Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật ký chinh phục Sơn Đoòng ngày 4: Ngày tuyệt vời nhất

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hành trình ngày hôm nay hứa hẹn sẽ chẳng dễ hơn chút nào so với ngày hôm qua, nhưng chắc chắn sẽ là ngày tuyệt vời nhất của cả hành trình...

(ĐSPL) - Hôm nay mình dậy lúc 7h, trễ hơn hôm qua một chút, không khí trong hang lạnh hơn ở Hang Én, lại không có tiếng chim và dơi kêu râm ran trong lòng hang, vì thế mình đã ngủ rất ngon. Không thể tin là đã đến ngày thứ 4 của hành trình. Thiên đường đến và qua nhanh tới nỗi mình ước gì đây chỉ mới là ngày đầu tiên vất vả lội vào hang Én.

Nhật ký chinh phục hang Sơn Đoòng của siêu mẫu Lê Trung Cương

Nhật ký chinh phục Sơn Đoòng ngày 2: Cơn ác mộng bắt đầu

Nhật ký chinh phục Sơn Đoòng ngày 3: Trượt chân là thấy quan tài

Nhật ký Sơn Đoòng ngày 5, 6: Phần tra tấn thể lực ghê gớm cuối cùng

Đêm qua có một chuyện rất buồn cười. Mình đã có một giấc mơ (thông thường thì sau một chặng hành trình dài và căng thẳng, con nguời sẽ ngủ rất sâu và ít mộng mị), và nó sẽ là bí mật nho nhỏ của riêng mình. Ngay sau giấc mơ, mình giật mình tỉnh dậy và nhìn ra cửa sổ của lều. Mỗi lều đều có hai cửa sổ, và buổi chiều mình đã có tình xoay lều của mình sao cho cửa sổ phía trước nhìn thẳng ra hướng vùng sáng của hố sụt.

Ban đêm hố sụt sẽ là nguồn sáng duy nhất trong bóng tối vĩnh cữu của hang. Và khi nhìn qua cử sổ mình đã gần như nhảy dựng lên khi không còn thấy hố sụt ở đó nữa, thay vào đó là bóng tối đậm đặc. Dĩ nhiên là sau vài phút hoàn hồn và tự trấn tĩnh mình mới phát hiện ra nó vẫn còn đó, chỉ là nó nằm lù lù ở cửa sổ trước. Mình đã xém hết toáng lên để đánh thức cả đòan dậy, ơn trời là vẫn còn dừng lại kịp

Lúc này là 4h sáng, ánh sáng mờ ảo của màn đêm bên ngoài xuyên qua làn sương dưới chân hố sụt rọi xuống khu rừng nhỏ ngay bên dưới, tạo nên một cảnh tượng rất siêu thực, ngay cả trong tưởng tượng mình cũng khó hình dung ra cảnh này.

Quanh khu vực lều mình ngủ, ở gần vách hang là rất nhiều đom đóm. Trên cái nền bóng tối dày đặc & đầy hơi nuớc thì ánh sáng đom đóm lại trở nên rất ma quái và bí ẩn, cũng kỳ lạ và ám ảnh chẳng kém gì cái ánh sáng dưới chân hố sụt. Mình đã tự thuyết phục bản thân tin rằng, tất cả chỉ là do cơn buồn ngủ lúc 4h sáng kèm với sự mệt mỏi kéo dài gây nên cho não mà thôi, và mình quyết định quay lại đánh một giấc cho đến 7h sáng.

Bữa sáng bắt đầu lúc 8h, hôm nay cả đoàn ăn pancake với chuối và sốt chocolate. Mình cố ăn hết hai cái pancake với chuối to đùng, dù đây là lần đầu mình thử món này, và thú thật là không dễ nuốt chút nào khi nó lạnh tanh và lại ngọt. Mình thì vốn quen với đồ ăn sáng có nuớc thơm phức và nóng sốt như phở hơn.

