Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhức nhối “giang hồ cộm cán” thoát tội nhờ... bệnh án tâm thần

(DS&PL) -

Rất nhiều đối tượng nguy hiểm đã thoát khỏi những bản án nghiêm khắc nhờ có “miễn tử kim bài” - giấy chứng nhận bị tâm thần. Vấn đề này càng trở nên cấp bách và nhức nhối...

Rất nhiều đối tượng nguy hiểm đã thoát khỏi những bản án nghiêm khắc nhờ có “miễn tử kim bài” - giấy chứng nhận bị tâm thần. Vấn đề này càng trở nên cấp bách và nhức nhối khi có không ít dân "anh chị" dùng thủ đoạn để có bằng được một bệnh án tâm thần "thật" nhất. Việc giả điên rồi liên tiếp gây án khiến tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương gặp nhiều vấn đề phức tạp.

Tội phạm nguy hiểm thoát tội nhờ giả điên

Câu chuyện về việc trùm ma túy Dư Kim Dũng, hay còn gọi là Dũng “tình” thoát án tử hình trong sự ngỡ ngàng của dư luận, đã cho thấy sự “lợi hại” của những bệnh án tâm thần. Trước khi bị bắt, Dũng là tay buôn ma túy có số hạng không chỉ ở Hải Phòng mà còn trên cả nước. Đối tượng này có những thủ đoạn tinh vi tới mức mà nhiều người trong giới còn lắc đầu, không thể nghĩ tới.

Danh hiệu “ông trùm thuốc lắc” mà giới giang hồ đặt cho Dũng “tình” đã nói lên được phần nào vị thế của tay buôn ma túy này. Với số lượng ma túy cực lớn khi bị bắt, ai cũng nghĩ Dũng khó lòng thoát án tử hình. Tuy nhiên, sau nhiều phiên tòa, bản án mà Dũng phải nhận chỉ là án tù giam. Toàn bộ bản án mà Dũng “tình” phải nhận đã thay đổi hoàn toàn cục diện, khi đối tượng này trình lên hội đồng xét xử một bệnh án tâm thần vô cùng chi tiết.

Dù đã tiến hành xem xét kỹ lưỡng, cơ quan chức năng vô cùng bất ngờ khi biết sau ngày bị bắt, Dũng bị “điên”. Phong thái, cử chỉ của một ông trùm khét tiếng đã biến mất hoàn toàn và thay vào đó là một kẻ ú ớ, điên loạn, không kiểm soát được hành vi. Kết quả cuối cùng, Dũng được giảm án và gã đã thoát án tử hình một cách hết sức ngoạn mục.

Mai Đức Vượng (tức Tộ “tích”)

Vào thời điểm cuối năm 2013, CATP Hải Phòng sau nhiều chuyên án khác nhau đã bắt giữ được một số đối tượng giang hồ cộm cán. Nổi lên trong số đó có 3 đối tượng là Mai Đức Vượng (tức Tộ “tích”), Đào Duy Tuấn (tức Tuấn “Tượng”), Đào Văn Thắng (tức Thắng “Quán Toan”). Hồ sơ điều tra cho thấy, tất cả các đối tượng này đều phạm những tội hết sức nghiêm trọng như “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”, “Sử dụng, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”...

Qua điều tra, CATP Hải Phòng đã thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh tội trạng của từng đối tượng. Nếu đúng theo kết luận điều tra, tội trạng của các đối tượng này đều rất nặng, trong đó riêng Tộ “tích” đã từng bị tòa tuyên chung thân cho tất cả các tội danh.

Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, cả 3 tay giang hồ này cùng đưa ra những bệnh án tâm thần ra trước tòa để xem xét. Theo quy định, TAND đã phải tiến hành giám định cho từng đối tượng. Điều đặc biệt là kết quả giám định khẳng định những bị cáo trên đều mắc chứng bệnh tâm thần, nên Cơ quan điều tra buộc phải thực hiện cho các đối tượng đi điều trị bắt buộc.

Từ chỗ phải vào tù để trả giá cho những lỗi lầm của mình, những đối tượng giang hồ này lại chễm chệ ăn ở và điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra chúng còn sống, sinh hoạt trong những điều kiện hết sức “vương giả” nhờ nguồn cung cấp từ gia đình. Cũng từ đây, những tay giang hồ khét tiếng được chuyển từ trại giam Hải Phòng lên Hà Nội để “chữa bệnh”.

Ngay sau khi vào viện, cả ba đối tượng này đều đã thay đổi hoàn toàn, chúng không còn là những kẻ điên dại mà tỏ ra hoàn toàn bình thường. Chỉ một thời gian ngắn sau khi chuyển lên Hà Nội, Thắng “Quán Toan” và Tuấn “tượng” đã bỏ trốn. Khi Tộ vào trại tâm thần, lẽ dĩ nhiên, cơ quan điều tra đã bố trí sẵn một lực lượng theo dõi, đảm bảo không cho đối tượng này bỏ trốn. Tuy nhiên, theo những quy định của viện, công tác nghiệp vụ của lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình Tuấn “tượng” và Thắng “Quán Toan” bỏ trốn, CATP Hải Phòng buộc phải xiết chặt hơn nữa công tác theo dõi Tộ.

Đào Văn Thắng (tức Thắng “Quán Toan”)

Tuy nhiên, để chắc chắn và có căn cứ thuyết phục, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội TP Hải Phòng đã cùng với viện kiểm tra, xác minh lại toàn bộ hồ sơ bệnh án của từng đối tượng. Viện giám định Pháp y tâm thần Trung ương đã thông báo việc Mai Đức Vượng có thể trạng tinh thần bình thường. Đây là một căn cứ quan trọng giúp CATP Hải Phòng ra quyết định phục hồi điều tra đối với Vượng và bắt tạm giam đối tượng này.

Trong quá trình xác minh bệnh tình của Tộ “tích”, một mũi trinh sát khác cũng đã truy tìm và bắt giữ được Tuấn “tượng” và Thắng “Quán Toan”. Toàn bộ ba đối tượng có liên quan đến việc được tại ngoại nhờ có bệnh án tâm thần đều đã bị bắt lại. Giai đoạn sau này, cơ quan điều tra ngoài việc thu thập tài liệu chứng minh tội trạng cũng đã xác minh bệnh tình của từng người. Điều quan trọng là phải làm sao chứng minh được việc những bệnh án tâm thần kia hoàn toàn không có giá trị.

Kết quả sau này đã chứng minh được việc, Tộ, Thắng, Tuấn đều đã giả bệnh hòng trốn tội. Phía VKSND TP Hải Phòng sau đó cũng đã thực hiện các thủ tục pháp lý để tiến hành xét xử các đối tượng trước pháp luật. Được biết, phiên tòa xét xử sau đó, Tộ “tích” đã phải nhận bản án 20 năm tù giam cho các tội danh của mình, còn 2 đối tượng trên cũng đều bị xử lý hết sức nghiêm khắc.

Việc những tay giang hồ khét tiếng bị xét xử nghiêm minh, cùng với việc các bệnh án tâm thần được “giải mã”, cơ quan chức năng đánh giá đây là một trong những cú đánh mạnh vào giới tội phạm trên địa bàn. Chúng không còn có bất kỳ chiếc “phao cứu sinh” hay “miễn tử kim bài” nào, nếu như gây ra tội trạng và thông qua chuyên án này, lực lượng điều tra cũng như xét xử cũng có phần thuận lợi hơn.

Cần xử lý triệt để loại tội phạm giả điên này

Thượng tá Lê Hồng Thắng (Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hải Phòng) cho biết, không ít những đối tượng hình sự có bệnh án tâm thần. Tất cả những đối tượng này đều được xác định là có liên quan đến các hoạt động phạm pháp như đòi nợ thuê, bảo kê, cho vay nặng lãi, thậm chí là cả buôn bán ma túy. Vấn đề ở chỗ những đối tượng này thường đang lui về hoạt động bí mật hoặc chưa gây ra những vụ việc nào cụ thể nên cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Thượng tá Lê Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hải Phòng

Theo Thượng tá Thắng, nhiệm vụ cơ quan công an cũng như các ngành liên quan lúc này là làm sao ngăn chặn việc các đối tượng giang hồ cố tình giả điên, hòng tạo cho mình một lối thoát phòng khi vướng đến vòng lao lý. Chính sách khoan hồng của Nhà nước vẫn phải được thực thi, nhưng phải áp dụng đúng người, đúng đối tượng. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là không để xảy ra tình trạng các đối tượng phạm tội lợi dụng vào hòng đạt được mục đích. Hiện nay, các đối tượng phạm tội đã biến thiên ra nhiều thể loại khác nhau.

Trước đây, giang hồ có thể được hiểu là những kẻ cướp của, cầm dao đi trấn lột ngoài đường, nhưng ở thời điểm hiện tại chúng đã manh nha xâm nhập vào các tổ chức kinh tế hợp pháp. Một số kẻ kiếm được nhiều tiền nhờ các hoạt động phạm pháp đã đưa tiền của mình vào các công ty, xí nghiệp trên hình thức góp vốn hòng “làm sạch” tránh bị cơ quan chức năng truy cứu. Bên cạnh đó, chúng cũng có những cách phân phối tài sản của mình, để tránh trường hợp bị thu hồi nếu như các hoạt động phạm pháp bị phát hiện.

Riêng về kế hoạch loại trừ “miễn tử kim bài” của giới tội phạm, hiện tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hải Phòng đã có hẳn một lực lượng chuyên trách đảm nhiệm công việc này. Tất cả các đối tượng phạm tội đều được kiểm tra một cách kỹ lưỡng về thể chất cũng như tinh thần ngay sau khi bị bắt.

Liên quan đến loại tội phạm này, Luật sư Sinh Quyền (Văn phòng luật sư Phúc Thọ) cho biết: "Điều 13 bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi sung năm 2009 có quy định:

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự: đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự".

Đây là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta cho đối tượng mắc phải bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội mà không kiểm soát điều khiển hành vi của mình. Lợi dụng chính sách này hiện nay đã có 1 số đối tượng đã phạm tội các tội đặc biệt nghiêm trọng, mà có khung hình phạt cao nhất là tử hình như tội giết người, tội buôn bán ma túy, tội tham ô, đã giả vờ bị điên hoặc xuất trình những hồ sơ bệnh án của bệnh viện tâm thần để mong thoát được khung hình phạt án tử hình.

Để ngăn chặn được các đối tượng tội phạm cố tình giả vờ điên để thoát những khung hình phạt cao nhất, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, nhất là những cán bộ được phân công thực thi pháp luật, khi tiến hành các hoạt động tố tụng phải thể hiện hết trách nhiệm của mình như phải điều tra xem trước khi các đối tượng này khi phạm tội có tiền sử mắc phải bệnh tâm thần hay không? Trong quá trình phạm tội các đối tượng này có nhận thức và điều khiển hành vi của mình hay không? Nếu nghi ngờ các đối tượng này đã cố tình giả vờ điên, hoặc "chạy" hồ sơ bệnh án đã mắc phải bệnh tâm thần để kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử thi hành án để mong thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, có quyền yêu cầu các cơ quan có chuyên môn giám định lại để đảm bảo khách quan. Nếu phát hiện không đúng sự thật thì vẫn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử bình thường và các đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Thứ hai: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi các cán bộ thực thi pháp luật phải công tâm, thể hiện trách nhiệm của mình tránh tình trạng tiêu cực len lỏi vào các hoạt động tư pháp, để các đối tượng này không có cơ hội để thoát khỏi hình phạt của pháp luật.

Thứ ba: Những người được miễn trách nhiệm hình sự, nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử do có chuyển biến tình hình, hành vi phạm tội, người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú khai rõ sự việc góp phần phát hiện tội phạm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

Nếu phát hiện được ở các cơ sơ y tế đã cố tình lập hồ sơ bệnh án không đúng thì phải quy trách nhiệm xử lý nghiêm minh. Nếu gây ra hậu quả lớn, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin nổi bật