Nội dung được quan tâm nhất đó là đề xuất mới cho phép giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình nhưng phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
Quy định mới này hoàn toàn khác với Thông tư 17 hiện nay, là giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Chia sẻ với Đời sống & Pháp luật về lịch học tập của con đang học lớp 5, phụ huynh Đào Trần Linh (Khâm Thiên, Hà Nội) cho hay: "Con tôi bắt đầu đi học thêm từ lớp 1, học 1 buổi/tuần vào ngày cuối tuần với 2 môn Toán, Tiếng Việt. Đối với môn tiếng Anh sẽ học tại trung tâm".
Chị Linh cho biết, gia đình có nhu cầu cho đi học bởi tâm lý lo lắng con sẽ không theo kịp bạn bè trên lớp, ngoài ra do chương trình học cũng khác xưa nên cha mẹ khó có thể giảng dạy được như thầy cô.
Phụ huynh cũng chia sẻ, nhiều dịp hè chỉ sau khi bắt đầu kỳ nghỉ được 1 tuần, giáo viên đã mở lớp học hè và được nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học.
"Nhiều cha mẹ không có thời gian trông con, nên việc học thêm cũng là giải pháp cho vấn đề này", chị Linh bày tỏ.
Đến thời điểm hiện tại, khi con phụ huynh này học lớp 5, để chuẩn bị chuyển cấp, gia đình còn bố trí thêm gia sư bổ túc thêm kiến thức cho học sinh.
Nhiều phụ huynh cho con đi học ngay từ những năm học đầu đời (Ảnh: Hữu Thắng).
Lại có quan điểm khác, anh Mạnh Quân có con học lớp 3 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội hoàn toàn không cho con đi học thêm.
Phụ huynh này cho biết: "Gia đình có biết và nhận thông tin các bạn trong lớp tham gia các lớp học thêm khác nhau. Tuy nhiên, tôi thấy kiến thức những năm đầu tiểu học còn đơn giản, không quá nhiều phức tạp nên tôi thấy không cần thiết phải tạo áp lực cho con đi học thêm".
Mặc dù vậy, anh Quân cho rằng vẫn sẽ cho con đi học thêm khi lên lớp 4 bởi mong muốn con có thể thi đỗ vào các trường chất lượng.
Trước những quy định mới, trao đổi với Đời sống & Pháp luật, Hiệu trưởng một Trường Tiểu học tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho rằng cần nhìn nhận, đánh giá từ vị trí, vai trò người thầy, người trò để có cái nhìn khách quan về vấn đề này.
Dưới góc độ học sinh, hiệu trưởng này cho rằng, nhu cầu học ngoài giờ là chính đáng. Bởi năng lực học của mỗi học sinh là không giống nhau, mỗi bạn sẽ có một năng lực, điểm xuất phát riêng, trình độ nhận thức, thậm chí điều kiện thời gian cũng khác nhau,…cho nên, nhu cầu học của các con không thể như nhau.
Xét về góc độ người dạy, thầy cô bổ túc cho học sinh hay dạy thêm ngoài giờ chính khóa cũng xuất phát từ những mục tiêu, yêu cầu mong muốn như nâng cao chất lượng học tập cho cho học sinh, bổ túc thêm kiến thức hay đơn giản là đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ của phụ huynh.
Phụ huynh cần là người quyết định nên hay không cho con em mình học thêm (Ảnh: Hữu Thắng).
"Tuy nhiên, tôi hiểu, có nhiều ý kiến phản đối dạy thêm, học thêm. Vì hoạt động này, có không ít trường hợp biến tướng và ảnh hưởng xấu đến chất lượng dạy học, tác động tiêu cực đến uy tín, hình ảnh người thầy, thậm chí là khiến kìm hãm sự phát triển của học sinh", vị hiệu trưởng nhận định.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, hiệu trưởng này bày tỏ giải pháp cho vấn đề này đến ngay từ những người cha, người mẹ.
"Phụ huynh sẽ là người quyết định cho con đi học, họ có quyền lựa chọn học ở đâu và học ai. Nếu như chúng ta thấy rằng con mình cần thiết học và người thầy đó là đủ uy tín, phẩm chất, năng lực thì có thể gửi gắm hoặc không cho theo học.
Nếu lo lắng học sinh bị "trù", phụ huynh hoàn toàn có quyền lên tiếng, chia sẻ với giáo viên mang tính chất xây dựng. Tôi tin khi có tiếng nói chung, tiếng nói xây dựng thì sẽ có cách giải quyết tốt đẹp", vị này cho hay.
Cùng với đó, giáo viên cũng cần xuất phát từ vị trí người thầy. Vị Hiệu trưởng chia sẻ: "Dạy ngoài giờ cũng là dạy học, là một nghề cao quý cho nên thầy cô phải giữ hình ảnh người thầy. Nếu có thu phí thì phải chứng minh được rằng học phí đó là xứng đáng, khi giáo viên đã bỏ công bỏ sức, trí tuệ thời gian để đem lại kiến thức cho học sinh. Tôi thấy rằng, nếu chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu thì dạy thêm, học thêm sẽ không bị đánh giá quá tiêu cực như hiện nay".
Giáo viên cần giữ hình ảnh người thầy.
Trong dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, tại Điều 5 ghi rõ giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trước quy định này, vị hiệu trưởng đánh giá: "Việc lập danh sách là phù hợp, bởi chính thầy cô hiệu trưởng sẽ là người có trách nhiệm kiểm soát việc có sự phân biệt của giáo viên giữa những học sinh đi học thêm và không đi học thêm hay không, hay có những biểu hiện lệch chuẩn như không dạy đủ kiến thức ở trên lớp không,… Như vậy, chúng ta càng minh bạch được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu".
Lãnh đạo trường học cần có sự hỗ trợ, đóng góp cho việc dạy thêm, học thêm của các thầy cô một cách tốt đẹp hơn.
Trong Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm nêu:
Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành nhưng ngoài thời lượng quy định của chương trình, có thu thêm tiền ngoài học phí của học sinh, học viên.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình tổ chức thực hiện.
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường tổ chức thực hiện.