Pancake có vẻ như không phải là món ăn quen thuộc của người châu Á như mình, và mình phát hiện ra các bạn trong đoàn cũng không mấy thích nó. Họ vẫn thích mì tôm hay phở hơn, dù họ chẳng xa lạ gì với pancake, ít nhất là với anh bạn Ilya người Latvia và Hannan, cô gái đạo Hồi người Australi. 3 cô gái đến từ Dubai thậm chí còn thử pancake với thanh long xắt lát mỏng và bỏ cuộc giữa chừng.

Hành trình ngày hôm nay hứa hẹn sẽ chẳng dễ hơn chút nào so với ngày hôm qua, nhưng chắc chắn sẽ là ngày tuyệt vời nhất của cả hành trình khi đi qua cả hai Doline và tiến đến điểm cuối của hang trong cùng ngày. Cả nhóm sẽ phải vượt qua khoảng 2,5 km núi đá để đến được Doline số 2 (hố sụt số 2 - nơi mà đỉnh hang sụp xuống, để lộ ra khoảng không thông với bầu trời bên ngoài).

Sau đó từ Doline số 2 bọn mình sẽ lội trong bùn và thạch nhũ để đến cửa ra cuối cùng của hang Sơn Đoòng, nơi có Bức Tường Việt Nam chắn ngang (Great Wall Of Vietnam). Đây sẽ là điểm cuối của hành trình trước khi cả nhóm sẽ quay về điểm xuất phát . Toàn bộ đoạn đường hơn 4 km của khu vực sẽ chìm trong lòng hang với vách đá và bóng tối hoàn toàn, trừ hai khu vựa quanh hố sụt.

9h15, cả đoàn xuất phát để vượt qua hố sụt 1.

Lê Trung Cương đứng trên đỉnh ngọn núi cao 120m ngay giữa lòng hố sụt 1 (Doline 1) trong lòng hang Sơn Đoòng.

Những ngọn núi trong hang

Đêm qua cả đoàn đã nghỉ đêm trên đỉnh một khối đất đá cao hơn 80 m (do mình ước lượng) ở trước hố sụt, cách trung tâm hố sụt khoảng 300m. Sáng nay đoàn phải leo xuống khỏi khối đất đá này và lại trèo lên khối đất đá khổng lồ khác (đã rơi xuống từ trần hang để tạo nên hố sụt) để qua được bên kia của hố sụt và tiếp tục hành trình trong lòng hang.

Phải chia tay cảnh tượng mây khói như trong truyện cổ tích Peter Pan này quả thật không dễ, nhưng chắc chắn là ở phía bên kia hố sụt sẽ còn thú vị hơn, tất cả các clip mình xem trên youtube đều chỉ ra điều này.

Ngay sau khi ngoằn ngòeo leo xuống khỏi nơi tập kết để đến được rìa của hố sụt, rồi lại chui xuống luồn lách giữa các tảng đá không lồ để leo lên, thì khu rừng xanh mướt ngay giữa hố sụt hiện ra rõ ràng và mời gọi ngay trước mắt mọi nguời, trải dài trên sườn dựng đứng của khối đất đá ngay trung tâm.

Khối đá đổ xuống lòng hố sụt to như một ngọn núi. Nó kéo theo vô số những tảng đá nhỏ hơn rơi xuống (tảng nào cũng to cỡ một ngôi nhà vài tầng lầu), và trên lớp đá ấy thời gian đã phủ lên một lớp đất mỏng. Và dĩ nhiên với ánh sáng rọi xuống từ hố sụt, một khu rừng nho nhỏ đã mọc lên trên ngọn núi này.

Mình dùng từ ngọn núi là vì khối đất đá có hình chóp nhọn, dựng đứng, và cao hơn 120m tính từ nền hang (ngang trần hang Én, bằng chiều cao một tòa nhà 40 tầng).

