Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật ký săn vàng: Giấc mộng vàng ròng ở cánh đồng Óc Eo, người khôn tìm cổ vật, kẻ dại mắc mắc "bẫy" kim tiền

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Giấc mộng vàng ròng từ những lá kim loại bí ẩn đã cuốn nhiều người vào cuộc "săn" ảo vọng, bỏ quên giá trị cổ vật nghìn năm.

Vương quốc Phù Nam phát triển phồn thịnh với nền văn hóa Óc Eo ở An Giang là điều có thật với nhiều chứng tích đã được chứng minh. Hàng nghìn cổ vật có giá trị về lịch sử đã và đang được bảo quản cẩn thận. Thế nhưng đi kèm với sự hé mở này còn là bí ẩn của nhiều khối vàng lá mà nhiều người từng ảo tưởng là vàng ròng ở khu vực Giồng Cát (nằm bên chân núi Ba Thê) và nhiều vùng đất khác ở xứ miệt vườn này.

Ký ức về những cuộc săn tìm

Hàng chục cuộc khai quật khảo cổ đã từng diễn ra, cùng với đó là hàng nghìn đồng tiền vàng La Mã rải rác khắp An Giang, Hà Tiên, Đồng Tháp, mà An Giang là nơi tập trung nhiều nhất. Thế nhưng, trước khi các cuộc khai quật chính thức được tiến hành, nhiều người dân nơi đây đã từng đào được cả vàng lá lẫn cổ vật quý giá, nhưng rồi lại để chúng trôi qua tay một cách đáng tiếc. Cánh đồng Óc Eo (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) được biết đến là nơi có gần 10 điểm chứa đựng cổ vật.

Chia sẻ trên báo VietNamnet, ông Trần Văn C., người đã gắn bó với mảnh đất này từ thuở ấu thơ từng chia sẻ: “Từ khi lọt lòng, tôi đã nghe về những dấu tích cổ vật quý giá ở đây rồi. Người Việt cổ xưa ở vùng đất này giàu có lắm. Nhưng chẳng ai biết chính xác ở đâu mà tìm kiếm cho mất công.”

Mãi đến khoảng năm 1986, trong một lần thăm đồng và đào đất đắp bờ ruộng, một số người dân bất ngờ nhặt được vàng lá, tiền đồng và một vài cổ vật. Tin tức lan nhanh, và từ đó, người dân khắp nơi đổ về đây lùng sục, đào bới ngày đêm. Trước tình hình hỗn loạn, đến năm 1989, cơ quan chức năng buộc phải tiến hành phong tỏa và thăm dò khu vực.

Hình ảnh tấm kim loại màu vàng từng được người dân đi cuốc ruộng đào được. Ảnh: Tri thức & Cuộc sống

“Vàng ròng hay không thì tôi không dám chắc, nhưng rõ ràng đó là vàng thật,” ông C. khẳng định. “Dân miệt vườn chúng tôi đâu có ai rành về giá trị hay thẩm định, cứ thấy thương lái đến mua là bán vội, vì của trời cho mà, lại nhiều nữa. Cổ vật thì vô số kể.”

Những người may mắn trong cuộc "săn vàng" có thể tìm được cả nữ trang vàng, vàng mỹ nghệ, nhưng phổ biến nhất vẫn là vàng lá. “Cứ đi đào vài ngày, nếu không được nhiều thì cũng có vài lá dắt túi,” một người dân chia sẻ. Cuộc săn lùng cứ thế kéo dài trong nhiều năm. Theo lời kể của nhiều người, chỉ cần cuốc xuống đất khoảng 40cm là có thể chạm phải cổ vật.

Khi chưa có lệnh dừng săn lùng, những cánh đồng chẳng còn canh tác lúa nữa mà luôn đông nghịt người tìm vàng. Khi nhà khi nhà nước ra lệnh cấm và tiến hành thăm dò khai quật thì dường như vàng lá không còn nữa.

Những người vớ bẫm được vàng lá xưa kia cũng không giàu có lên được. Tuy nhiên các cổ vật quý thì thu được nhiều vô kể. Các cổ vật này nhanh chóng được đưa về bảo quản tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tỉnh An Giang.

Ảo vọng "vàng ròng" và cái giá phải trả

Cơn sốt vàng đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Có những người chỉ sở hữu vài món đồ cổ, nhưng lại ảo tưởng đó là vàng ròng, sống trong những giấc mơ hão huyền.

