Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Núp bóng kinh doanh đa cấp, tín dụng đen hoành hành ở vùng nông thôn

(DS&PL) -

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân ở vùng nông thôn, các nhóm đối tượng tín dụng đen sử dụng thủ đoạn kinh doanh đa cấp để đánh lừa, đưa người dân vào “tròng”, trở thành những con nợ bất đắc dĩ. Nhiều người rơi vào tình cảnh éo le “tiền mất tật mang”.

Những năm gần đây, hoạt động tín dụng đen hoành hành núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo, cầm đồ... Tại khu vực nông thôn, hoạt động tín dụng đen đang có xu hướng ngày một mở rộng do nhu cầu vay chi tiêu của người dân nên rất khó để hạn chế sự phát triển của loại tội phạm này.

Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng tín dụng đen thường xuyên áp dụng tại khu vực nông thôn trong thời gian gần đây chính là hoạt động cho vay nặng lãi trá hình dưới dạng kinh doanh đa cấp. 

Lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp, nhiều đối tượng cho người dân vay tiền thu lãi “cắt cổ” (Ảnh minh hoạ)

Cách thức hoạt động của các đối tượng này là mang những sản phẩm có giá trị thấp về tư vấn bán cho người dân ở vùng nông thôn. Ban đầu, để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ “vẽ” nên những công dụng trên trời và tặng quà cho người dân. Sau đó, kêu gọi người dân mua nhiều sản phẩm để làm đại lý bán hàng và được chia phần trăm, hưởng lợi nhuận cao. 

Khi người dân không có đủ tiền để “ôm hàng”, các đối tượng bắt đầu gợi ý các gói hỗ trợ, cho vay tiền mà không cần thế chấp bất cứ tài sản gì. Sau khi bán hết các sản phẩm thì hoàn trả tiền vốn đã vay sau. Nhiều người đã cả tin, làm theo và đã ôm “trái đắng” về cho mình.

Đầu năm 2021, sau Tết là thời gian nông nhàn của người dân ở một số vùng của thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Lợi dùng điều này, một nhóm đối tượng bán sản phẩm sữa nghệ và nồi chiên không dầu đã đem sản phẩm về đây rao bán và quảng cáo những tác dụng “thần thánh” của các sản phẩm này để đánh mạnh vào tâm lý hám lợi của người dân. 

Điều đáng nói, chúng còn lợi dụng uy tín của các trưởng thôn và cán bộ hội nông dân để lôi kéo người dân. Ông Phạm Văn T. (Hải Dương) làm trưởng thôn nhiều năm cho biết: “Mới tháng trước, một nhóm người mang sản phẩm sữa đến làng tôi bán hàng, họ tìm đến tận nhà tôi, đưa một tập giấy mời, nhờ tôi đi phát mời bà con đến để họ mở hội thảo bán hàng. Họ hứa đưa tôi 200 nghìn và tặng tôi một cái bếp ga. Ban đầu tôi cũng tin, sau con gái tôi biết được, thấy bất thường nên báo chính quyền. Lúc đấy cán bộ xã bên báo là đang truy bắt nhóm đối tượng này vì có dấu hiệu lừa đảo, cho người dân vay tiền lãi suất cao. Chút nữa tôi đã tiếp tay cho kẻ xấu”.

Nhiều người dân vì ham cái lợi trước mắt đã bỏ tiền ra mua sản phẩm, thậm chí là còn ký giấy vay tiền với lãi suất cao để mua sản phẩm như trường hợp bà Xuyến và ông Mười (đều là người thôn Thành Vũ, Kinh Môn, Hải Dương). Vì ham lợi nhuận nên họ đã ký giấy vay mỗi người 16 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng để “nhập hàng” sữa nghệ bán cho người thân. 

Sau khi chuyện vỡ lở, mọi người mới biết sản phẩm đó đều là cám ngô và bột màu chứ hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng gì. Nhưng lúc này giấy nợ đã ký, sản phẩm không giá trị chất đầy nhà. Những người dân thiếu hiểu biết đành chấp nhận nai lưng ra trả những khoản nợ trên trời. Nếu không hoàn nợ hoặc chậm trả lãi suất, họ liền bị nhóm đối tượng đến tận nhà đe doạ, bêu riếu khắp làng trên xóm dưới.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến người dân sập bẫy tín dụng đen là do thiếu hiểu biết và thiếu hỗ trợ về các chương trình vay tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng và công ty tài chính hợp pháp. Hơn nữa, do quá nghèo, không có điều kiện nên người dân đã sẵn sàng chấp nhận hậu quả vì cái lợi trước mắt, lao vào với quan niệm: “Có tiền tiêu trước rồi tính sau”. 

Hầu hết bị hại của các đường dây tín dụng đen đều là người nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai, giật gấu vá vai. Khi có việc phải dùng đến tiền, nhất là những khoản tiền lớn, họ chỉ còn biết tìm đến tín dụng đen. Hơn thế nữa, những kẻ cho vay nặng lãi còn đơn giản hóa các thủ tục đến mức tối đa, tức là chỉ cần vài thông tin cơ bản là có thể xuất tiền cho người vay.

Trước thực trạng trên, Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng phòng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội...

Trung tá Đỗ Minh Phương cũng cho biết, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính Phủ kiến nghị, đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm để góp phần ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen”.

Trần Hùng

Tin nổi bật