Từng là doanh nghiệp sản xuất ô tô tiên phong về nội địa hóa nhiều linh kiện, song giờ đây Vinaxuki đang đứng trên bờ vực phá sản với món nợ đến 1.366 tỷ đồng. Kịch bản nào sẽ giải cứu giấc mơ ô tô Việt dang dở này?
Trồng trọt, chăn nuôi trong nhà máy nghìn tỷ
Đầu tháng 9/2017, khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty Vinfast và bắt tay vào sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam, người ta lại nhớ đến “ông gàn Vinaxuki” Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và giấc mơ ô tô Việt dang dở gần 10 năm về trước.
Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên bên chiếc ô tô giấc mơ Việt dang dở mang tên VG. |
Còn nhớ, ở thời kỳ đỉnh cao của mình, những năm 2007-2009, lượng xuất xưởng của Vinaxuki trung bình 50-60 xe mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100 xe. Năm 2011, riêng lượng tiêu thụ xe tải (dòng xe chính của Vinaxuki) luôn đứng top đầu thị trường. Xe lắp đến đâu, bán hết đến đấy.
Thậm chí, các đại lý còn cử người về trọ ngay trong xưởng sản xuất của Vinaxuki chỉ để trực chờ xe xuất xưởng là lấy ngay.
Theo công suất thiết kế ban đầu của Vinaxuki, nhân sự lên tới 6.000 người, trong đó nhà máy ở Thái Nguyên 300 người, Thanh Hóa 3.000 người, còn lại là ở nhà máy Mê Linh (Hà Nội). Nếu đủ vốn, hoạt động hết công suất, ba nhà máy này có thể tạo công ăn việc làm cho hơn 9.000 lao động, sản xuất ra 30.000 xe/năm. có thể nội địa hóa xe với tỷ lệ 40 - 50%.
Ngoài thế mạnh về xe tải, công ty cũng tạo ra dòng xe 4 chỗ “made in Vietnam” đầu tiên được đặt tên VG 150 với thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, sơn 5 lớp bằng công nghệ sơn robot tự động... và đã được kỳ vọng là dòng ô tô Việt đầu tiên, giá rẻ của người Việt.
Thế nhưng, năm 2012, công ty này bắt đầu làm ăn sa sút do thiếu hụt vốn lưu động, vay ngân hàng không được vì các ngân hàng cho rằng việc Vinaxuki đầu tư vào nội địa hóa là “mạo hiểm”. Từ cuối năm 2014, nhà máy bắt đầu nợ lương, công nhân bỏ đi nơi khác tìm việc. Đến hết năm 2014, nợ của Vinaxuki lên tới 1.600 tỷ đồng, hơn 17 tỷ đồng tiền thuế và gần 10 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Giờ đây, nhà máy Vinaxuki rộng 200.000m2 với tấm logo kiêu hãnh ngày nào đang trong tình trạng vắng tanh, hoang tàn. Quanh nhà máy cỏ đã mọc um tùm. Phía cổng phụ, mấy chiếc xe thu gom phế liệu han gỉ dựa vào hàng rào sắt cũng han gỉ. Toàn bộ nhà máy chỉ còn độ chục người bao gồm bảo vệ, thợ điện, nhân viên trông coi máy móc.
Ông chủ Vinaxuki, người từng đau đáu tâm huyết với giấc mơ sản xuất ra ô tô giá rẻ của người Việt và cho người Việt, hiện giờ ngày ngày trồng cây ăn quả trong chính khuôn viên nhà máy ô tô nghìn tỷ này.
Chia sẻ với PV báo Người đưa tin, ông Huyên cười buồn cho biết, ông trồng ổi, nhãn, ngoài gia đình ăn, cho công nhân thì vừa bán được 12 triệu đồng, số tiền này ông cho mấy đứa cháu. Trước đây ông còn nuôi cả lợn, gà, song từ ngày nhà máy ngừng hoạt động, vợ con ông sinh buồn phiền, ăn chay và phản đối ông sát sinh, do đó giờ chỉ còn trồng cây.
Ông chủ Vinaxuki đau xót nhìn nhà máy số 1 ở Mê Linh đắp chiếu (ảnh: Internet) |
Bản thân ông Huyên từng thừa nhận với báo chí sự thất bại của Vinaxuki là do không vay được vốn từ các ngân hàng. Theo ông Huyên, đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, phía Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cắt vốn đầu tư khiến Vinaxuki lâm vào cảnh “chết yểu” như bây giờ.
Chính sách vốn cùng với chính sách thuế thực hiện không sát chủ trương, theo ông Huyên là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Năm 2015, Vinaxuki đã phải rao bán nhà máy ở Mê Linh để trả nợ, song chưa có ai mua.
