Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 chính thức có hiệu lực
Theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực từ 1/4/2025, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
- Thông tư của Chánh án TAND tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư.
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động
Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ban hành, có hiệu lực từ ngày 1.4.2025.
Theo đó, Thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
Điều kiện lao động gồm 6 loại: I, II, III, IV, V, VI.
Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng; Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động...là những chính sách mới nổi bật từ tháng 4/2025. Ảnh minh họa
Hiệu trưởng, hiệu phó làm việc 40 giờ/tuần
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giáo viên có đề cập đến quy định mỗi giáo viên sẽ không được kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ trong một năm học.
Theo đó tại Điều 3 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian làm việc của giáo viên được quy định dựa trên số tiết dạy trong một năm học và số tiết dạy trung bình trong mỗi tuần.
Thời gian làm việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là 40 giờ/tuần, bao gồm cả số tiết giảng dạy. Các hiệu trưởng cần phân công nhiệm vụ cho giáo viên sao cho hợp lý, bảo đảm công khai và công bằng giữa các giáo viên trong trường.
Nếu có trường hợp phải phân công giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng phải ưu tiên những giáo viên chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong một tuần.
Tuy nhiên, có một quy định quan trọng từ 22/4/2025 là mỗi giáo viên chỉ được kiêm nhiệm tối đa 2 nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT. Việc này nhằm tránh tình trạng quá tải cho giáo viên, đồng thời giúp họ có đủ thời gian để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình.
Quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng
Nghị định 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành.
Nghị định quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.
Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.