Doline 1 (hố sụt 1), địa điểm nổi tiếng & đẹp nhất trong lòng hang Sơn Đoòng

Mọi người nghỉ khoảng 15 phút và bắt đầu chia nhau thành từng nhóm nhỏ 3 người để leo tiếp lên đỉnh núi. Đoạn đường này gồm các tảng đá nhỏ hơn, đất sình ẩm ướt và cây bụi nhỏ, và gần như dựng đứng. Oxalis đã bố trí sẵn các đoạn dây có thắt gút dọc sườn núi để mọi người bám và và đu lên. Tất cả sẽ chỉ dựa vào sức mạnh của cánh tay để giúp bạn vượt qua đoạn đường này.

Cả nhóm phải chia nhỏ ra và leo lần lượt vì những khối đá nhỏ nằm trên nền đất khá lỏng lẻo, có thể trôi xuống sườn núi bất cứ lúc nào khi nguời phía trên đạp phải và rơi trúng người phía dưới.

Mình và Noora là nhóm đầu tiên xung phong leo lên, Deb hướng dẫn bọn mình. Một hòn đá từ chân Noora đã suýt rơi trúng tay mình, và hai miếng bảo hộ đầu gối mình tự trang bị đã thực sự phát huy tác dụng ở đoạn đường này khi mà có những đọan mình đã áp chặt vào vách đá sình lầy dựng đứng, một tay bám chặt dây, tay còn lại tìm điểm bấu vào để lấy điểm tựa nâng người lên. Mình mất hơn 15 phút vật lộn với cơ bắp cánh tay để leo lên hơn 30 m cao độ cuối cùng lên đến nơi.

Toàn thân mình đã ướt sũng mồ hôi, kể cả chiếc quần phượt dài mình đang mặc. Mình cởi áo để bớt nóng, và khi vắt cái áo mồ hôi đã chảy thành dòng. Noora thậm chí còn tệ hơn, cô ấy cũng ướt sũng vì mồ hôi nhưng chẳng tài nào cởi áo ra vắt như mình.

Xem ra mặc dù được khuyến cáo là cả ngày hôm nay sẽ không có nuớc vệ sinh (mọi thứ đều trông cậy vào khăn giấy ướt và cái khăn mặt nhỏ mang theo, kể cả việc tắm rửa hay đi toilet), nhưng ngay chặng đầu tiên trong ngày thì mọi nguời đã đầy sình đất và mồ hôi khắp nguời. Lời khuyên thích hợp hơn trong hòan cảnh này có lẽ là nên leo trèo cách xa nguời đi trước một khỏang nhất định để tránh mùi hôi.

Trong lúc chờ cả nhóm leo lên đỉnh, mình và Noora tranh thủ chụp rất nhiều ảnh, trong đó có tấm Panorama mà mình rất ưng.

Mình thậm chí tìm thấy một loại thảo mộc mà mình chưa bao giờ thấy trong đời, rất đẹp. Lá nó có hình dạng của là trúc thu nhỏ, thân mộc, cao chừng 30 cm, mọc theo cụm trên đá vôi ở nơi ánh sáng yếu) Theo lời Deb, thì ông Hồ Khanh (người đi rừng đã tìm ra hang Sơn Đoòng) cho biết loại cây này chỉ có tại hai hố sụt của Sơn Đoòng, ngay cả ngoài cửa hang, hay tại hang Phong Nha hay các nơi khác của Quảng Bình đều không có).

Mình hỏi ý Deb về việc mang một mẫu vật nho nhỏ của cây về Sài Gòn để xem cây đã được định danh hay chưa (hệ sinh thái trong hang Sơn Đoòng cực kỳ thú vị, rất nhiều loài thực vật, động vật và côn trùng ở đây là duy nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trên toàn TG, và dĩ nhiên là rất nhiều trong số đó hoàn toàn chưa có tên trong các tài liệu khoa học).

Sau một hồi suy nghĩ, Deb đồng ý để mình lấy một mẫu cây rất nhỏ theo, nằm gọn trong lòng bàn tay, và mình thì đã cực kỳ vui vì điều này. Hy vọng tiêu bản mình mang về sẽ tồn tại được đến Sài Gòn trong suốt 4 ngày còn lại trong hang.

(Bản thân mình cũng rất thích tìm hiểu về các giống cây, chắc chắn mình sẽ nhân giống cho bằng được loài cây đặc hữu của Sơn Đoòng này tại Sài Gòn).

(Mình hoàn toàn không khuyến khích bất kỳ ai có hành động mang về bất cứ thứ gì từ hang nhé, nhất là khi chưa có sự cho phép của chuyên gia và những người có trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái trong hang).

10h30, tất cả 10 nguời trong nhóm đã lên đến đỉnh núi.

Tháp Effeil trong lòng hang

Không thể tin được là bọn mình vừa leo lên một ngọn núi, và ngọn núi này lại nằm lọt thỏm hẳn trong lòng hang Sơn Đoòng. Khu vực này không khí ít hơi nuớc hơn, có rất nhiều ánh sáng rọi xuống, cây cỏ xanh muớt, và xung quang vẫn là màu xám bao bọc của vách hang.

Ngọn núi cao hơn 120m tính từ sàn hang, và từ đỉnh núi lên đến miệng hố sụt là 200m nữa, tổng cộng lòng hang cao hơn 300m. Nếu có thể di chuyển hết khối đất đá sụt xuống giữa hố, thì ta có thể đặt vào đó gọn gàng một tòa tháp Effeil mà vẫn còn dư khá nhiều không gian, không thể tin nổi quy mô của hang Sơn Đoòng.

Hai người khổng lồ màu xanh - những đứa con cưng nổi tiếng nhất của Sơn Đoòng

Từ nơi cả nhóm vừa trèo lên, nhìn qua phía bên kia cũng trên đỉnh núi, cách đó khỏang 20 m, là 2 khối thạch nhũ màu xanh đứng sừng sững như hai người khổng lồ (cao lần lượt khỏang 7 m & 12 m nhìn từ nơi mình đứng, nhưng thực ra khi leo qua đến mặt bên kia của ngọn núi thì cả bọn mới phát hiện mỗi khối cao đến hàng chục mét). Thạch nhũ thì vốn có màu xám trắng, nhưng do nằm giữa hố sụt, nên nó được phủ một lớp đất bụi mỏng, và trên nó phủ đầy rêu, địa y và dương xỉ xanh rì. Thạch nhũ ở Sơn Đoòng có một đặc điểm là thân rất to, chu vi vài chục mét là chuyện thường, và đỉnh khối thạch nhũ rất bằng phẳng như một lá sen to khổng lồ.

Cả nhóm di chuyển về phía hai khối thạch nhũ, và leo lên để chụp ảnh. Dĩ nhiên là đã có vô số tấm ảnh đủ các thể lọai đuợc mọi nguời đua nhau chụp tại khu vực này. Và hầu như chẳng có tấm nào khiến mỗi người hài lòng hòan tòan vì chẳng có máy nào ghi lại được hết 360 độ toàn cảnh của hang. Ngay cả ảnh Panorama thì cũng bỏ sót phần trên của chop hốt sụt và phần dưới của nền hang

Mình sẽ không mô tả nhiều về hai khối thạch nhũ này, vì đây chính là nơi cô MC Ginger Lee của chương trình G'Morning America đã leo lên để ghi hình 2 tuần trước cùng với camera bay. Và hình ảnh của cô đứng trên khối nhũ giữa khoảng không bao la đầy nắng trong lòng hang SĐ đã truyền đi khắp thế giới. Search trên google hình ảnh về Sơn Đoòng là thấy ngay hình ảnh và clip về hai khối nhũ này đầu tiên nhé các bạn.

