Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những vết thương không thể lành trong kí ức của người nhập cư lậu duy nhất sống sót sau thảm họa Morecambe ở Anh

(DS&PL) -

Chỉ sau một tuần làm việc, Li Hua cùng 23 người khác đã phải giành giật sự sống khi mắc kẹt dưới vịnh Morecambe khi thủy triều dâng, khiến 21 người chết đuối.

Chỉ sau một tuần làm việc, Li Hua cùng 23 người khác đã phải giành giật sự sống khi mắc kẹt dưới vịnh Morecambe khi thủy triều dâng, khiến 21 người chết đuối.

Danh sách các nạn nhân trọng vụ thảm họa vịnh Morecambe hồi năm 2004. Ảnh: Lancashire Police

Năm 2002, anh Li Hua (hiện 42 tuổi) – một người lao động Trung Quốc -  đã trao 14.000 bảng Anh (khoảng 400 triệu đồng) cho băng đảng 'Cá lóc' tại nước này và nhận lại được lời hứa về một cuộc sống tốt hơn ở Anh.

Tuy nhiên, cuộc hành trình để chạm tới chân trời châu Âu kéo dài tận 2 năm, vô cùng khó khăn và cực khổ. Để có tiền, anh Li phải làm các công việc như nô lệ trên đường đi.

"Đó là hai năm vất vả và chúng tôi đã đi qua hàng trăm địa điểm mà tôi không biết gì", anh Li chia sẻ. "Chúng tôi không được phép hỏi bất kỳ câu hỏi nào."

Cuối cùng, khi anh Li đến Vương quốc Anh vào năm 2004, anh đã được cung cấp một chỗ ở bẩn thỉu, phải ngủ trên sàn bê tông cùng với 25 người đàn ông khác và làm công việc mò bắt sò ở Lancashire.

Song chỉ sau một tuần làm việc, anh Li cùng 23 người khác khác đã phải giành giật sự sống khi mắc kẹt dưới vịnh Morecambe lúc thủy triều dâng lên. 21 người chết đuối, 2 người mất tích, anh Li là người duy nhất sống sót cùng vết thương không thể chữa lành trong ký ức.

Thảm kịch của các nô lệ đào sò ở Morecambe có nhiều nét tương đồng với vụ 39 thi thể nghi là người nhập cư trái phép được phát hiện trong thùng container ở hạt Essex, gần thủ đô London hồi tuần trước.

Giống như anh Li, 39 nạn nhân được cho là đã bị buôn lậu bởi băng đảng 'Cá lóc', chủ mưu các hoạt động buôn người từ Đông sang Tây và lấy từ những người di cư tuyệt vọng các khoản tiền “khủng” lên tới 33.000 bảng cho mỗi hành trình phi pháp.

39 thi thể nghi là người nhập cư trái phép được phát hiện trong thùng container ở hạt Essex. Ảnh: AP

Các gia đình tuyệt vọng trước những khoản nợ khổng lồ treo lơ lửng

Anh Li lớn lên tại một tỉnh nghèo ở miền Nam Trung Quốc. Sau khi tới Anh vào năm 26 tuổi, anh  đã để lại một khoản nợ khổng lồ cho gia đình, giống như nhiều người di cư Trung Quốc trước và sau đó.

Anh Li nói: “ Trước đó, tôi làm nghề bán rau nhưng tiền thu về chỉ đủ để mua đồ ăn hàng ngày . Tôi muốn có thể mang lại nhiều điều hơn cho gia đình tôi”.

Vì vậy, khi nhận được mời đến Vương quốc Anh, anh Li này đã không muốn bỏ lỡ cơ hội làm giàu. Mẹ của anh đã phải lấy ngôi nhà của gia đình ra cầm cố cho những kẻ buôn người để có thể đủ 14.000 bảng và đảm bảo con trai bà có thể qua châu Âu.

Anh Li nói: “Tôi đã trả rất nhiều tiền vì tôi được hứa hẹn rằng có thể kiếm được một công việc tốt hơn. Tôi được hứa là sẽ có một nơi thoải mái để sống. "

Câu chuyện của anh Li là một câu chuyện phổ biến ở tỉnh Phúc Kiến, nơi mọi người thường tiết kiệm tiền để gửi một chàng trai trẻ chuẩn bị sang châu Âu, tin tưởng rằng họ sẽ nhận được lợi tức đầu tư tốt trong ba hoặc bốn năm.

