Từ vị thế “ông trùm” quyền lực trong giới buôn xe, doanh nhân Phạm Ngọc Lâm bất ngờ trải qua muôn vàn “sóng dữ” khi vướng sai lầm, khuynh gia bại sản. Thế nhưng, khát vọng kinh doanh trong con người ông chưa bao giờ ngưng, nỗ lực dựng xây lại cuộc đời chưa khi nào tồn tại ý niệm muộn màng, và phương châm sống đó – với ông - đã luôn thấm sâu trong từng huyết quản.
Con đường trở thành “trùm” buôn xe
Ông Phạm Ngọc Lâm sinh năm năm 1968 trong một gia đình nghèo ở Quảng Nam. Năm 8 tuổi, ông theo gia đình di cư vào Bình Thuận. Đến năm 12 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, để lại mấy chị em tự nuôi nhau.
Năm 1983, khi mới 15 tuổi, ông quyết định bỏ học lớp 8 rồi xin đi làm phụ xe trên tuyến Bình Thuận - Sài Gòn. Trong quá trình làm thuê, nhờ chăm chỉ, tháo vát nên ông được chủ xe thương quý như con. Khi đủ 18 tuổi, ông đi học lái xe với học phí do chủ hỗ trợ.
Có bằng trong tay, từ chân phụ xe, ông chuyển qua làm tài xế, rồi sau đó sang làm việc cho một công ty Nhà nước. Nhận việc chỉ vài tháng, ông được tin tưởng giao khoán, chạy xe theo định mức kinh doanh.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên dù được giao chi tiêu 6 triệu đồng, ông vẫn cố chạy để kiếm 7 triệu, bất kể ngày đêm. Theo đúng phương châm “năng nhặt chặt bị”, nhờ những tháng ngày cần cù, không quản ngại vất vả bươn chải, đến năm 21 tuổi, lần đầu tiên, ông đã tự sở hữu một chiếc xe hơi cũ nhờ tiền tích cóp của bản thân.
Ông Phạm Ngọc Lâm - "trùm buôn xe" một thời nổi danh đất Sài Gòn. |
Tích lũy được một số kiến thức nhất định về nghề xe, lại thêm máu làm giàu nổi lên, ông sắm chiếc xe thứ 2 bằng tiền vay mượn từ những người quen với ý định đầu tư.
Bước vào kinh doanh, Phạm Ngọc Lâm đã chọn đúng hướng là “mua của người chán, bán cho người thích”. Cuối năm 1993, do bán ô tô theo cách mua xe cũ rồi tân trang lại, ông kiếm được những khoản tiền khá lớn.
Cùng với đó, ông cũng tạo cho mình một uy tín tuyệt đối với các chủ hàng là người nước ngoài. Giao hàng cho ông là họ yên tâm bội phần, không lo bị lừa. Và nhờ uy tín đó, chỉ trong hơn hai năm, ông đã nhập về hàng nghìn tấn giàn giáo cũ và xe tải của Hàn Quốc. Có lần, ông còn mua cả một bãi xe chuyên dụng hơn 100 chiếc ở bên Nhật … Hàng là xe máy chuyên dụng, thuế ít, thị trường đang cần, giá rất rẻ, vốn lại không phải bỏ, bán được bao nhiêu, thanh toán bấy nhiêu. Cứ như vậy, tiền đổ về túi ông như “nước chảy chỗ trũng”.
Nhờ may mắn, quyết đoán và táo bạo, chỉ trong mấy năm, Phạm Ngọc Lâm phất lên “như diều gặp gió”. Từ năm 1997, bắt đầu ở tuổi 29, ông đã được giới buôn xe TP.HCM xem như một “ông trùm” quyền lực. Thế nhưng, “ngôi vương” đó bỗng chốc tan biến khi ông phải trả giá cho những sai lầm.
Những cơn sóng dữ
Quyết dấn thân lập nghiệp với tất cả sự liều lĩnh của tuổi trẻ, không bằng lòng với nghề kinh doanh xe máy chuyên dụng, Phạm Ngọc Lâm đã quyết định tiến thêm bước nữa.
Theo đó, ông sang Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc… móc nối với những công ty như Century Trading Co., Japan Auto Supply, Kimback Motors Co. Ltd và đặt hàng cho các công ty có chức năng xuất nhập khẩu là Cosimex (Bà Rịa – Vũng Tàu), GMC (Công ty Vật tư tổng hợp tỉnh Phú Yên, Thimexco (Tuy Hòa, Phú Yên) và Công ty Nông – Súc sản XNK Cần Thơ.
Các công ty này sẽ ký hợp đồng ngoại, làm các thủ tục hàng hóa theo như nội dung mà ông đã làm sẵn. Hàng về đến nơi, các doanh nghiệp cử người ra cảng làm thủ tục hải quan, chuyển về kiểm hóa tại địa phương…
Rồi công việc tiếp theo là tuyến trên sẽ làm theo định hướng của Phạm Ngọc Lâm để hưởng chút phí ủy thác nhập khẩu. Làm như vậy hình như còn chưa thấy đủ “thoáng”, có doanh nghiệp còn để cho người của ông đứng ra làm đại diện cho chủ hàng, ký xác nhận trên tờ khai hải quan.
Hàng nhập về theo hóa đơn là hàng được phép nhập, có thuế suất thấp nhưng thực chất thì lại là hàng có giá trị cao, không khuyến khích nhập như hàng điện tử, điện lạnh, thiết bị vệ sinh, xe ô tô du lịch loại 4 chỗ.
Ban đầu, ông nhập về làm một số xe khung gầm và sau này còn cùng với các chủ hàng nhập vào Việt Nam một lượng xe nguyên chiếc. Xe nguyên chiếc được mua từ Hồng Kông, Hàn Quốc rồi đem tháo rời ra, và làm thủ tục nhập về phụ tùng. Sau đó, phần tháo rời lại cho lắp ráp lại, rồi mua hồ sơ, giả mạo là xe lắp ráp để đăng ký tiêu thụ.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải – doanh nhân Phạm Ngọc Lâm |
Không thể tính được chính xác Phạm Ngọc Lâm đã nhập về bao nhiêu xe theo kiểu như vậy, nhưng theo hồ sơ còn lại thì thời điểm đó, doanh nhân này đã nhập về 170 chiếc, tổng trị giá là 53 tỷ đồng.
Năm 2000, ông đã phải trả một cái giá rất đắt, suýt nữa bằng cả sinh mạng của mình vì sai lầm này.
Ngay sau đó, Phạm Ngọc Lâm đã điều toàn bộ một số máy ủi công nghiệp ở công ty mình mở một con đường 12 km đi vào trại giam. Trong một thời gian không lâu, ông đã khắc phục xong hậu quả.
Trong thời gian này, người dân ở Hàm Thuận Bắc đã mua cho ông một lô đất để sau này sẽ về đó sinh sống. Dân ở đây rất ơn ông vì từng được ông xây cho trường học. Và cũng không ít người đã được Phạm Ngọc Lâm cưu mang ở thuở cơ hàn cũng sẵn sàng giúp ông bằng nhiều cách.
Đầu năm 2005, nhờ khắc phục hậu quả, hoàn thành tất cả nghĩa vụ ông được trở về với đời thường.
Tiếp tục hành trình thắp lửa đam mê
Năm 2006, ông xắn tay khởi nghiệp lần hai. Với những tài sản còn lại của mình, ông thành lập công ty Đức Khải. Nhờ bạn bè giúp đỡ, ông Lâm được độc quyền phân phối sản phẩm thương hiệu Toshiba tại Việt Nam. Sau này, doanh nghiệp của ông phân phối thêm sản phẩm của hãng Kenwood, Indesit và Dongfeng.
Năm 2008, nhận ra vấn đề giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, ông xin Nhà nước thí điểm lập công ty đền bù và giải phóng mặt bằng với mục đích tạo quỹ đất sạch, bán đấu giá. Sau này, một số chủ đầu tư không triển khai dự án, ông xin làm thay. Ngoài Era Town, Đức Khải triển khai 23 dự án khác.
Bước vào lĩnh vực mới này, Đức Khải được đánh giá cao nhờ xây chung cư giá rẻ nhưng chất lượng xếp vào hạng ưu.
Nhiều năm trước, đại gia này còn gây xôn xao với quyết định đầu tư 2 máy bay trực thăng cùng dàn tàu “khủng” cả trăm chiếc trị giá hàng ngàn tỷ khai thác cá ngừ đại dương, hướng tới xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Giờ đây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải – doanh nhân Phạm Ngọc Lâm đã nắm trong tay 20 công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, phân phối, xây dựng, kho vận, cảng cạn, xăng dầu… với tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng.
Ông chủ của Đức Khải tâm niệm, sản phẩm công ty liên quan đến xã hội, được thị trường công nhận, sử dụng là nhờ uy tín. Vì vậy, định kỳ doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn trả một phần cho cộng đồng dù kinh doanh thành công hay thất bại.
Do đó, mỗi năm, Đức Khải thực hiện một dự án quy mô như xây trường, bệnh viện, trạm xá ở những vùng khó khăn, đó là chưa kể việc đóng góp vào quỹ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào gặp thiên tai lũ lụt hay cấp học bổng cho học sinh nghèo.
Trong một lần chia sẻ cởi mở với báo chí, doanh nhân này từng trải lòng: sai lầm của con người là nhất thời, giá trị bản thân mới là vĩnh viễn. Thế nên ông luôn tin tưởng vào giá trị của bản thân mình, vào những gì ông đang làm, cách ông đang sống và sự chân thành mà ông dành cho mọi người.
Vì thế, bất cứ ai đã hợp tác, làm việc cùng, ông đều muốn họ phải biết quá khứ của ông. Họ có quyền được biết về lãnh đạo của mình, lúc đó ông mới yên tâm. Và khi biết rồi mà họ vẫn xem ông là bạn, là cấp trên, là đối tác và đi cùng thì đó mới là điều đáng quý.
Vũ Đậu