NSƯT Kim Tiến tin rằng, "Ông Trời" đã cho bà khả năng và “sức mạnh” đặc biệt để dấn thân và gắn bó với ngành truyền hình.
NSƯT Kim Tiến được khán giả ưu ái đặt cho danh xưng "giọng đọc huyền thoại". |
Không nhận danh xưng “giọng đọc huyền thoại”
PV: Động lực nào khiến NSƯT Kim Tiến dù từng thi trượt vào Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi nghề phát thanh viên dù tại thời điểm đó ngành truyền hình mới “sơ khai”?
NSƯT Kim Tiến: Đấng Tạo Hoá ban cho con người mọi tính cách khác nhau, trong đó có tính phiêu lưu, tất nhiên không phải ai cũng thích điều đó nhưng cũng có những người dám bước chân vào lĩnh vực mới mẻ chưa ai dám đặt chân tới và dấn thân.
Tôi không là người mạnh dạn như vậy. Nhưng trong thời điểm đó, 1970, tôi cảm thấy được thúc giục trong lòng là hãy thử làm công việc mà mình thích: đọc tin tức.
Trong tất cả các loại hình báo chí ít ỏi thời bấy giờ như: báo giấy, phát thanh… thì vô tuyến truyền hình ra đời là loại báo hình đầu tiên rất mới mẻ ở đất nước ta. Đó cũng là sự mới mẻ với những người trong thế hệ đầu tiên làm truyền hình.
Khi đã quyết tâm đi vào lĩnh vực mình chọn, thì phải sẵn sàng tiếp nhận thử thách, khó khăn, biết vượt qua những cái thiếu, cái yếu của cơ sở làm việc , cũng như những khiếm khuyết của bản thân để hoàn thành tốt yêu cầu của công việc. Cuối cùng cũng đã đạt được một số kết quả nhất định.
Chắc chắn ông trời đã cho tôi một khả năng để đủ sức và sẵn sàng bước đi trên con đường “gập ghềnh” thuở ban đầu ấy. Bây giờ cũng vậy, sau khi về nghỉ hưu được mười tám năm , tôi vẫn thường xuyên đọc các phim tài liệu, phóng sự cho các đơn vị truyền thông, truyền hình các địa phương và trung ương; vẫn truyền lại những kinh nghiệm về Nói, Đọc tin tức cho các thế hệ sau, khi các cháu tìm đến tôi.
Có nhiều người quen biết cũng hỏi tôi “bí quyết” nào giữ được giọng đọc như vậy ? tôi cũng chỉ biết trả lời cách nghiêm túc là: “Trời cho đến đâu thì biết đến đấy, chứ tôi cũng chẳng có bí quyết gì”.
May mắn, trời cho tôi năng lực để thích nghi và sống trọn 30 năm với ngành truyền hình Việt Nam. Kết quả cuộc đời tôi đến thời điểm này đã chứng minh quyết tâm ban đầu là chính xác.
PV: Qua nhiều thế hệ từ phát thanh viên cho đến biên tập viên (BTV) truyền hình hiện tại, NSƯT Kim Tiến vẫn là “giọng đọc huyền thoại” trong lòng công chúng. Bà nghĩ sao về danh xưng này?
NSƯT Kim Tiến: (Cười) Chính tôi vẫn tự hỏi tại sao mọi người lại gọi mình là “giọng đọc huyền thoại nhỉ?”. Tôi tự thấy giọng mình không trong trẻo mà còn hơi bị khàn khàn.
Nếu nói về giọng nói thì đó là yếu tố tự nhiên được Ông Trời ban cho qua cha mẹ, nó có sẵn rồi. Đúng là cũng phải luyện tập để hoàn thiện hơn về cách nói, nhưng điều quan trọng nhất là tình yêu với khán giả qua các nội dung mình đọc, nói.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, tôi hiểu rằng phải yêu công việc của mình mới có thể suy nghĩ, sáng tạo hoàn chỉnh được.
Khi hướng dẫn cho các lớp học sinh sau này, tôi thường nói với các em rằng kỹ thuật là điều quan trọng. Nó là phương tiện để chuyên chở thông tin đến cho người nghe.
Nhưng bạn không thể chỉ sử dụng kỹ thuật đơn thuần, mà còn phải gửi gắm cả tình cảm vào trong đó. Nếu chỉ có kỹ thuật mà không có tình cảm thì sẽ là vô hồn, là máy đọc.
Ngược lại, nếu chỉ có tình cảm mà không có kỹ thuật tốt sẽ làm giảm hiệu quả của thông tin. Bởi vậy, luôn phải có sự song hành giữa tình cảm và kỹ thuật. Chương trình sẽ trở nên sinh động và người nói sẽ truyền tải được thông tin một cách tốt nhất đến với khán giả.
