Đóng

Núi Tà Cú điểm đến hấp dẫn dành cho dân phượt

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Núi Tà Cú được biết đến như một thắng cảnh quốc gia với hệ thực vật phong phú, đồng thời, nơi đây cũng là chốn linh thiêng đối với khách mộ đạo.

Khám phá núi Tà Cú

Núi Tà Cú (Tàkou) vốn là một ngọn núi lửa với rừng nguyên sinh bao phủ, thảm thực vật tươi tốt. Núi Tà Cú nằm ven quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Lập, tỉnh Lâm Đồng mới (Bình Thuận cũ).

Thiên nhiên hoang sơ trên núi Tà Cú. (Ảnh: Lao động)

Đường lên đỉnh núi dài khoảng 2.290m, với bậc đá trên những con dốc cheo leo, khúc khuỷu. Đoạn dốc cao nhất nghiêng 45 độ có tên là Bằng Lăng, nơi phong cảnh hữu tình với những thân bằng lăng cổ thụ hai bên.

Đường đi bớt thách thức hơn khi du khách còn cách đỉnh koảng 1.200m, từ đây trời xanh ẩn hiện trên những tán cây và du khách có thể ngắm nhìn thung lũng bên dưới mờ ảo trong sương.

Quanh năm không khí trên núi Tà Cú trong lành, mát mẻ. Đây từng là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên đất giàu khoáng chất. 

Quần thể đền chùa

Mái chùa Linh Sơn Trường Thọ thấp thoáng trong không gian mây trời bàng bạc. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hai ngôi chùa nổi tiếng là Linh Sơn Trường Thọ và Long Đoàn nằm ở độ cao khoảng 400m trên núi Tà Cú. Linh Sơn Trường Thọ còn có tên quen thuộc là Chùa núi Tà Cú, hoặc dân dã hơn là chùa "Trên" để phân biệt với chùa "Dưới" là Long Đoàn. Hai ngôi chùa được gọi chung là Chùa Núi.

Chùa Núi còn có pho tượng Phật nằm khổng lồ: “Thích Ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Tượng Phật này thuộc vào pho tượng Phật hiếm có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam và là bức tượng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Tượng Phật Thích ca nhập niết bàn an nhiên, thoát tục được xác lập kỷ lục "Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á" năm 2013. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cách Pho tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm Tam Thế Phật: A Di Dà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí, cả 3 pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m.

Cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của sư tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng.

Vào các mùa trong năm, lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).

Một trải nghiệm thú vị dành cho du khách là leo núi Tà Cú vào ngày rằm và nghỉ lại qua đêm. Cuối chiều, sương mù bảng lảng giăng khắp thung lũng trong ánh hoàng hôn. Đêm rằm, du khách có thể ngồi thưởng trà trên bộ bàn ghế đẽo từ đá núi, đàm đạo với vị chư tăng nào đó trong chùa dưới ánh trăng rằm.

Tin nổi bật