11h00, cả nhóm di chuyển xuống phía bên kia của sườn núi, để tiến về điểm tập kết ăn trưa, nằm ngay cửa vào của một đoạn hang kế tiếp, trừ anh chàng Bamboo.

Trên đường xuống Deb có dừng lại để chỉ mọi người một loại đá kỳ lạ của Sơn Đoòng. Mặt đá màu xám óng ánh như than chì, lởm chởm như san hô, sắc bén như dao.

Deb cũng yêu cầu mọi người di chuyển hàng một theo đúng lối đi có sẵn, sao cho hạn chế nhất việc dẫm đạp, để bảo vệ tối đa các khối thạch nhũ vừa hình thành giữa lòng hố sụt.

Bãi tập kết nằm trên một vùng bằng phẳng tạo thành bởi dòng nước mang theo các hạt cát li ti và theo thời gian, nó kết tinh lại thành đá theo hình những cánh quạt nằm ngang, trải ra trên một bãi rộng vài chục mét

Bữa trưa nhanh chóng được dọn ra, gồm cơm chiên sẵn và trái cây. Cả nhóm ăn và hướng mắt ngược về phía ngọn núi với hai khối thạch nhũ màu xanh để ngắm khung cảnh đẹp nhất của cả chuyến đi này.

11h30, cả đoàn đã có mặt đầy đủ tại khu tập kết ăn trưa.

Anh chàng Bamboo giờ mới xuất hiện, và vẫn ở lại trên đỉnh khối thạch nhũ xanh.

Để những bức ảnh chụp của cả nhóm có thể xác định được độ lớn của từng vật thể trong đó, ta cần một vật chuẩn, và Bamboo đang chính là cái vật ở lại làm chuẩn đó. Đứng trên đỉnh khối thạch với đèn leo núi lập loè trên đầu, phải khó khăn lắm mới thấy được hình dạng bé xíu như hạt đậu giữa khung cảnh bao la xung quanh, và từ đó ta có thể xác định được kích thước của mọi vật tương ứng xung quanh.

Dĩ nhiên ai trong đòan cũng lại ra sức bấm máy cảnh tượng này, một con người nhỏ bé ngạo nghễ đứng trên đỉnh một người không lồ xanh nằm sâu 300 m trong lòng núi đá. Tấm ảnh này có lẽ là minh chứng rất rõ cho ham muốn khám phá và chinh phục thiên nhiên của con nguời, và của mỗi nguời trong đoàn.

Thiên đường không dành cho tất cả mọi người

12h, cảnh tượng thật bất ngờ hiện ra.

[mecloud]xtzOz1ZV9D[/mecloud]

Nắng giữa trưa chiếu thẳng vào miệng hố sụt, tạo ra một quầng sáng hình trụ rọi thẳng xuống khối thạch nhũ khổng lồ xanh ở giữ đỉnh khối đất đá, xung quanh vẫn là màu tối lờ mờ của đá và bóng râm. Không khí vốn đầy sương mù và hơi nuớc trong hang bị gió từ ngoài hang thổi lùa qua miệng hố sụt đẩy nguợc vào trong hang, nên không khí khu vực trong lòng hố sụt chợt trở nên trong veo trong chừng khoảng đúng 5 phút rồi lại mù mịt trở lại như cũ.

Đúng ngay lúc này, một rừng lá cây từ trên miệng hố sụt theo gió lùa vào rơi xuống, và nó mất rất lâu để có thể chạm tới đỉnh núi bên dưới (khỏang cách tương ưng là hơn 200 m). Nó tạo ra một màn các hạt li ti phản chiếu lấp lánh ánh nắng trong quầng sáng, từ từ thả mình xuống đỉnh khối thạch nhũ xanh, cứ như thể từ thiên đường, vô số bà tiên lấp lánh đang bay xuống đỉnh núi.

