Từ tháng 7 này, niềm vui từ việc đóng BHXH tự nguyện lại đến khi bà được tăng lương hưu theo chính sách của Nhà nước.
Trong số khoảng 3,3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ đầu tháng 7 này, mỗi người đều cảm nhận được niềm vui theo cách riêng. Với những người được hưởng lương hưu từ quá trình đóng BHXH tự nguyện, niềm vui lại càng lớn hơn.
Bà Đặng Thị Sơn (sinh năm 1967, thường trú tại Thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) là người phụ nữ đầu tiên ở huyện Sơn Động được hưởng lương hưu từ việc đóng BHXH tự nguyện.
Sau quá trình đóng từ năm 2008, năm đầu tiên bắt đầu thực hiện BHXH tự nguyện, đến tháng 10/2023, bà Sơn mới đủ điều kiện và bắt đầu được hưởng hưởng tháng lương hưu đầu tiên với 2,17 triệu đồng (quá trình đóng được 14 năm 8 tháng và đóng thêm 5 năm 4 tháng cho thời gian còn thiếu để đủ 20 năm).
Từ tháng 7 này, niềm vui từ việc đóng BHXH tự nguyện lại đến khi bà được tăng lương hưu theo chính sách của Nhà nước.
“Tôi vui lắm. Thế mới thấy quyết định đóng BHXH tự nguyện năm xưa thật sáng suốt. Nhiều người thấy tôi có lương hưu thì ngưỡng mộ lắm”, bà Sơn chia sẻ và nhấn mạnh rằng tiếc nhất là không đóng ở mức cao hơn để lương hưu được cao hơn.
1 tháng sau ngày được nhận quyết định hưởng hưu trí, bà Nguyễn Thị Na (Định Hóa, Thái Nguyên) đã được tăng lương hưu. Ảnh: BHXH Việt Nam
Nếu như bà Sơn phải đợi gần 9 tháng mới được hưởng niềm vui tăng lương hưu thì bà Nguyễn Thị Na (58 tuổi, xã Phú Tiến, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) có phần may mắn hơn. Chỉ 1 tháng sau ngày nhận đồng lương hưu đầu tiên, lương của bà Na đã được tăng thêm.
“Tôi ra UBND xã nhận lương hưu mới hôm 9/7 vừa qua, được tăng 195.000 đồng đấy; kém 5.000 nữa là lương của tôi được 1,5 triệu; tuy ít thôi nhưng mà vui lắm”, bà Na chia sẻ.
Cũng giống như bà Sơn, quá trình được hưởng lương hưu của bà Na cũng phải qua quá trình kiên trì, quyết tâm từ chính bản thân. Trước đó, bà có hơn 7 năm đóng BHXH bắt buộc tại một DN. Đến khi tuổi cao hơn, không còn phù hợp với công việc, cũng như nhiều người khác, bà Na trở về cùng chồng cặm cụi làm ruộng để nuôi 3 đứa con. Hơn 7 năm đóng BHXH vẫn còn đó, cũng có lúc bà Na nghe nhiều người nói đến việc rút BHXH một lần nhưng người phụ nữ này lại nghĩ khác và quyết định tham gia BHXH tự nguyện.
Thêm 3 năm đóng BHXH tự nguyện. Đến tháng 5 vừa qua, bà nghe cơ quan BHXH thông tin bà đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng số năm đóng BHXH còn thiếu. Cũng tương tự như năm xưa, bà Na đứng trước 2 lựa chọn: rút BHXH 1 lần hoặc đóng nốt số tiền BHXH tự nguyện tương ứng với số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bà Na đã quyết định bỏ ra hơn 40 triệu đồng để đóng nốt cho thời gian còn thiếu và đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 1/6/2024. Và như đã nói, chỉ 1 tháng sau, lần đầu tiên, bà Na đã được hưởng niềm vui tăng lương hưu.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường hưởng lương hưu khi đáp ứng hai điều kiện: đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên và đến tuổi về hưu. Hiện, người lao động muốn hưởng lương hưu thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.
Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ.
Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đến năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng. Với nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Đối với lao động nữ, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng, sau đó mỗi năm đóng thêm sẽ cộng thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng, sau đó mỗi năm đóng thêm sẽ cộng thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.