Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhu cầu về năng lượng tỉ lệ nghịch với tăng trưởng thu nhập bình quân

(DS&PL) -

Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng luôn tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ.

Theo Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu năng lượng luôn tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ.

Cần sự đồng bộ của hệ thống chính sách

Thông tin tại diễn đàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2020 ngày 17/9, ông Trần Văn Tùng cho hay, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận.

Việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh, sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Mặc dù ngành năng lượng Việt Nam đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ.

Theo ông Tùng, tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu năng lượng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ. Trong khi nhiên liệu hóa thạch phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt tùy vào điều kiện môi trường thì tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh nên được xem là nguồn năng lượng không tái tạo.

Nhân viên EVN lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Điều này đã đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững cần phải dành được sự ưu tiên cao.

Tại diễn đàn, ông Đinh Thế Phúc - Vụ trưởng vụ Năng lượng (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) - cho rằng: Về cơ chế chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo minh bạch, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường, hỗ trợ ưu đãi về thuế để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch.

Cùng đó, về khoa học công nghệ, sẽ phải triển khai những chương trình nghiên cứu và phát triển tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo. Đồng thời, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành.

Gỡ quy định độc quyền trong truyền tải điện

Hiện nay, tỉ lệ nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và IPP (dự án điện độc lập) trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể. Cụ thể: Từ 14,41% (tương đương 4.344 MW) vào năm 2010 đã tăng lên 27,29% (tương đương 15.591 MW) vào năm 2019 (chưa kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành và đang xây dựng năm 2020).

Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính tới thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW.

Tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.

Như vậy, nguồn điện năng lượng tái tạo đã đóng góp đáng kể để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thông thường, đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Chính vì vậy, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (bộ Công Thương) - đánh giá, hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng. Các chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng đến nay có thể nói là phù hợp và đã đạt được những thành công bước đầu.

“Tuy nhiên, mặc dù luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định đầu tư lưới truyền tải, nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định luật Điện lực. Do đó, để mở đường cho tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, một điểm nghẽn cần được tháo gỡ là việc sửa nội dung của luật Điện lực về quy định độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, trong đó, có thể chỉ xem xét một số hoạt động độc quyền Nhà nước như quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”, ông Tuấn Anh cho hay.

Ông Trần Anh Tuấn - Thư ký hiệp hội Năng lượng thế giới World Energy Council - nhận định, phát triển các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, hydrogen... sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường. Theo khảo sát, hơn 100 nước trên thế giới đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040. Biện pháp này sẽ tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện.

Thu Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ CN (38)

Tin nổi bật