Chỉ được ăn bánh mỳ và nước trắng

Nơi ở của những người nhập cư.  Ảnh: The Sun

“Tôi bị bỏ lại ở khu phố Hoa ở London và không được phép hỏi bất kỳ điều gì. Một người đàn ông tiến tới và nói có một công việc tại thành phố Liverpool. Tôi chấp nhận ngay lập tức. Khi tới nơi, tôi mới được biết công việc đó là thu hoạch sò nứa. Không ai trong chúng tôi từng làm công việc này trước đây, nhưng tất cả chúng tôi đều cần tới công việc này để sống sót”, anh Li nói.

Thay vì có một cuộc sống dễ dàng như hứa hẹn, anh Li buộc phải làm việc 7 ngày mỗi tuần trong điều kiện lạnh giá với thù lao chỉ 10 bảng (gần 13 USD) một ngày.

Nhóm của Li hàng ngày chỉ được ăn bánh mỳ và nước trắng, ngủ trên sàn bê-tông lạnh buốt. Anh sợ những kẻ mafia buôn người đến nỗi chấp nhận làm cả tuần mà không có thù lao và với rất ít đồ ăn mà không dám phàn nàn nửa lời.

"Nơi ở bốc mùi và lạnh giá, không có máy sưởi", anh Li kể. "Chúng tôi chỉ có bánh mỳ và trà hoặc nước lọc cho bữa sáng. 25 người chúng tôi ngủ chung một phòng, tất cả xếp hàng nằm cạnh nhau trên nền bê-tông, mỗi người một chiếc chăn. Không có thứ gì sạch sẽ cả nhưng bạn chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi và ngủ mà thôi".

"Ngày nào cũng vậy, bạn đều phải làm việc tới kiệt sức, không bận tâm nấu ăn hay tắm, bạn chỉ cần ngủ thôi", anh Li tâm sự.

Ngoài ra, họ cũng không được cung cấp các thiết bị an toàn như áo phao cứu hộ, và thậm chí họ còn không được cảnh báo về hiểm họa từ các đợt thủy triều cũng như các hố cát lún.

"Chúng tôi chỉ nghe theo mệnh lệnh. Không ai để ý tới mối nguy hiểm, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài tin ông chủ của mình".

Một số hình ảnh cứu hộ tại Morecambe. Ảnh: The Sun

Vào một đêm mùa đông lạnh buốt vào tháng 2/2004, Li cùng 24 công nhân thu hoạch sò khác bị cuốn bởi đợt thủy triều ở vịnh Morecambe.

"Tất cả hoảng sợ, la hét và than khóc. Tôi đã chứng kiến tận mắt nhóm của mình đuối dần, chìm xuống làn nước sâu và không bao giờ nổi lên nữa. Tôi đã cực kỳ hoảng sợ, và quan trọng hơn là cảm giác bất lực. Tôi đã nghĩ mình sẽ chết", anh Li kể. 

May mắn thay, anh Li được đội cứu hộ bờ biển phát hiện và đưa vào bờ. Trước mắt anh lúc ấy là những thi thể không có lấy mảnh vải che thân. Quần áo bảo hộ của họ đã bị làn sóng dữ lột toàn bộ.

"Tôi không thể thoát khỏi những cơn ác mộng"

Ngay sau thảm họa, anh Li đã bị các băng đảng đe dọa đến mức anh phải nói dối với cảnh sát rằng anh đã đi dã ngoại khi bạn bè của anh ta bị chết đuối.

Tuy nhiên, các thám tử đã nhanh chóng đoán được rằng anh Li quá sợ hãi để có thể nói sự thật nên đưa anh vào diện nhân chứng cần bảo vệ.

Bằng chứng của anh Li tại tòa đã giúp kết án Lin Liang Ren - ông  trùm của hệ thống "nô lệ” với tội danh ngộ sát 21 người, chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp và cung cấp điều kiện lao động dưới tiêu chuẩn. Người này bị kết án 14 năm tù giam - một mức án được đánh giá là quá nhẹ.

Anh Li giờ đây đã tạo dựng lại cuộc sống và có hai con. "Tôi muốn giành lại công lý cho những người đã chết", anh nhấn mạnh. "Tất cả những gì tôi muốn chỉ là kiếm đủ tiền để sống qua ngày và được đối xử công bằng nhưng mọi thứ hắn ta (Lin Liang Ren) quan tâm chỉ là tiền".

Theo tiết lộ của tờ Sun, những kẻ cầm đầu đường dây trên có thể kiếm được hơn 1 triệu bảng Anh/ngày (khoảng 32 tỷ đồng), trong khi lương của các nạn nhân chỉ được trả 10 bảng Anh/ngày.

Mộc Miên (Theo The Sun)

Tin nổi bật