Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Núi lửa sắp phun trào ở Indonesia, gần 50.000 người phải di tản

(DS&PL) -

Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia xác nhận hơn 42.000 người đã được sơ tán khỏi nhà gần một ngọn núi lửa đang hoạt động tại Bali, vì chính quyền cảnh báo nó có thể bùng phát.

Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia xác nhận hơn 42.000 người đã được sơ tán khỏi nhà gần một ngọn núi lửa đang hoạt động tại Bali, vì chính quyền cảnh báo nó có thể bùng phát.

Khu vực xung quanh núi Agung đã trải qua ​​hàng trăm cơn địa chấn nhỏ và có những dấu hiệu rõ ràng của macma đang trồi lên mặt đất trong những ngày gần đây. Các nhà chức trách Indonesia sau đó đã áp đặt một khu vực cấm đối với khu vực bán kính 12km xung quanh núi và đưa ra cảnh báo mức cao nhất.

Các khu du lịch chính của hòn đảo và các chuyến bay vẫn không bị ảnh hưởng cho đến bây giờ.

Trung tâm núi lửa Indonesia cho biết trong một tuyên bố vào đêm hôm qua (24/9) rằng "năng lượng địa chấn của núi đang gia tăng và có khả năng bùng phát bất kỳ lúc nào".

Giám đốc địa chất phụ trách giám sát địa điểm này, Gede Suantika cho biết một cột khói cao 200m đã được nhìn thấy đang trồi lên từ đỉnh núi. Ông nói với hãng tin Reuters: "Chúng tôi quan sát thấy khói sulfuric phun ra từ miệng núi lửa và chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này trước đây".

Gần 50.000 người ở Bali, Indonesia đã phải di tản vì sợ núi lửa phun trào. Ảnh: BBC

Các quan chức cho biết họ bắt đầu phát hiện ra những cơn địa chấn nhẹ vào cuối tháng 8/2017, và đưa ra cảnh báo từ "bình thường" lên mức cảnh giác "cấp hai" vào ngày 14/9. Indonesia có hệ thống cảnh báo núi lửa với 4 cấp.

Trong những ngày sau đó, núi lửa có dấu hiệu gia tăng hoạt động và các nhà chức trách đã tăng cường cảnh báo cũng như kịp thời sơ tán người dân từ những ngôi làng nông thôn xung quanh ngọn núi.

Hàng ngàn người Bali hiện đang sống trong các ngôi nhà tạm trú ở những hội trường và trường học. Chính phủ Indonesia cũng vận chuyển đến khu vực đó hàng tấn thực phẩm viện trợ. Một số cộng đồng đã thành lập các khu chuồng gia súc cho những con bò mà họ phải để lại, theo báo của The Jakarta Post.

Theo Reuters, nhiều người dân làng vẫn trở về nhà của họ vào ban ngày và cuộc sống bình thường vẫn được tiếp tục.

Núi Agung, cao hơn 3.000m so với mực nước biển, nằm ở phía Đông Bali, là một điểm đến du lịch phổ biến. Núi lửa cách khu du lịch chính là Kuta và Seminyak khoảng 70km.

Chuyến bay đến và đi Bali đang hoạt động bình thường. Cơ quan du lịch địa phương cho biết những chiếc thuyền kết nối với các đảo lân cận Lombok và Java rất được du khách ưa chuộng cũng vẫn di chuyển. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo mọi người nên "bắt đầu chuẩn bị đầy đủ mặt nạ" trong trường hợp núi lửa phun trào.

Một số quốc gia bao gồm Anh, Úc và Singapore đã ban hành các hướng dẫn du lịch cụ thể cho công dân của họ, cảnh báo về sự gián đoạn chuyến bay có thể và nguy cơ phải sơ tán.

Có tới hơn 1.000 người chết khi núi lửa Agung phun trào hồi năm 1963. Hiện tại, Bali có mật độ dân số cao hơn rất nhiều so với năm 1963 nhưng nơi đây cũng có cơ sở hạ tầng tốt hơn. Ngoài ra, sự phát triển khoa học kỹ thuật đã giúp phát hiện nguy hiểm sớm hơn cũng như giúp tiến hành các kế hoạch khẩn cấp tốt hơn.

Núi Agung là một trong số khoảng 130 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia - một quốc đảo có khả năng phun trào núi lửa và động đất vì nằm trên "Vòng lửa" ở Thái Bình Dương.

(Theo BBC)

Tin nổi bật