tế tạo ra cải thiện phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái.
Nền kinh tế xanh tìm cách duy trì cân bằng vốn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự phân phối công bằng của chúng, cho toàn nhân loại và cho các thế hệ tương lai. Nó đi đôi với việc sửa đổi các phương thức sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, để chúng tích hợp các hạn chế về môi trường và xã hội.
Phát triển kinh tế xanh đang trở thành xu hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Ngoài ra các chính sách về môi trường cần được tiến hành cải cách; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ cần được tăng cường, đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, môi trường đầu tư cần được cải thiện, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài không chỉ góp phần phát triển kinh tế xanh, mà còn giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài.