“Lớn nhanh” như Smart Invest
Theo tìm hiểu, CTCP Chứng khoán Smart Invest tiền thân là CTCP Chứng khoán Gia Anh, được thành lập vào tháng 12/2006. Đến tháng 3/2011, Chứng khoán Gia Anh đổi tên thành CTCP Chứng khoán Hamico.
Tháng 10/2015, Chứng khoán Hamico tiếp tục đổi tên thành CTCP Chứng khoán Smart Invest. Chỉ 1 năm sau, Smart Invest đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 22 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, thu về 288 tỷ đồng.
Cũng với hình thức chào bán riêng lẻ, năm 2021, Smart Invest tiếp tục phát hành 49 triệu cổ phiếu, thu về 490 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng.
Tham vọng tăng vốn của nhóm chủ Smart Invest còn được thể hiện qua việc công ty chứng khoán này sẽ phát hành ra công chúng 120 triệu cổ phiếu phổ thông (10.000 đồng/cổ phiếu). Trong số cổ phiếu chuẩn bị phát hành này, có 40 triệu cổ phiếu là để trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 50%), 80 triệu cổ phiếu là chào bán ra công chúng.
Đây là kế hoạch tăng vốn đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm diễn ra vào năm 2022. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Smart Invest sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp “họ” Smart Invest và cuộc chơi trái phiếu
Quá trình phát triển của Smart Invest gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Ngô Thị Thùy Linh – Chủ tịch HĐQT và ông Trần Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT.
Theo tìm hiểu của PV, trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, các mắt xích trong hệ sinh thái Smart Invest gồm: Công ty TNHH Du lịch Khách sạn Đông Á, Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest,…đã huy động thành công cả nghìn tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu.
Cần nói thêm về Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest – doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Hiếu đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Nên biết, ông Hiếu là cái tên không xa lạ bởi vị này đã từng làm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT AAS giai đoạn 2017-2018, và Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2018-2021.
Tính đến cuối tháng 6/2023, Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest hiện đang có dư nợ từ lô trái phiếu TQSCH2227001, giá trị 200 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10,5%/năm và được phát hành vào tháng 6/2022.
Một “mắt xích” khác là CTCP Quản lý tài sản Smart Invest (tên cũ CTCP Quản lý Tài sản Pyxis – tên ban đầu CTCP Thời trang & May Mặc Demoda) với sự có mặt của bà Nguyễn Thùy Linh – người cũng đồng thời là đại diện của Smart Invest tại TPHCM.
Cũng cần phải nhắc tới CTCP Đầu tư Công nghệ SmartTech (tên cũ: CTCP Thời trang Clothesrack) – nơi ông Phạm Phan Anh – đang đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ông Phan Anh là nhà đầu tư từng tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Smart Invest vào năm 2021.
SmartTech từng huy động thành công hai lô trái phiếu lần lượt vào tháng 6/2020 và tháng 3/2021, với tổng giá trị cả hai lô là 150 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, cả hai lô trái phiếu này đều đã được thanh toán toàn bộ gốc và lãi.
“Bóng dáng” Smart Invest còn xuất hiện tại hai doanh nhân nghiệp khác là CTCP Du Lịch Sinh Thái Kim Lan và CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã chứng khoán: DAH), thể hiện qua việc các thành viên nắm giữ vị trí chủ chốt tại hai doanh nghiệp này đều ít nhiều có liên quan tới nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái Smart Invest.
Như đã đề cập, Du lịch Sinh Thái Kim Lan hay Tập đoàn Khách sạn Đông Á đều thực hiện huy động vốn thông qua kênh trái phiếu.
Theo đó, tháng 6/2021, Du lịch Sinh Thái Kim Lan đã phát hành lô trái phiếu mã KMLCH2124001, tổng giá trị 100 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Còn Tập đoàn Khách sạn Đông Á – tính đến ngày 30/6/2023 – vẫn ghi nhận 300 tỷ đồng dư nợ từ lô trái phiếu mã DKDCH2227001, phát hành vào tháng 6/2022 và có kỳ hạn 5 năm.
Hệ sinh thái của nhóm chủ Smart Invest còn có sự góp mặt của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (mã chứng khoán: DST). Các cá nhân “quen mặt” trong nhóm Smart Invest như ông Trần Minh Tuấn, Nguyễn Đức Hiếu đều xuất hiện trong HĐQT của DST.
XEM THÊM: Khẩn trương đưa 1.000 mã trái phiếu lên sàn giao dịch
“Đường đi” của các lô trái phiếu trong hệ sinh thái Smart Invest
Ngoài việc đóng vai trò tổ chức tư vấn đăng ký, đại lý phát hành, Chứng khoán Smart Invest còn “kiêm” luôn vai trái chủ của các lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái.
Đơn cử như đợt phát hành trái phiếu mã KMLCH2124001 hồi tháng 6/2021 của CTCP Du Lịch Sinh Thái Kim Lan. Theo bản công bố thông tin, trái chủ của lô trái phiếu này là Chứng khoán Smart Invest và CTCP Đầu tư Sao Thăng Long, với tỷ lệ lần lượt là 80% và 20%.
Ngoài ra, Chứng khoán Smart Invest cũng là trái chủ duy nhất của lô trái phiếu mã DMDCH2124001 do Demoda phát hành. Sau đó, lô trái phiếu này được phân phối cho DST. Đến năm 2022, DST không còn ghi nhận nắm giữ trái phiếu KMLCH2124001 và DMDCH2124001. Giai đoạn này cũng chính là lúc 2 lô trái phiếu được tổ chức phát hành mua lại trước hạn.
Báo cáo tài chính năm 2021 của Chứng khoán Smart Invest còn thể hiện doanh nghiệp này đầu tư vào trái phiếu của CTCP Đầu tư Công nghệ SmartTech – hay tên cũ là CTCP Thời trang Clothesrack, và rất có thể chính là trái chủ duy nhất sở hữu 100% lô trái phiếu CLRCH2124001.
Vai trò "phân phối" trái phiếu của Smart Invest càng thể hiện rõ qua việc báo cáo tài chính năm 2021 của Tập đoàn Khách sạn Đông Á ghi nhận khoản đầu tư dài hạn trị giá 144 tỷ đồng vào trái phiếu CLRCH2124001.