Theo bảng xếp hạng các thành phố nhiều tỷ phú nhất mới được cập nhật của Forbes, New York (Mỹ) tiếp tục giữ vững ngôi đầu.
New York (Mỹ) vẫn là thành phố nhiều tỷ phú nhất hiện nay, giữ vững ngôi đầu trong năm thứ 6 liên tiếp. Ảnh: Reuters |
New York (Mỹ) - 92 tỷ phú: Đây là năm thứ 6 liên tiếp thành phố này giữ vị thứ nhất, nhiều hơn 8 tỷ phú so với năm 2019. Trong số các tỷ phú mới của New York, nổi bật nhất là rapper Jay-Z.
Hong Kong (Trung Quốc) - 71 tỷ phú: Tuy vẫn giữ vị trí thứ 2 nhưng số tỷ phú tại đây đã giảm đến 8 người so với năm 2019.
Moscow (Nga) - 70 tỷ phú: Thủ đô nước Nga là nơi sinh sống của hơn 80% số tỷ phú tại quốc gia này. 70 người giàu nhất Moscow đều là các tỷ phú tự thân.
Bắc Kinh (Trung Quốc) - 67 tỷ phú: Số tỷ phú tại thủ đô Trung Quốc nhiều hơn 6 người so với năm 2019.
London (Anh) - 56 tỷ phú: Thủ đô Anh quốc không chỉ hấp dẫn các đại gia nước này mà còn là địa điểm lưu trú ưa thích của một số tỷ phú từ các nước khác như Nga và Brazil.
Thượng Hải (Trung Quốc) - 46 tỷ phú: Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, nhiều tỷ phú ở Thượng Hải hưởng lợi khi kinh doanh các ngành như thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, và giải trí trực tuyến.
Thâm Quyến (Trung Quốc) - 44 tỷ phú: Thành phố này được ví như Silicon Valley của Trung Quốc với hàng loạt tập đoàn công nghệ nổi tiếng, điển hình là Tencent và Huawei.
Mumbai (Ấn Độ) - 38 tỷ phú: Thành phố này là nơi sinh sống của tỷ phú Mukesh Ambani, người giàu nhất Ấn Độ với khối tài sản trị giá 36,8 tỷ USD.
San Francisco (Mỹ) - 37 tỷ phú: Thành phố bên vịnh ở tiểu bang California hiện có ít hơn 5 tỷ phú so với năm 2019.
Singapore - 31 tỷ phú: Đất nước một thành phố này tăng đến 9 tỷ phú so với năm ngoái, qua đó vượt mặt thủ đô Seoul, Hàn Quốc để nắm lấy vị trí thứ 10.
Nhiều tỷ phú ở Thượng Hải hưởng lợi khi kinh doanh các ngành như thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, và giải trí trực tuyến. Ảnh: Reuters |
Cũng theo danh sách của Forbes, có 2.095 tỷ phú trên bảng xếp hạng năm 2020, con số này đã giảm so với 2.153 vào năm 2019. Tổng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú năm nay là 8 nghìn tỷ USD.
Tỷ phú Jeff Bezos tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng năm nay và là năm thứ ba liên tiếp, mặc dù giá trị tài sản ròng của ông đã giảm tới 18 tỷ USD. Giám đốc điều hành Amazon được định giá 113 tỷ USD, giảm từ mức 131 tỷ USD năm 2019. Việc giảm giá trị tài sản ròng của Jeff Bezos chủ yếu là do ly hôn.
Bill Gates vẫn ở vị trí số 2 với khối tài sản 98 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với năm ngoái.
Bernard Arnault của LVMH đã thăng hạng lên top 3 năm nay, sau khi thế chỗ của tỷ phú Warren Buffett.
Warren Buffett được định giá 67,5 tỉ USD, giảm 15 tỷ USD so với năm ngoái và tụt xuống vị trí thứ 4.
Nằm trong top 5 là tỉ phú Larry Ellison - người sáng lập và là Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ của tập đoàn Oracle. Tuy tăng về thứ hạng, song tài sản của Larry Ellison giảm 3,5 tỷ USD trong năm nay, xuống còn 59 tỷ USD.
Năm nay, có 178 tỷ phú lần đầu lọt vào danh sách của Forbes. Trong đó, người giàu nhất là Julia Koch, được thừa hưởng 42% cổ phần của tập đoàn công nghiệp Koch từ người chồng quá cố - David Koch. Khối tài sản trị giá 38,2 tỷ USD đã đưa Julia Koch lên vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng.
Julia Koch đã trở thành người phụ nữ giàu thứ ba trên thế giới, sau Alice Walton của Walmart và Francoise Bettencourt Meyers của L'Oréal. Ngoài ra, MacKenzie Bezos, vợ cũ của Jeff Bezos, xếp ở vị trí thứ 22 với tổng giá trị ròng là 36 tỷ USD.
Theo quốc gia, Mỹ dẫn đầu với số lượng 614 tỷ phú (tăng so với năm ngoái là 607), tiếp theo là Trung Quốc với 389 tỷ phú (tăng so với năm ngoái là 324); Đức có 107 người (giảm từ 114), Ấn Độ có 102 người (giảm từ 106) và Nga có 99 (tăng từ 98).
Vũ Đậu (T/h)