Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ninh Bình: Du khách chiêm bái đền thờ Vua Đinh, Vua Lê tại cố đô Hoa Lư dịp đầu năm

  • Thành Lâm
(DS&PL) -

Dịp đầu năm, du khách thập phương tranh thủ ghé thăm cố đô, nhìn lại bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc và chiêm ngưỡng nét đẹp uy nghiêm, cổ kính.

Người dân về chiêm bái, dâng hương tại đền thờ Vua Đinh, Vua Lê vào dịp đầu năm mới.

Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê là hai di tích nổi bật nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố Đô Hoa Lư, toạ lạc ở xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Hai ngôi đền này được xây dựng từ thời nhà Lý và được nhà Hậu Lê cho xây dựng lại vào thế kỉ 17. Bên trong ngôi đền thờ hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, những người có công trong việc xây dựng bảo vệ đất nước Đại Cồ Việt xưa. Hai ngôi di tích lịch sử đặc biệt đã được xếp hạng “Top 100 Công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam.”

Không chỉ người dân trong nước mà du khách quốc tế cũng rất hào hứng tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử đặc biệt này.

Dịp đầu năm, người dân và du khách tranh thủ đến đây để dâng hương, chiêm bái, cũng là dịp nhắc nhở con cháu đời sau biết ơn tới những thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước.

Chị Nguyễn Kim Thu, một người dân tại đây cho biết: “Đền thờ Vua Đinh - Lê là một di tích lịch sử đáng tự hào của người dân Ninh Bình. Đầu năm có rất nhiều du khách đến tham quan, nhưng đông nhất là từ ngày 8/3-10/03 âm lịch hàng năm, khi Lễ hội đền vua Đinh vua Lê (lễ hội Trường Yên) được tổ chức tại Cố đô Hoa Lư, thì nơi đây thu hút rất đông đảo du khách địa phương và quốc tế tới tham quan, du xuân”.

Đền thờ vua Đinh - Lê là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc (là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau), làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện và những công trình kiến trúc ở giữa. Đền được xây dựng theo hình chữ công phía bên trong, phía ngoài có khung bao quanh như bộ Vi bao bên ngoài như ở chữ Quốc.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm có 3 tòa chính: Bái Đường, Thiêu Hương và Chính Cung. Trước gian giữa của bái đường ngay trên sân rồng là sập long sàng được làm từ đánh xanh nguyên khối kết hợp với nghệ thuật chạm khắc vô cùng tinh tế với những đường nét hoa văn đặc sắc, có giá trị. Đây được xem là món quà giá trị mà các danh nhân thời Đinh để lại đồng thời cho thấy tài năng và nghệ thuật tài hoa của họ.

Những di tích tại đền, xây dựng từ thế kỷ 17 được bảo tồn cho đến tận ngày nay.

Xây dựng cùng thời điểm với Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành có kiến trúc khá giống với Đền Vua Đinh và giữ nguyên lối kiến trúc, điêu khắc của thời kỳ Hậu Lê. Ngôi đền cổ vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của thế kỷ 17 này thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh. Trong đền cũng thờ bài vị thờ Công chúa Lê Thị Phất Ngân, con của Vua Lê và bài vị tướng Phạm Cự Lượng, người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi.

Rất đông du khách thập phương đã ghé thăm đền, để được nhìn ngắm bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đền thờ Vua Đinh, Vua Lê là biểu tượng cho sự tôn kính, biết ơn của nhân dân đối với hai vị Vua có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế kỷ thứ 10. Bên cạnh đó, những dấu vết của vương triều Cố đô Hoa Lư xưa vẫn còn đây, gợi nhớ về thời kỳ huy hoàng, độc lập, tự chủ của nước Đại Cồ Việt nghìn năm trước - lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng.

Tin nổi bật