Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Nhỏ không học, lớn lên làm nhà báo”

(DS&PL) -

Trong gần 6 năm gắn bó với nghề báo, tôi không thể đếm xuể những lần mình nghe hay đọc được lời bình luận “hot trend” này.

Trong gần 6 năm gắn bó với nghề báo, tôi không thể đếm xuể những lần mình nghe hay đọc được lời bình luận “hot trend” này.

Chẳng biết bắt nguồn từ ai, và có từ bao giờ nhưng trong lần đầu đọc được, câu nói ấy đã từng khiến tôi giận dữ. Còn hiện tại, nó trở thành động lực cho tôi. Động lực để chứng minh rằng, đó chỉ là lời dành cho những kẻ làm báo không chân chính. Đương nhiên, những kẻ ấy cũng chẳng có tư cách được gọi là “nhà báo”.

Người làm nghề báo có trách nhiệm xã hội nặng nề. Những nhà báo được xã hội và công chúng tôn vinh luôn là các cây bút có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa "tài" và "tâm". Và sau cùng, giá trị cuối cùng, đích thực của nghề báo chính là sự trung thực, nỗ lực kể sự thật.

Một trong những nguyên nhân sinh ra câu nói: “Nhỏ không học, lớn lên làm nhà báo”, chính là tin giả.

Trong cuốn "Ký giả chuyên nghiệp" (The Professional Journalist) của nhà báo người Mỹ nổi tiếng John Hohenberg, ông mô tả nghề báo là một nghề đầy biến động, “cũng đổi thay như những tin tức mà nghề đó khai thác”. Ở thời buổi 4.0, một trong những “kẻ thù” chính của nghề báo lại được phát sinh từ chính báo chí. Đó là những thông tin giật gân, không chính xác, tin giả, tin xấu, tin độc tràn lan trên mạng xã hội, khiến độc giả không phân biệt được.

Truyền thông ở thời điểm hiện tại đang là một nghề rất “hot”, nghe rất thời thượng và “oách”. Điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của “kẻ thù” thứ hai với nghề báo, đó chính là dục vọng để trở nên nổi tiếng, được tung hô và sống cuộc đời giàu sang nhiều người ngưỡng mộ. Đã có không ít những phóng viên, từng đấu tranh vì lẽ phải, từng vạch trần tiêu cực nhưng sau cùng lại phải cúi đầu xin lỗi, lâm vào cảnh tù tội vì bản thân không thắng nổi những cám dỗ tiền tài, vật chất hay những danh vọng nhất thời.

Tin giả và những kẻ làm báo biến chất đã khiến tôi và rất nhiều đồng nghiệp làm nghề chân chính gánh chịu cái tiếng “Nhỏ không học, lớn lên làm nhà báo”.

Nghề báo đích thực chẳng hề “trải hoa hồng” như người ta tưởng. Không áo quần là lượt, chẳng xế hộp, điện thoại sang hay khối tài sản khổng lồ, nghề báo từng làm thất vọng không ít người trẻ lao vào xã hội để tìm kiếm sự giàu sang, huy hoàng hay những lời ca ngợi đầy huyễn hoặc. Cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề báo vất vả, khó nhọc và chứa đựng không ít hiểm nguy. Dù vậy, cho đến hiện tại, tôi vẫn lựa chọn gắn bó với nghề báo.

Bởi tôi yêu những giây phút ngồi gõ bàn phím lách cách để cho ra lò một tin tức hay mà chưa nhiều người biết. Tôi thích ngồi đếm số view nhảy lên theo từng phút, để tưởng tượng được có bao nhiêu người đang tiếp cận bài viết của mình. Tôi ghi nhớ khoảnh khắc lắng nghe nhân vật kể lại câu chuyện của mình, say mê, khắc khoải để rồi từ đó thay họ truyền đạt tới mọi người. Tôi ấn tượng khắc sâu về những lần dấn thân đầy gan dạ dù biết phía trước tiềm tàng nhiều nguy hiểm của những người đồng nghiệp. Sự dũng cảm của họ khiến tôi nể phục, và câu chuyện của họ thôi thúc tôi tiếp tục tìm tòi, khám phá.

Phải thừa nhận, tôi không đến với nghề báo vì những điều lớn lao. Và giờ đây, cũng chính những điều nhỏ bé này đã níu chân tôi ở lại với nghề báo. Tôi muốn thực hiện trách nhiệm xã hội của bản thân và nghề báo cũng chỉ với những điều nhỏ bé mà trung thực, chân thật như vậy.

Xin một lần nữa mượn lời nhà báo John Hohenberg để nói về mục tiêu của tôi khi làm báo: "Cố gắng làm việc không kể khó nhọc, tận tâm phục vụ và nhận lãnh trách nhiệm là những đặc điểm của nghề báo".

Vi An

Tin nổi bật