Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều đối tượng lợi dụng giao dịch bất động sản để rửa tiền phi pháp

(DS&PL) -

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Nhiều đối tượng lựa chọn bất động sản làm kênh rửa tiền phi pháp. Ảnh: Thanh Niên

Theo đó, Sở Xây dựng các địa phương gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản (BĐS), môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên, nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Đồng thời, Sở Xây dựng các địa phương phải ban hành và thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố. Rà soát cập nhật quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nếu đã ban hành.

Người Lao Động thông tin, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị này gửi quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trước ngày 1/8/2019 để thống kê, theo dõi phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch BĐS lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Cục Phòng, chống rửa tiền theo đúng các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.

Trên thực tế, quy định các giao dịch bất động sản trên 300 triệu đồng được xem là đáng ngờ và cần được báo cáo đã có từ lâu, song việc triển khai, giám sát còn rất nhiều vấn đề bất cập khiến tiền phi pháp vẫn lọt vào kênh này.

Bằng chứng rõ ràng nhất không thể không kể đến hai “ông trùm” Giang Kim Đạt của Vinashin và Phan Sào Nam (Rikvip)… lợi dụng việc giao dịch BĐS để "rửa" sạch sẽ dòng tiền bẩn lên tới hàng trăm tỉ đồng. 

Cụ thể, từ tháng 7/2006 đến 3/2007, lợi dụng quyền hạn, Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines cùng đồng bọn đã thông qua các công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với các công ty bán tàu, thuê tàu để lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng, để ngoài sổ sách kế toán rồi chia nhau.

Tổng cộng các bị can đã chiếm đoạt hơn 15,9 triệu USD, tương đương 260,5 tỉ đồng qua việc mua 3 con tàu biển và cho thuê 9 tàu biển khác.

Số tiền chiếm đoạt được, Đạt chuyển vào các tài khoản do bố đẻ là ông Giang Văn Hiển (66 tuổi, ngụ ở Q.2, TP.HCM) đứng tên. Phần lớn khoản tiền đã được ông Hiển thay mặt con trai mua 40 BĐS tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Một trường hợp "rửa tiền" qua kênh bất động sản khác là “ông trùm” Rikvip Phan Sào Nam. Đối tượng này đã chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương (dì ruột của Nam) số tiền hơn 236 tỉ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.

Tháng 11/2016, Phan Thu Hương sử dụng tiền của Nam mua 5 căn hộ tại TP.HCM, với giá gần 28,5 tỉ và nhờ Phí Quang Hưng (bạn Nam) đứng tên giấy tờ nhà.

Đến đầu năm 2017, Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân mua căn nhà số 45 Lê Quý Đôn (P.7, Q.3, TP.HCM) với giá 270 tỉ đồng để đầu tư sinh lời.

Ngoài ra, Phan Sào Nam còn mua của Công ty TNHH MTV sàn giao dịch BĐS Sài Gòn Anpha 2 căn nhà P2, P3 (đứng tên Hoàng Thành Trung, nhưng do Phan Sào Nam thanh toán), 11 căn nhà tại khu dân cư Villa Park, đứng tên Phí Quang Hưng, nhưng vẫn do Phan Sào Nam thanh toán. Hiện, các tài sản trên đã bị cơ quan điều tra phong tỏa.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, tại báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của NHNN, BĐS là một trong 15 lĩnh vực trong nền kinh tế có nguy cơ rửa tiền cao.

Nguyên nhân là vì nguồn tiền đầu tư cho lĩnh vực này có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch BĐS nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền là lành mạnh, tiền từ làm ăn chân chính, hay dòng tiền từ những hành vi bất hợp pháp, từ tham nhũng, tiêu cực, từ buôn gian bán lậu.

Để rửa tiền qua kênh BĐS, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng BĐS.

Việc lợi dụng giao dịch BĐS để rửa tiền không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí là cả những nước phát triển.

Chính quyền Mỹ đã ban hành quy định áp dụng cho 2 thành phố là New York và Miami để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, thông qua hình thức đầu tư BĐS hạng sang. Theo đó, tất cả các công ty nước ngoài có chi nhánh tại Mỹ, khi mua BĐS có giá trị từ 3 triệu USD trở lên tại New York hoặc 1 triệu USD trở lên tại TP.Miami phải cung cấp hồ sơ cá nhân của những người sở hữu từ 25% trở lên số vốn của công ty nước ngoài đó cho chính quyền liên bang.

Phía ngân hàng cũng phải gỡ bỏ một phần bảo mật, cung cấp thông tin của các cá nhân, tổ chức sở hữu khối BĐS lớn tại Mỹ.

Còn tại Anh, chính phủ Anh đã phải công bố danh sách những công ty nước ngoài sở hữu BĐS tại Anh và Wales gần đây và làm rõ về quá trình sở hữu các BĐS của những công ty này. Đối với những công ty nước ngoài muốn mua BĐS tại London, phải cung cấp thông tin về người sở hữu của công ty đó.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật