Nữ sinh 22 tuổi (Hà Nội) đến gặp bác sĩ Long trong tình trạng mắt sưng nề, không nhắm kín được, bị khô và chảy nước mắt liên tục. Mí dưới ngửa, lộ tuyến lệ.
“Em thấy trên mạng đang thịnh hành kiểu hạ lệ Trung Hoa, kết hợp cắt mí Ấn Độ để mắt to, rõ mí. Thấy spa quảng cáo làm mắt không đau, nhanh gọn trong 1h, giá 12 triệu. Nhưng sau khi làm, mắt không những không đẹp mà còn tồi tệ, gặp biến chứng nặng nề nên em đã phải đi khám”, nữ sinh chia sẻ.
Tương tự một trường hợp nữ sinh N.T. H (20 tuổi, là sinh viên một trường Đại học ở TP HCM) mong muốn nâng mũi nhưng sợ phẫu thuật. H lướt TikTok, facebook, thấy spa quảng cáo nâng mũi bằng chỉ chỉ mất 30 phút, không đụng dao kéo, chi phí 5 triệu nên quyết định nâng mũi vào tháng 5/2024.
Tuy nhiên, sau 1 năm, H thấy da mũi mỏng đi và lộ rõ các sợi chỉ dưới da, mũi cong vẹo, biến dạng, gương mặt không bình thường. Khi quay lại spa, cô được tư vấn: phải phẫu thuật lại, rút chỉ cũ ra và cấy vật liệu khác vào. Quá thất vọng, nữ sinh liền qua nơi khác để khám lại.
Chạy theo trào lưu thẩm mỹ, nhiều người "tiền mất, tật mang". Ảnh minh họa
Bs.CKI khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Ngô Gia Long (Bs. Jack Long), cho biết, thời gian qua thẩm mỹ viện Tấm tiếp nhận nhiều trường hợp hậu quả nặng nề, mắt bị trợn không nhắm kín, mũi hoại tử do tiêm filler sai kỹ thuật, môi sưng nề dị dạng… Điểm chung là hầu hết đều được thực hiện tại các cơ sở không phép, do người không có chuyên môn đảm trách.
Những biến chứng sau can thiệp thẩm mỹ đang có xu hướng gia tăng đáng báo động, đặc biệt từ các cơ sở hoạt động sai chức năng, không phép hoặc không có bác sĩ chuyên môn. Nhiều trường hợp "tiền mất, tật mang", thậm chí hủy hoại diện mạo vĩnh viễn, đang khiến ngành y tế không ngừng đưa ra cảnh báo.
Theo Bs. Jack Long, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tai biến thẩm mỹ:
- Do người thực hiện không có chuyên môn, không phải bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, không có chứng chỉ hành nghề.
- Cơ sở vật chất không đạt chuẩn, không có phòng mổ vô trùng, thiết bị y tế thiếu thốn, vật liệu kém chất lượng.
“Thực tế hiện nay, có sự đánh tráo khái niệm giữa “spa”, “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ” với các cơ sở được cấp phép như “phòng khám chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ” hay “bệnh viện thẩm mỹ”. Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết đã lầm tưởng, trao gửi nhan sắc vào tay những người không đủ năng lực”, BS Long nhấn mạnh.
BS. Long cho biết, hiện nay theo quy định hiện hành, Spa chỉ được thực hiện dịch vụ không xâm lấn (massage, chăm sóc da cơ bản…).
Đối với phòng khám thẩm mỹ, được thực hiện tiểu phẫu xâm lấn như cắt mí, nâng mũi, tiêm filler nhưng phải do bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thực hiện.
Còn đối với bệnh viện thẩm mỹ mới được phép làm đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ, nâng mông…
Từ đó, bác sĩ Long khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo trước thông tin quảng cáo, nên kiểm tra rõ tính pháp lý của cơ sở, yêu cầu được xem bằng cấp và chứng chỉ hành nghề của bác sĩ.
- Có thể tra cứu tên bác sĩ trên cổng thông tin Sở Y tế để xác minh.
- Một cơ sở uy tín sẽ có phòng mổ vô trùng, thiết bị đạt chuẩn y khoa, và có giấy phép hoạt động hợp pháp được ghi rõ trên biển hiệu.
Vị bác sĩ nhấn mạnh, hầu hết những cơ sở spa không phép, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội thường quảng cáo những dịch vụ xâm lấn. Đặt biệt, ở những cơ sở này chỉ để số điện thoại, không ghi địa chỉ, tên bác sĩ, không đăng tải giấy phép hoạt động của cơ sở.
“Những bài quảng cáo chỉ để số điện thoại, khách hàng lướt qua bài viết chỉ cần một cú nhấp, lập tức sẽ có số điện thoại gọi tư vấn. Vì vậy chị em cần hết sức lưu ý những dịch vụ quảng cáo thẩm mỹ như thế này.
Phẫu thuật thẩm mỹ, dù ở mức độ nào, cũng là can thiệp xâm lấn, tiềm ẩn rủi ro. Hãy khám, tư vấn trực tiếp với bác sĩ, hiểu rõ rủi ro trước khi quyết định ‘dao kéo’. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng. Nhưng nếu không được thực hiện đúng nơi, đúng người, đúng phương pháp, cái giá phải trả không chỉ là tiền bạc mà còn là sức khỏe và sự an toàn. Đừng để vẻ đẹp mong manh đánh đổi bằng nỗi đau dai dẳng”, BS. Long cho hay.
Tại Hà Nội, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết, số ca tai biến do làm đẹp tại các spa chuyển tới cấp cứu có xu hướng tăng. Phần lớn, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có nhiều biến chứng nặng nề như hoại tử mô, sẹo co kéo, nhiễm trùng lan rộng và biến dạng vùng mặt.
TS.BS Nguyễn Thị Phan Thúy - Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mỗi năm có 200-500 bệnh nhân gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại đây. Trong đó, 77% các bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đi làm đẹp tại spa trôi nổi, 13% thực hiện tại nhà, thiết bị không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêm chích không rõ nguồn gốc.