Đề xuất bị từ chối
Để cứu nhà máy đang thoi thóp, những năm gần đây ông chủ Vinaxuki đã cầu cứu khắp nơi song chưa có kết quả. Cuối năm 2013, một tia hy vọng lóe lên khi mà Vietcombank, với tư cách là ngân hàng đầu mối được giao để xử lý nợ Vinaxuki, có văn bản trình Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho Vinaxuki.
Văn bản nêu rõ: “Các tổ chức tín dụng đánh giá Vinaxuki là một doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả nhiều năm liền trước khi có nợ quá hạn”.
Tuy nhiên, công ty này đã đầu tư nhà máy đúc tại Thái Nguyên và đầu tư dự án nội địa hóa ô tô 05 chỗ và 08 chỗ với quy mô lớn trong khi vốn tự có không đủ, dòng tiền từ sản xuất kinh doanh không đáp ứng do đó đã bị thất bại do không chủ động được nguồn vốn.
Từ đó, Vietcombank cho biết sẽ cùng các ngân hàng liên quan thực hiện cấu trúc lại nợ cho Vinaxuki đồng thời kiến nghị ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ cho cơ chế tài chính đặc biệt, bao gồm vay vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi tại ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các nguồn vốn giá rẻ nước ngoài, xem xét miễn giảm thuế, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ và hỗ trợ xử lý nợ lãi trong thời gian khoanh nợ... Thế nhưng sau đó, đề xuất này đã không trở thành hiện thực.
Tháng 9/2017, Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên tiếp tục gửi báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cùng lãnh đạo Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên đề nghị xem xét đánh giá hiệu quả dự án nội địa hóa ô tô của Vinaxuki.
Báo cáo nêu rõ: Vinaxuki không phải thất bại vì sai lầm trong công nghệ hay thị trường mà chỉ vì bị ngân hàng “rút phao” khi công ty vừa trót vay ngân hàng 63 triệu USD đầu tư công nghệ cao để sản xuất ô tô Việt.
Từ đó Vinaxuki đề nghị được thẩm định lại dự án, được vay 30 triệu USD từ ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại nợ xấu, hồi phục sản xuất và cam kết sẽ trả hết nợ trong 5 năm. Tuy nhiên, mới đây, bộ Tài chính đã có văn bản trả lời đề xuất của Vinaxuki về việc xin được vay vốn ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu tại VAMC là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Kịch bản nào cho Vinaxuki?
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, bài học của Vinaxuki là lựa chọn sai sản phẩm để đầu tư. Vào thời điểm ô tô ngoại chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Việt Nam, Vinaxuki đang thành công với xe tải nhỏ, xe bán tải đã vội vã rẽ hướng sang sản xuất xe con mà chưa chứng minh được tính khả thi của dự án này. TS. Phong cho rằng, hiện tại Vinaxuki nên tạo ra một kịch bản tự giải cứu chính mình, bằng cách chứng minh hiệu quả của dự án để kêu gọi đầu tư bên ngoài vào, mua lại nợ xấu hoặc cho vay để hồi phục sản xuất.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch công ty Luật Basico, nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng Maritime Bank cũng cho rằng Vinaxuki nên kêu gọi đầu tư, hợp tác bên ngoài thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
“Đầu tư dự án lớn, mang tính tiên phong, mạo hiểm song lại không chủ động được nguồn vốn mà lệ thuộc vào các tổ chức tín dụng chính là điểm yếu khiến Vinaxuki thất bại”- luật sư Đức nói.
Chia sẻ thêm với PV báo Người đưa tin, ông Bùi Ngọc Huyên cho biết, hiện có một đối tác đồng ý cho Vinaxuki vay vốn mua lại nợ xấu trên, tuy nhiên ông chưa xác nhận bởi vì họ chỉ đồng ý giá mua bằng 20% khoản nợ 1.366 tỷ đồng hiện tại của Vinaxuki, tương đương khoảng hơn 273 tỷ đồng.
Vinaxuki đang nợ các ngân hàng nào? Ngày 13/10/2017, ông Bùi Ngọc Huyên tiếp tục có văn bản gửi ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 4 ngân hàng thương mại, đề nghị được cơ cấu nợ để tiếp tục giấc mơ sản xuất ô tô Việt. Tính đến ngày 30/6/2017, tổng số nợ gốc của Vinaxuki tại các ngân hàng thương mại này là gần 1.367 tỷ đồng. Trong đó, nợ tại Vietcombank là hơn 623 tỷ đồng, tại BIDV 608 tỷ đồng, tại Vietinbank là 98 tỷ đồng và tại VIB là 36 tỷ đồng. Chủ tịch Vinaxuki đề nghị được cơ cấu các khoản nợ nói trên từ nợ ngắn hạn sang dài hạn 5 năm và 1 năm ân hạn. |