Cảnh tượng khó quên này không kéo dài lâu. Đúng 5 phút sau sương mù lại phủ kín khu vực hố sụt, che chắn tầm nhìn, và camera cũng chào thua. Không phải lúc nào trời cũng có nắng để tạo ra vệt sáng giữa hang, và nếu có nắng thì cũng không chắc có gió để xua sương mù sẽ bay hết, và khi có cả hai điều trên cùng xảy ra thì chắc gì lá đã rơi đúng lúc để tạo ra hình ảnh lung linh đó.

Có lẽ cả nhóm đã cực kỳ may mắn khi bắt gặp cảnh này, và trong cả nhóm thỉ cũng chỉ có 3 người kịp ghi cảnh này lại vào camera, trong đó có mình.

Doline 2 - giới hạn của sức bền

13h, cả nhóm rời nơi tập kết ăn trưa để tiếp tục tiến vào lòng hang tối, đọan này dài hơn 1 km. Cảnh vật đất đá trong đọan hang này lại khác đọan hang trước (từ cửa hang đến hố sụt 1).

Mọi người đang trèo lên vai 2 nguời khổng lồ xanh ở giữa Doline 1 để ghi lại khỏanh khắc cực kỳ đáng giá trong đời ...

Trong lòng hang là vô số khối thạch nhủ có hình dạng như các khối san hô dưới lòng đại dương, nhưng mang kích thúơc không lồ. Cả đoàn sẽ đi men theo rìa các cánh quạt thạch nhũ chìa ra từ vách hang, lúc lên, lúc xuống. Đọan đường này rất trơn, vì bản chất hình thành nên các khối nhủ là nước nhỏ giọt liên tục mà tạo thành. Và một lần nữa, đôi giày đi bộ của mình lại phản chủ khi không bám được vào bề mặt các khối nhủ. Và té ngã rơi xuống từ các khối nhũ cao hàng chục mét là điều mình không hề muốn nghĩ tới. Bề mặt các khối nhủ cũng lởm chởm và có tạo hình hệt như san hô, màu vàng của các và màu lấp lánh ánh bạc ngọc trai là 2 màu chủ yếu của các khối thạch nhũ, thỉnh thỏang lại có khối nhũ lấp lánh màu hồng.

Tất cả các chiêu bò, trườn, lết, thậm chí là ngồi xổm xuống đất rồi từ từ bò qua (để đảm bảo diện tích tiếp xúc là lớn nhất, chống trơn trợt) đều đuợc mình đem ra sử dụng. Qua được đoạn này an tòan thì quần mình mặc cũng rách lỗ chổ vì ma sát với đá. Đi giữa các khối nhũ giữa lòng hang bao la làm mình có cảm giác như đang đi trong thuỷ cung nhiều hơn là trong lòng hang động (lòng hang đọan này vẫn cao và rộng hơn 150m mỗi chiều) Anh chàng trong đoàn đến từ New York thì nhất quyết là chúng giống brocoli (cải súp lơ) nhiều hơn là san hô.

Và xin nhắc lại, từ khi khởi hành vào sáng ngày thứ 4 này, vẫn không có một phương tiện bảo hộ an tòan nào ngoài găng tay và nón leo núi cả. Tất cả đều phải dựa vào sự khéo léo của hai bàn tay bám vào đá, của đế giày cố bám trên các địa hình trơn trượt, của đôi mắt phải mở trừng trừng để nhìn cho thật rõ từng khối đá sắp trèo lên, và của cả bộ não căng ra tính toán từng buớc đi, từng mỏm đá để leo trèo nữa. Ít ra với mình, cảm giác của đọan đường này là như vậy, và xem ra với hơn 2/3 thành viên trong đoàn nó vẫn đúng, khi mà chẳng cần phải bảo ai cũng im lặng và rất cẩn thận quan sát để bắt chước theo từng bước đi từng mỏm đá mà các porter đi trước chọn để bám vào. Đi lệch một bước chân, buớc nhầm lên một mỏm đá không chắc chắn, thì có lẽ bạn sẽ chẳng còn dịp để hối hận nữa.

