Báo điện tử VOV thông tin, núi lửa Lewotobi Laki-Laki bắt đầu phun trào dung nham dữ dội kèm theo các trận động đất núi lửa vào rạng sáng nay (4/11). Cùng lúc, mưa, sấm sét lớn và mất điện khiến nhiều người dân hoảng sợ.
Dung nham và đá nóng từ núi lửa đã tràn vào các khu dân cư cách miệng núi lửa khoảng 4km, thiêu rụi và làm hư hại nhà cửa, trường học. Một số ngôi làng chìm trong tro bụi núi lửa. Chính quyền địa phương buộc phải sơ tán khẩn cấp dân cư sống ở các ngôi làng xung quanh.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki phun trào dữ dội. Ảnh: Detiknews
Cơ quan Quản lý Thiên tai Indonesia cho biết tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 9 người dân ở làng Klatanlo, gồm 8 người lớn và 1 trẻ em, đã thiệt mạng do ngôi nhà họ ở bị sập xuống vì vụ phun trào núi lửa Lewotobi Laki – Laki. Hàng chục người khác bị bỏng, bị thương.
Theo báo Tuổi trẻ, sau một loạt vụ phun trào diễn ra vào tuần trước ở núi Lewotobi Laki Laki, cơ quan chức năng Indonesia cũng đã nâng mức độ nguy hiểm và mở rộng vùng nguy hiểm đối với khu vực này. Mức cảnh báo nguy hiểm của núi lửa được nâng lên cấp độ 4 - mức cảnh báo cao nhất. Vùng nguy hiểm xung quanh núi lửa cũng được mở rộng gấp đôi, với bán kính mới là 7km.
Cao 1.584m so với mực nước biển, Lewotobi Laki-Laki là một trong những núi lửa còn hoạt động mạnh tại Indonesia. Hồi đầu năm nay, núi lửa Lewotobi Laki-Laki từng nhiều lần phun trào khiến ít nhất 2.000 người dân phải sơ tán. Kể từ hôm 31/10, núi lửa Lewotobi Laki-Laki bắt đầu phun các cột tro bụi bốc cao tới 2.000m.
Ít nhất 10.000 người đã bị ảnh hưởng bởi các vụ phun trào. Đá núi lửa được phun ra xa tới 6km từ miệng núi. Những mảnh vụn núi lửa cũng phủ kín các làng và thị trấn lân cận khiến người dân phải sơ tán.
Những hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hàng tấn mảnh vụn núi lửa đã phủ kín các ngôi nhà ở những làng gần đó, thậm chí một số mái nhà còn bị che phủ hoàn toàn. Nhiều ngôi nhà đã bốc cháy sau khi bị các vật liệu núi lửa nóng rơi vào.