Từ năm 2017, Airbus Defense and Space bất ngờ trình bày ý tưởng chiếc máy bay tiêm kích thế hệ mới New Fighter, theo đó sẽ trở thành một phần của hệ thống FCAS.
Vị khách đến từ quá khứ
Ý tưởng tổ hợp hàng không châu Âu thế hệ mới được bắt đầu nghiên cứu sớm hơn dự định rất nhiều. Thậm chí, nếu loại bỏ giai đoạn khởi thảo, mà bắt đầu vào thập niên 80 và 90 (di sản của chiến tranh lạnh), nhiều ý tưởng còn lại, thú thật, không thể thực hiện được.
Ở đây, có thể nhắc tới chương trình Future Offensive Air System hay FOAS nhằm thay thế chiếc máy bay tấn công của Không quân Hoàng gia Anh - Tornado GR4. Chương trình FOAS bị đóng lại vào tháng 6/2005, khi nó được thay bằng Deep and Persistent Offensive Capability (DPOC), mà sau này cũng bị dừng.
Vào năm 2012, Pháp đã ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia vào chương trình của Anh mang tên Future Combat Air System, mà chủ yếu sử dụng các công nghệ của Taranis và Dassault nEURON. Đây là các thiết bị bay không người lái cỡ lớn, mang nhiệm vụ của máy bay tấn công, với khả năng tàng hình về mặt lý thuyết.
Ngoài ra, xuất hiện một sự nhầm lẫn nghiêm trọng hơn cả, bởi vì dự án chế tạo chiếc tiêm kích liên doanh Pháp - Đức mới công bố cách đây không lâu cũng được gọi là FCAS (bằng tiếng Anh) hoặc SCAF (bằng tiếng Pháp - Système de combat aérien du futur). Điều đáng nói ở đây - đó là việc Pháp, về hình thức chưa cắt đứt toàn bộ mối liên lạc với Anh, nếu nói tới dự án Future Combat Air System đầu tiên, mặc dù chiếc tiêm kích châu Âu mới đã bắt đầu được nghiên cứu, mà không có sự tham gia của các chuyên gia tới từ Xứ sở sương mù.
Tuy nhiên đối với điều này, nhiều khả năng, chỉ là hình thức. Đã từ lâu có thể thấy rõ rằng, liên minh quốc phòng tương lai của Pháp và Đức sẽ chỉ ngày càng khăng khít khi bị mắc kẹt giữa Nga và Mỹ. Trong khi đó, các kẻ thù cũ không đội trời chung và bây giờ trở thành đồng minh của nhau, sẽ làm mọi thứ để không cho người Anh tiếp cận với những phát minh mới của mình.
Chính vì thế, tổng giám đốc Dassault Aviation, ông Eric Trapier, cách đây không lâu đã nói như sau: “Brexit có xu hướng hút sạch năng lượng và tiền bạc của đối tác phía Anh của chúng tôi, mà không phải lúc nào cũng sẵn sàng thực hiện những dự án tham vọng cùng chúng tôi”.
Ngoài ra, đó chỉ là những tình tiết, bởi vì từ năm ngoái, thành viên của Uỷ ban về các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Pháp, ông Didier Quentin cho biết rằng, Pháp “chỉ mới vừa từ chối dự án Future Combat Air System (FCAS)”. Vấn đề, có thể nói, đã đượ giải quyết xong từ lâu.
Cùng nhau tấn công
Còn từ giờ, cùng nhau trả lời trực tiếp câu hỏi: Hiện giờ người châu Âu đang chế tạo cái gì. Từ năm 2017, Airbus Defense and Space bất ngờ trình bày ý tưởng chiếc máy bay tiêm kích thế hệ mới New Fighter, mà theo đó, sẽ trở thành một phần của hệ thống FCAS. Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng xuất hiện sau khi dự án của Pháp-Anh thực tế đã đóng lại.
Điều quan trọng nằm ở chỗ khác: Vào tháng 4 năm ngoái, bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parley và bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Layen đã ký thoả thuận bắt đầu triển khai các hoạt động của dự án máy bay chiến đấu, mà sẽ thay thế Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon vào năm 2035-2040. Ngay trong tháng 7/2018, công ty Dassault Aviation, trong đoạn video của mình, đã trình diễn hình ảnh đầu tiên của chiếc máy bay trông không giống với New Fighter. Trong bức ảnh trình làng có thể thấy rõ cỗ máy chiến đấu có người lái không có phần cánh đuôi dọc, cũng như cánh mũi – nhận diện “thương hiệu của người Pháp". Có thể nói đây là thiết kế tối giản.