Thông tin trên tờ Tri thức & Cuộc sống, bà Nguyễn Thị H. là một ví dụ điển hình. Sau khi tìm được những vật màu vàng, bà đã sống trong ảo ảnh về sự giàu sang, bỏ bê cuộc sống thực tại.

Ông T., người hàng xóm, lắc đầu: “Từ ngày bà ấy nhặt được mấy thứ đó rồi đánh rơi, bà ấy cứ như người mất hồn. Nay đây mai đó, chẳng ai tìm thấy. Nghe nói đồ đó là của người Phù Nam, thiêng lắm. Thấy bà ấy cứ lang thang, khấn vái một mình, ai cũng sợ.”

Anh Nguyễn Văn B., con trai bà H., buồn bã nói: “Đất này còn nhiều bí ẩn, tôi cũng không biết đó có phải vàng thật không. Mẹ tôi từ ngày mất đồ vật đó, tính tình kỳ lạ lắm, hay bỏ nhà đi. Có khi cả tháng không thấy về.”

Nhiều người dân địa phương xót xa cho bà H. khi đã đánh mất sự tỉnh táo vì ảo vọng về "vàng ròng".

Một cảnh khai quật cổ vật. Ảnh tư liệu: Dân trí

Một trường hợp khác có thể kể đến là ông Phạm Văn M. (từng là Xã đội phó xã Tân Phú - huyện Châu Thành). Thông tin trên báo Dân trí, ông M. từng cuốc được cả một tráp đựng rất nhiều miếng vàng mỏng như lá lúa. Trên những lá vàng này còn chạm trổ hoa văn tinh xảo cùng những con vật kỳ quái.

Bán tráp vàng được 300.000 đồng (thời đó là một số tiền rất lớn), ông M. mua sắm đồ đạc trong nhà, mua đôi trâu cho thằng con trai trông nom, còn mình thì ngày nào cũng lặn lội lên núi đào bới, mong sẽ gặp được may mắn lần nữa.

Tuy nhiên, cũng chính vì quá ham mê đào vàng mà ông M. mất cả vợ lẫn con. Sẵn có số tiền bán vàng, vợ ông tối ngày bài bạc, thậm chí bán mất cả nhà. Con trai ông thì ăn chơi lêu lổng.

Không chỉ ông M., còn nhiều người khác đã tan cửa nát nhà, hóa điên dại với ảo tưởng đổi đời từ vàng. Thế nhưng, điều đáng buồn nhất là cơn sốt vàng năm xưa của người dân đã xóa đi nhiều giá trị cổ ở nơi đây.

LTS: Những câu chuyện về vàng bạc, kho báu ẩn sâu trong lòng đất Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho trí tưởng tượng và khát vọng khám phá. Trang Đời sống & Pháp luật trân trọng giới thiệu tuyến bài đặc biệt đưa quý vị ngược dòng thời gian, lật lại những vụ việc truy tìm kho báu, kho vàng nổi tiếng trên khắp dải đất hình chữ S.

Từ huyền thoại về kho báu vương triều đến lời đồn về của cải ngoại xâm, giấc mơ "vàng" dường như đã khắc sâu trong tâm trí người Việt. Tuyến bài này không chỉ đơn thuần kể lại những câu chuyện ly kỳ, mà còn đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử, văn hóa đã tạo nên những huyền thoại ấy. Chúng tôi sẽ khám phá những hành trình tìm kiếm đầy gian nan, những hệ lụy pháp lý và xã hội đi kèm.

Liệu những kho báu đó có thực sự tồn tại? Động lực nào thúc đẩy con người theo đuổi giấc mơ xa vời này? Và sau tất cả, những câu chuyện này còn gửi gắm những bài học sâu sắc. Đó là sự tỉnh táo trước những lời đồn thổi, là giá trị của lao động chân chính, và đôi khi, kho báu lớn nhất lại nằm ở những di sản văn hóa, lịch sử vô giá mà chúng ta cần trân trọng và bảo tồn hơn là mải miết theo đuổi những ảo ảnh vàng bạc.

Bắt đầu từ ngọn lửa trên núi Tàu khơi gợi ký ức về 4.000 tấn vàng, đến những "hầm thần của" bí ẩn, hay những vụ phát hiện tài sản gây xôn xao dư luận, tuyến bài sẽ tái hiện một cách chân thực và đa chiều. Chúng tôi mong muốn mang đến cho quý vị không chỉ sự thỏa mãn trí tò mò, mà còn cái nhìn sâu sắc hơn về những khía cạnh lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tin nổi bật