Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhức nhối nạn đánh cá bằng xung điện trên Biển Hồ

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Tình trạng người dân dùng kích điện đánh bắt cá ở Biển Hồ (Gia Lai) không những khiến nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt mà còn ảnh hưởng tới tính mạng con người.

(ĐSPL) - Là một thắng cảnh nổi tiếng nhất nhì ở vùng Tây Nguyên, Biển Hồ giờ đang phải đối mặt với sự hủy diệt về nguồn thủy sản và du lịch bởi nạn rà cá bằng xung điện diễn ra ngày đêm. 
Biển Hồ là một hồ nước ngọt lớn nằm giữa TP Pleiku và huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai. Đây vừa là nguồn cấp nước sinh hoạt cho cả TP Pleiku vừa là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú, nuôi sống nhiều hộ dân tại địa phương.
Xuất phát từ nguồn thủy sản phong phú này, người dân nơi đây đã bắt tay vào khai thác, thu lợi nhuận. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện phát triển tràn lan dẫn đến nguồn lợi thuỷ sản đứng trước nguy cơ bị tận diệt, chưa kể đến những rủi ro lớn đối với tính mạng con người.

Người dân ngày đêm dùng kích cá đánh bắt thủy sản ở khu vực Biển Hồ.

Các xã Chư Jôr, Nghĩa Hương của huyện Chư Păh và các xã Biển Hồ, Tân Sơn thuộc TP Pleiku được xem là điểm nóng về tình trạng người dân đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Việc sử dụng bình ắc quy và bộ xung điện để đánh bắt cá đã xuất hiện từ lâu và trở thành công cụ mưu sinh của nhiều gia đình xung quanh khu vực Biển Hồ.
Để hiểu rõ công nghệ đánh bắt cá tận diệt này, chúng tôi đã thâm nhập thực tế trên khu vực lòng Biển Hồ 2.
Chúng tôi gặp anh Phên, dân tộc Bana, ở làng Wet, xã Chư Jôr, huyện Chư Păh sau một buổi đi “săn”. Anh Phên cho chúng tôi biết, gia đình anh có tới 9 người nhưng chỉ có 2 sào ruộng, làm không đủ ăn nên đã 10 năm nay, anh kiếm sống bằng việc dùng xung điện đánh bắt cá trong vùng lòng hồ của Biển Hồ 2. Bất kể mưa hay nắng, cứ sáng ra là anh lại vai khoác bình, tay cầm đôi sòng, bì bõm ven bờ Biển Hồ 2 để rà cá.
Mỗi ngày, với từ 2 đến 3kg cá kích được, anh có thu nhập từ 100.000 – 200.000 đồng. Số tiền này dùng để mua gạo, thức ăn cho gia đình và chu cấp cho 2 em nhỏ đang đi học.
Đa số các thiết bị xung điện này do người dân mua hoặc tự chế, có thiết kế khá đơn giản, bao gồm một bình ắc-quy 12V với bộ phận kích điện lên tới 220V, 2 cần tre dài từ 2 – 3m có dây dẫn điện nối 2 cực âm – dương (một cần gắn thanh sắt nhọn, một cần gắn vợt khung sắt và lưới mắc nhỏ). Khi đưa 2 cần xuống nước, bật công tắc thì tạo ra dòng điện mạnh khiến các loài sinh vật trong phạm vi bán kính từ 2 – 3m bị chết hoặc thương tổn, khi đó dùng lưới, hoặc tay vớt lên. Với cách đánh bắt này, vùng nước bị tác động trở thành “vùng nước chết”, các sinh vật, kể cả trứng, ấu trùng đều bị hủy diệt, phải mất nhiều năm mới hồi phục. 
Ở xã Chư Jô, đa số là hộ nghèo nên người dân dùng những bộ xung điện nhỏ, giá khoảng 1 triệu đồng. Tuy bắt được ít cá, nhưng khi gặp tai nạn, mức độ nguy hiểm đến tình mạng nhỏ hơn. Với những người có điều kiện kinh tế tốt hơn như những hộ ở thôn 3, xã Tân Sơn, thì đa số mua những bộ xung điện trị giá tới 5 đến 6 triệu đồng. Những bộ đồ nghề này bắt được nhiều cá, nhưng người sử dụng cũng chịu rủi ro lớn, có thể đe doạ đến tính mạng.

Mỗi ngày, có tới 9 - 10 máy kích điện "lộng hành" trên Biển Hồ khiến nguồn thủy sản đứng trước nguy cơ tận diệt.

Không chỉ dùng bộ xung điện có công suất điện nhỏ, nhiều người còn sử dụng xung điện công suất lớn, trang bị cả thuyền, lưới để quét sạch các loại thủy sản trên diện rộng. Đối với những bộ xung điện có nguồn điện lớn, mỗi chuyến đi thường có 2 người, do có nguồn điện lớn nên có thể chèo thuyền ra lòng hồ để rà. Đối với những bộ kích có nguồn điện lớn thì mức độ hủy diệt đối với thủy sản càng lớn hơn.
Bà Phạm Thị Thanh Loan, trưởng thôn 3, xã Tân Sơn cho phóng viên biết: "Mỗi ngày, có tới 9 đến 10 cái máy rà cá xuống hồ. Nguồn cá của Biển Hồ rất nhiều, nhưng bây giờ thấy nó bị cạn kiệt."
Theo lãnh đạo chính quyền các xã ven khu vực Biển Hồ, tỉnh Gia Lai, đánh cá bằng xung điện là phương tiện mưu sinh duy nhất của nhiều gia đình. Câu hỏi làm sao để vừa đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân, vừa bảo vệ được sinh thái Biển Hồ, đã được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.
Ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn nói: “Nhằm bảo vệ an ninh trật tự trong khai thác, vừa đảm bảo nguồn lợi thủy sản lâu dài cho người dân, hiện nay thành phố giao cho xã để quản lý cũng như nghiêm cấm tình trạng này. Tuy nhiên, xã thì lực bất tòng tâm, không đủ khả năng để giải quyết vấn đề này vì Biển Hồ 2 tiếp giáp một số xã, diện tích mặt nước rộng".

Việc dùng xung điện để đánh bắt cá đã nằm trong danh mục hành vi khai thác thủy sản bị cấm. Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/1/1998, nêu rõ: Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước. Theo Điều 15 của Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2013, thì hành vi sử dụng công cụ xung điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

 

Tin nổi bật