Tên gọi của chiếc máy bay này là New Generation Fighter (NGF), trong khi toàn bộ chương trình đã được mọi người quen gọi là FCAS hoặc SCAF. Được biết rằng, trong khuôn khổ chương trình mới, người ta dự định không chỉ chế tạo chiếc máy bay tiêm kích, các UAV mới, mà cả những hệ thống trinh sát, dẫn hướng và điều khiển mới. Nếu nói một cách ngắn gọn, thì đây là chương trình quân sự tham vọng nhất của châu Âu. Khó có ai ở Lục địa già có thể cạnh tranh với chương trình này.
Điều đáng ghi nhận đó là dự án NGF không dậm chân tại chỗ. Sự ra đời thực sự của chiếc tiêm kích tương lai của toàn cõi châu Âu đã diễn ra vào tháng 2/2019, khi Pháp và Đức ký thoả thuận khởi động giai đoạn xây dựng ý tưởng nghiên cứu phát triển trong khuôn khổ chương trình tiêm kích thế hệ mới.
“Đây là một bước tiến mới - nền tảng để bảo đảm cho sự tự chủ chiến lược của châu Âu trong tương lai. Chúng tôi, Dassault Aviation, huy động những khả năng của mình, như một người kiến thiết và tích hợp hệ thống, để phù hợp với những tiêu chuẩn của các quốc gia và gìn giữ cho châu lục của chúng ta vai trò tiên phong hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống không chiến”, ông Eric Trapier tuyên bố nhân dịp sự kiện nói trên.
Nếu nói một cách ngắn gọn thì người Pháp đã xác nhận thông tin về vai trò dẫn dắt của Dassault Aviation trong hoạt động chế tạo chiếc máy bay mới. Điều này rất quan trọng, bởi vì họ có kinh nghiệm mà Đức không hề có. Vấn đề ở chỗ người Đức không chú trọng vào việc thiết kế các tiêm kích thương hiệu quốc gia kể từ khi chấm dứt Thế chiến thứ Hai. Eurofighter Typhoon - đó là sản phẩm chung của châu Âu.
Từ hồi tháng 2/2019, được biết rằng Tây Ban Nha cũng tham gia vào đề án nghiên cứu chế tạo tiêm kích Pháp-Đức. Thoả thuận tương ứng đã được bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles đặt bút ký trong khuôn khổ cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO diễn ra tại Brussels. Theo lời của bà Robles, Tây Ban Nha “tham gia vào đề án này với đóng góp ngang bằng với Pháp và Đức”.
Nghe rất hay, đặc biệt nếu tính tới việc Tây Ban Nha không có máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Nhưng sự đóng góp ngang bằng, tất nhiên, mang ý nghĩa hình thức. Tạm thời thì New Generation Fighter là sự đóng góp về mặt tài chính của Đức và kinh nghiệm của Pháp. Những nước khác, nhiều khả năng, tham gia với quyền lợi giống như của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35.
NGF: tiếp theo là gì?
Một sự kiện quan trọng mà diễn ra ngay sau khi thoả thuận nghiên cứu chế tạo New Generation Fighter được ký kết chính là màn giới thiệu… thêm một ý tưởng của tiêm kích châu Âu thế hệ mới. Đó là chiếc tiêm kích Tempest của Anh, mà đang được Ý bày tỏ sự quan tâm.
Phần có ý nghĩa của màn giới thiệu chính là việc trình làng mô hình thiết kế kích thước đầy đủ, điều mà New Generation Fighter tạm thời vẫn chưa làm được. Nhưng nói chung dự án này trông rất lạ lùng, còn các chuyên gia không loại trừ khả năng trong tương lai Anh có thể tham gia vào đề án NGF. Lý do có thể hiểu được. Hiện nay, không một quốc gia châu Âu nào có thể tự nghiên cứu chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6, mà có thể tốn kém 50 cho tới 100 tỷ USD. Anh không có tiền để thực hiện điều đó.
Chế tạo chiếc máy bay chiến đấu tương lai chỉ có thể là một vài nước với thế mạnh về kinh tế và khoa học-kỹ thuật. Nhiều khả năng, sẽ còn nhiều quốc gia trên thế giới tham gia vào đề án này. Thêm một điểm trừ cho Tempest – đó là thị trường máy bay chiến đấu không lớn tới mức có thể cùng lúc “ngốn” trọn vài siêu đề án. Bởi vậy, hoặc NGF hoặc Tempest sẽ gặt hái thành công. Nhưng chiếc máy bay của Anh ít cơ hội hơn.