NSƯT Kim Tiến thuộc thế hệ người dẫn chương trình truyền hình đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: VTV |
PV: NSƯT Kim Tiến không chỉ là gương mặt quen thuộc trên truyền hình mà còn là giọng thuyết minh phim nước ngoài được nhiều người yêu mến. Tại sao bà có sự chuyển hướng từ phát thanh viên sang thuyết minh phim như vậy?
NSƯT Kim Tiến: Thời gian đầu, khi vô tuyến truyền hình có mặt tại Việt Nam thì chúng tôi thiếu thốn cơ sở vật chất, kỹ thuật. Chỉ có mấy lĩnh vực nghề nghiệp: Phóng viên đi lấy tin, BTV thực hiện chương trình và Người nói. Những người nói như chúng tôi phải đọc bất cứ chương trình gì liên quan đến nghề đọc, từ chuyên đề, thời sự trong và ngoài nước, phim khoa học, phim truyện phát thanh viên phải đọc hết.
Khó khăn là vậy nhưng tất cả đều rất phấn khởi vì lần đầu tiên Việt Nam có vô tuyến truyền hình. Chúng tôi đam mê, hào hứng bắt tay vào làm và cũng phải tự mày mò nhiều.
Bản thân tôi phải cố gắng hết sức để tránh những sự cố trong việc nói, đọc trên sóng. Những chuyện như vấp váp, nói sai không hề xảy ra.
Những năm đầu chưa có đủ điều kiện máy móc kỹ thuật, như chưa có băng từ tính xuất hiện và phải đọc trực tiếp trên sóng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cố gắng để phát sóng trôi chảy, không có sự cố, đó là trách nhiệm của người làm truyền hình.
PV: Trong sự nghiệp thuyết minh phim nước ngoài của mình, NSƯT Kim Tiến yêu thích tác phẩm nào nhất?
NSƯT Kim Tiến: Tôi vốn là người yêu thích điện ảnh, tôi mê phim lắm! Chính vì thế khi nhận công việc thuyết minh phim tôi cảm thấy rất hào hứng.
“Tây Du Ký” bản 1986 có lẽ chính là bộ phim mà tôi tâm đắc nhất. Bộ phim mang lại cho tôi cảm giác thích thú về nội dung tác phẩm, về diễn xuất cao siêu của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Tôn Ngộ Không.
Bộ phim có quá nhiều ý nghĩa, được tác giả gửi gắm cái nhìn sâu sắc về xã hội Trung Quốc nói riêng và con người nói chung. Đối với cá nhân tôi, không có bộ phim nào vượt qua được “Tây Du Ký 1986”. Tôi rất thích nhân vật vừa thông minh, có năng lực lại vừa có đạo đức, tình nghĩa như Tôn Ngộ Không. Diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng hóa thân quá xuất sắc vào vai Tôn Ngộ Không. Dù sau này có bao nhiều bản làm lại, bao nhiêu kỹ xảo mới hiện đại hơn, diễn viên trẻ đẹp nhưng tôi cũng đánh giá bản phim 1986 là không thể vượt qua.
Hồi đó, khi thuyết phim “Tây Du Ký”, tôi cảm giác mình sống với những tính cách, cảm xúc chân thật của nhân vật Tôn Khộ Không. Tôi thích Tôn Ngộ Không đến nỗi truyền tải cả những suy nghĩ, cảm xúc của mình vào nhân vật, nói như bản thân mình ngoài đời vậy.
Kể một câu chuyện vui vui thế này. Một hôm, đang ngồi trong phòng phát thanh viên nói chuyện với mọi người, trong lúc tranh luận sôi nổi một người đồng nghiệp của tôi thốt lên: “Ôi chị, chị nói câu vừa rồi em thấy y như Tôn Hành Giả!”, rồi mọi người bật cười. Tôi nghĩ vậy là tôi đã thực sự hóa thân vào nhân vật này trong khi thuyết minh.
“Trời cho” khả năng về dạy học
PV: Hiện tại NSƯT Kim Tiến vẫn đang đào tạo cho các bạn trẻ theo nghề phát thanh viên?
NSƯT Kim Tiến: Tôi không mở lớp dạy, đọc bản tin thời sự là công việc chính của tôi và bây giờ tôi muốn truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ sau. Tôi đã dạy cho các bạn từ thời còn đi làm ở đài. Lúc đầu là giúp cho con em của những người công tác trong đài.
