Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ðối phó với trầm cảm - Bệnh dễ mắc trong mùa thi

(DS&PL) -

Mặc dù bệnh trầm cảm có quanh năm, nhưng bệnh thường nặng thêm vào mùa hè, mùa thi do ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết không thuận lợi như nóng bức, nhiều tia tử ngoại

Mặc dù bệnh trầm cảm có quanh năm, nhưng bệnh thường nặng thêm vào mùa hè - mùa thi của các sĩ tử do ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết không thuận lợi như nóng bức, nhiều tia tử ngoại, độ ẩm không khí cao...

Tỷ lệ trầm cảm ở học sinh lớp 12 khoảng 7\% lứa tuổi đang chịu áp lực cao của việc học tập, thi cử.

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng của trầm cảm tương đối dễ nhận biết, các bậc phụ huynh nên chú ý đến các triệu chứng sau:

Mất ngủ: Bệnh nhân khó vào giấc ngủ (nghĩa là lên giường nằm hàng tiếng đồng hồ mà vẫn không ngủ được), khó giữ giấc ngủ (hay thức giấc giữa chừng) và thức dậy sớm rồi không ngủ lại được. Nếu một người có tổng thời gian ngủ giảm hơn so với lúc bình thường của họ trên 2 giờ thì được coi là mất ngủ.

Mệt mỏi vô cớ: Bệnh nhân luôn tỏ ra mệt mỏi, uể oải mà không có lý do gì rõ ràng. Khi nghỉ ngơi cũng không đỡ mệt. Lúc đầu họ thường mệt mỏi vào buổi sáng và đỡ mệt hơn vào buổi trưa, buổi chiều. Nhưng khi bệnh đã nặng thì bệnh nhân mệt mỏi suốt cả ngày. Do bệnh nhân luôn trong trạng thái mệt mỏi nên họ hầu như mất khả năng học tập.

Mùa thi học sinh, sinh viên rất dễ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Chán ăn, sút cân: Bệnh nhân ăn mất ngon, chán ăn, ăn ít và sút cân. Nếu bệnh nhân sút trên 1kg/tháng mà không thực hiện chế độ ăn kiêng thì được coi là sút cân.

Vẻ mặt buồn rầu: Bệnh nhân trầm cảm có vẻ mặt ủ rũ, không thể hiện cảm xúc. Các nếp nhăn trên mặt giãn ra và mờ đi. Mặt của họ được ví với hình ảnh chiếc bánh đa nhúng nước.

Mất hầu hết các hứng thú và sở thích: Các sở thích vốn có trước đây của bệnh nhân hầu như không còn. Ví dụ, bệnh nhân không còn thích bóng đá, mua sắm, thời trang... những thứ mà trước đây các cháu rất thích.

Chú ý kém, trí nhớ kém: Bệnh nhân không thể chú ý vào một việc gì được quá vài phút, do vậy trí nhớ của bệnh nhân rất kém. Bệnh nhân luôn tỏ ra lơ đễnh cả lúc nghe giảng cũng như khi nói chuyện với người khác. Họ luôn bị kêu ca là bỏ đâu quên đấy. Do không chú ý và ghi nhớ được nên họ hầu như không học được gì.

Buồn rầu, chán nản, bi quan: Bệnh nhân luôn buồn bã không có lý do. Họ luôn tỏ ra chán nản với tình trạng hiện tại và bi quan về tương lai của mình. Các bệnh nhân này đều cho rằng mình kém cỏi so với bạn bè.

Hoạt động chậm chạp: Sự chậm chạp thể hiện cả trong lời nói và hành vi. Bệnh nhân nói ít, nói nhỏ, chậm, khó nghe. Các cử động của bệnh nhân như đi lại, làm việc, vệ sinh cá nhân đều chậm hơn rõ rệt so với trước đây. Có nhiều bệnh nhân không ít nói nhưng họ luôn than phiền về bệnh tật (mất ngủ, mệt mỏi, trí nhớ kém, đau đầu...).

Ý nghĩ về cái chết, ý định và hành vi tự sát: Lúc đầu các cháu cho rằng mình mất ngủ, mệt mỏi thế này thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng sẽ tốt hơn nếu bệnh nhân chết đi (để chấm dứt tình trạng đau khổ của bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và nhà trường). Cuối cùng, họ lên kế hoạch tự sát như chuẩn bị thuốc độc, mua dây thừng, viết thư từ biệt...

Nếu các bậc phụ huynh thấy con em mình có từ 5 dấu hiệu trên trở lên, kéo dài trong thời gian 2 tuần thì nên đưa ngay con em mình đến bác sĩ tâm thần để được khám và điều trị kịp thời.

Thái độ của gia đình

Trường hợp trầm cảm tái phát: Tái phát trầm cảm chủ yếu là do bệnh nhân bỏ điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hoặc dùng liều thuốc quá thấp. Bố mẹ bệnh nhân cần giám sát việc uống thuốc của các cháu theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Thật sai lầm khi nghĩ rằng mùa hè nóng nực, các cháu ôn thi vất vả thì nên giảm liều hoặc bỏ thuốc điều trị. Trái lại, do mùa hè nóng nực các bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng liều thuốc tăng chừng 30\% so với các thời điểm khác trong năm.

Nếu bệnh diễn biến xấu (bệnh nhân có nhiều triệu chứng kể trên), cần đưa ngay bệnh nhân đi tái khám để được điều chỉnh đơn thuốc kịp thời. Đừng quên trầm cảm là một bệnh mạn tính, việc uống thuốc điều trị cho bệnh này cần kéo dài nhiều năm cho đến khi các cháu kết thúc quá trình học tập. Với khoảng 30\% số bệnh nhân, họ sẽ phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm suốt đời. Các thuốc chống trầm cảm SSRI hầu như không gây độc hại gì cho tim, gan, thận, sinh dục... nên chúng ta có thể yên tâm cho bệnh nhân uống thuốc lâu dài.

Trường hợp lần đầu phát hiện bệnh: Khi phát hiện ra con em mình có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ tâm thần. Chúng ta cũng không nên hoang mang vì thật ra chữa bệnh trầm cảm khá dễ và kết quả rất cao, ít tốn kém. Việc điều trị cần thực hiện càng sớm càng tốt, không nên chờ đến khi các cháu thi xong rồi mới chữa vì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh sớm cho bệnh nhân, hơn nữa, bệnh nhân có học hành gì được nữa đâu. Sau 1-2 tháng điều trị, đa số bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Lúc đó, chúng ta tiếp tục cho bệnh nhân uống thuốc theo đơn và kết hợp với việc học tập bình thường.

Một lần nữa tôi xin nhắc lại, bệnh trầm cảm ảnh hưởng rất nặng nề đến khả năng lao động và học tập của bệnh nhân. Đây là bệnh mạn tính, cần uống thuốc điều trị củng cố bằng thuốc chống trầm cảm trong nhiều năm kể cả khi bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn (bỏ thuốc đồng nghĩa với tái phát bệnh trầm cảm).

Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cho sĩ tử trong mùa thi, các bậc phụ huynh và các sĩ tử cần có kế hoạch ôn thi khoa học, hợp lý, tránh tạo áp lực nặng nề lên tâm lý của cả các bậc phụ huynh và các em học sinh để kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103)

Tin nổi bật