13h45, lối ra của đoạn hang tối này đã hiện ra thấp thoáng trước mặt, ai cũng đẫm mồ hôi và căng thẳng. Và trước mắt lại hiện ra một ngọn núi xanh rì nữa, nằm ngay giữa Doline số 2 (hố sụt 2). Mình đã có ngay cái suy nghĩ, làm sao mà trèo lên nổi thêm cùng một ngọn núi nữa cao không kém, khi mà mới trước đó 2 tiếng vừa vuợt qua 1cái. Quang - anh chàng porter - ngay lúc đó cho mọi người biết khu tập kết nghỉ đêm của cả đoàn nằm ngay bên kia, sau khi vượt qua ngọn núi này. Một liều dopping về tinh thần hết sức hữu ích.

Đường ra khỏi đoạn hang tối cũng chính là đường dốc dần leo lên núi ở giữa hố sụt 2. Ơn trời là đọan dốc này tuy dài nhưng lại leo khá thoải mái vì không dựng đứng và cực kỳ nguy hiểm như ngọn núi tại Doline 1. Đường leo thực ra vẫn là các cánh quạt thạch nhũ khổng lồ phủ trải rộng như ruộng bậc thang tại Sapa, trên đó được phủ đầy đất và phân dơi mềm mịn. Với ánh sáng từ miệng hố sụt rọi xuống, dương xỉ lẫn cây bụi đã không bỏ lỡ cơ hộ phủ xanh tòan bộ khu vực này. Mình trượt chân hai lần trên đọan này, khi mải ngắm màu xanh của thảm thực vật nơi đây và bước nhầm vào nơi thạch nhũ trơn trợt. Mông nện xuống đá, rồi trôi thêm vài bậc nữa mới dừng lại, đau ê ẩm! Vẫn may mắn là đọan này không có vực sâu và ít dốc, lại có phân dơi phủ nên không có nhiều cạnh đá sắc nhọn, không thì chắc cái mông mình đã bị cào nát bươm, bị băm nhỏ ra và vĩnh viễn nằm lại nuôi cây cỏ trong hang rồi.

Mọi người dừng lại nghỉ lấy sức ở lưng chừng đường leo lên đỉnh núi, trước khi tiến ra giữa hố sụt và leo lên đỉnh khối đất đá này để tiến về phía bên kia của nó. Nơi cả đòan dừng chân lấy sức cũng là nơi khu phân dơi phủ kín chấm dứt và tiếp giáp với phần đá vôi nhọn lởm chởm. Ngay lúc này, lần đầu tiên trong đời mình nhìn thấy con vắt đang lủng lẳng hút máu người. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng mình khi Ruth (bà chuyên gia người Anh) cởi găng tay, và lủng lẳng ở gần cổ tay bà là một con vắt đang hút máu to bằng con nhộng, mềm nhũn, màu đỏ bầm treo lủng lẳng. Bà bình tĩnh dứt nó ra khỏi tay rồi vò vò lại trong lòng bàn tay. Máu từ vết cắn vẫn chảy. Bà cho biết nó đã chui vào găng tay lúc bà cởi ra khi ăn trưa ở Doline 1.

Ngay lập tức, mọi người ai cũng âm thầm cởi găng cởi nón cởi giày cởi vớ ra tự kiểm tra Ống quần lẫn ống tay áo, cổ hay nách cũng là nơi ưa thích của vắt. Cảm giác lần đầu được chạm trán vắt rừng thật khó quên!

14h15, mọi người trèo lên đến đỉnh khối đất đá, xuyên qua rất nhiều cây rừng đổ ngã từ trên đỉnh hố sụt xuống những khối đá vôi sắt như dao bên dưới.