Tôi không phải người “tham công tiếc việc” nhưng cũng thấy cảm thông với các em khi muốn thi tuyển vào kênh nào đó thì nên có một chút cơ bản về nghề trong tay mới tự tin. Có nhiều người tìm mọi cách để liên hệ, đến được chỗ của tôi để theo học, rất nhiều bạn ở các tỉnh.
Tôi cảm ơn các bạn ấy đã tin tưởng, yêu mến và rất nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Trong thời điểm dịch COVID-19 tôi tạm thời dừng các lớp để tuân thủ quy định của Chính phủ về việc tụ tập đông người.
PV: Ngoài việc giảng dạy, sau khi về hưu, NSƯT Kim Tiến còn tham gia hoạt động nào nữa không?
NSƯT Kim Tiến: Sau khi về hưu, ngoài việc hướng dẫn cho các bạn trẻ yêu nghề truyền hình về cách đọc, nói thì tôi còn được kênh truyền hình ANTV mời làm giám khảo để chấm riêng bộ môn Người dẫn chương trình. Cứ 2 năm một lần, ANTV lại tổ chức Liên hoan Truyền hình Công an Nhân dân, tôi lại được mời tham gia.
Năm nay, từ ngày 19/10, tôi sẽ bắt đầu tuyển người dẫn chương trình nam cho bản tin thời sự của kênh truyền hình ANTV.
Ngoài ra, tôi vẫn thường xuyên nhận lời đọc lời dẫn cho phim tài liệu, phóng sự truyền hình cho các đơn vị khác.
NSƯT Kim Tiến trở lại màn ảnh nhỏ vào tháng 9/2020. |
PV: Thời gian gần đây khán giả được gặp lại NSƯT Kim Tiến qua một số chương trình như Quán thanh xuân, Bản tin thời sự sáng 7/9, Lễ trao giải Ấn tượng VTV... Bà có cảm xúc gì khi quay lại với sóng truyền hình?
Thật là vui mừng bởi vì khi quay trở lại với Đài truyền hình Việt Nam thì tôi thấy hoàn toàn khác xa với 50 năm trước khi chúng tôi là những người đầu tiên, còn thực hiện những chương trình truyền hình của Việt Nam với điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất và ngô nghê trong kỹ thuật.
Ngày đó chưa có Internet nên cũng chưa thể xem các nước khác làm truyền hình như thế nào. Những bước đi ban đầu của thế hệ làm truyền hình đầu tiên rất là cẩn thận, mày mò và trước tiên phải không mắc sai sót để khán giả ghi nhận. Vì khán giả cũng là lần đầu tiên có truyền hình, họ quan sát rất chăm chú.
Đến 50 năm sau, tôi thấy truyền hình Việt Nam đã rất sung sức, phát triển. Các bạn trẻ của thế hệ bây giờ rất giỏi, có sự sáng tạo, có kiến thức trong nhiều chương trình. Đó là điều rất đáng vui mừng bởi khi nhìn thấy đơn vị đầu tiên về truyền hình mà mình được tham dự đã rất đáng tự hào rồi. Hiện tại càng tự hào hơn nữa về các thế hệ sau giỏi giang để có thể cống hiến cho khán giả những thông tin vừa bổ ích vừa mang tính giáo dục.
Khi được sống lại những giây phút trên sóng truyền hình tôi rất hạnh phúc và tự hào bởi với tuổi của chúng tôi, không phải ai cũng được quay lại công việc cũ một cách khỏe mạnh và vui mừng như thế.
PV: Đã ở tuổi tận hưởng sự vui vầy bên gia đình, con cháu rồi nhưng NSƯT Kim Tiến vẫn tất bật với công việc, bà có nghĩ đây là niềm vui khác biệt của mình so với những người cùng lứa tuổi?
NSƯT Kim Tiến: Về gia đình thì các con đều có tổ ấm riêng, các cháu cũng đã lớn, đi học đại học rồi nên không vướng bận gì cả. Cũng may tôi có sức khỏe để có sức còn tham gia, còn cống hiến.
Nói thật với bạn, tôi rất tin vào chữ “duyên”. Mọi người thường hỏi tôi rằng làm thế nào để giữ giọng tốt vậy, bền bỉ vậy qua nhiều năm. Thế nhưng thật ra tôi không hề có bí quyết gì đặc biệt cả, không hề kiêng khem, thích gì ăn nấy, ăn thoải mái mà không béo, cũng không bị ảnh hưởng đến giọng nói. Còn lớn tuổi rồi thì dĩ nhiên tôi cũng nên tránh ăn nhưng đồ dầu mỡ, khó tiêu.
Tôi có đam mê và trời lại cho khả năng nên vẫn cứ nhiệt huyết, cứ cống hiến đến khi nào có thể thôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của NSƯT Kim Tiến!
Vi An