Ai cũng thở hồng hộc và mồ hôi chảy nhễu nhão. 3 ngày leo trèo ở nơi mà cả nhóm vẫn bảo là hoàn toàn không thuộc về trái đất, có lẽ đã khiến ai trong đòan cũng đang cạn dần năng lượng.

Từ trên đỉnh khối đất đá, mình có thể thấy hố sụt hai là nơi giao nhau của tới nhánh hang, cả nhóm vừa thoát ra khỏi một nhánh nối với hố sụt 1, và chuẩn bị xuống một nhánh khác nối với Bức Tường Việt Nam. Nhánh còn lại là một nhánh hang khác dài chừng 200 m, không nằm trong chương trình thám hiểm lần này. Một lần nữa mình lại bắt gặp loài cây mình đã lấy mẫu tại hố sụt 1, nó cũng chỉ xuất hiện ở đúng khu vực ngay giữa trung tâm hố sụt, trên các gờ của đá vôi có ánh sáng yếu.

Và khi Deb chỉ tay về phía bãi tập kết đang nghi ngút khói bếp do các porter đến trước nấu ăn nằm lọt thỏm trong lòng miệng hang khổng lồ ở sườn bên kia của ngọn núi, thì ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Cả nhóm nhanh chóng leo xuống để về khu tập kết.

14h45, mình đã leo xuống đến chân "ngọn núi", sau khi lại trượt té một phát khá đau ở đoạn đường dốc trơn trượt, lưng đập thẳng và kéo lê trên mặt đá. May mắn là không có khối đá sắc cạnh nào ở gần đó và cái balo trên lưng đã hứng trọn phần ma sát với đá.

Bãi tập kết đã được các porter dựng lều sẵn, nằm trên một dải cát trắng tinh bên trái miệng hang, sát vách đá dựng đứng. Các porter thì đang chuẩn bị bữa ăn tối.

Mọi người ai cũng mệt lả và lờ đờ run rẩy vì mệt và mất nuớc. 10 người trong đòan tìm ngay lều có tên mình và nằm vật ra thở mà chẳng buồn cởi giày hay thay đồ. Bamboo cho biết mọi người có khoảng 30 phút nghỉ ngơi trước khi bắt đầu đi tiếp đến điểm cuối của hành trình trong buồi chiều, Great Wall Of Vienam (Bức Tường Việt Nam).

Deb khuyên mọi người nên để tất cả hành lý lại lều, trừ nón bảo hộ, máy ảnh và chân đế tripod. Và hình như chẳng cần Deb khuyên thì mọi người đều vất tất cả hành lý ở lại, vì chẳng ai còn chút năng lượng nào để mang vác bất cứ cái gì nữa cả, kể cả chai nuớc uống. Hành trình sẽ kéo dài khoảng 2 tiếng, đoạn đầu sẽ khá bằng phằng, trong khi nửa sau sẽ ngập trong bùn đến đầu gối. Ai mệt có thể ở lại lều để chờ cả đoàn quay về ăn tối.

Bức tường Việt Nam - thử thách cuối cùng của Sơn Đoòng

15h15, cả đoàn bắt đầu tiến sâu vào hang, không ai muốn nghỉ lại lều dù đã rất mệt. Đoạn hang này lại khác hai đoạn trước, Sơn Đoòng là thế, chả khúc nào giống khúc nào. Lòng hang cực rộng, đoạn rộng nhất lên tới 150 m, gấp rưỡi chiều dài của sân bóng đá.

Trần hang cũng cao chót vót. Có đọan mình đã thử gộp 3 đèn trên 3 mũ bảo hộ lại vẫn không tài nào soi đến trần hang. Nền hang thì toàn cát và đá cát tạo thành do nước trên trần hang nhỏ xuống mang theo các hạt đá vôi li ti. Tất cả đều có màu vàng đậm. Khi tiến vào hơn 200 m thì ánh sáng ở khu vực Doline 2 cũng tối dần, những khối thạch nhũ khổng lổ ba916 đều hiện ra sừng sững chắn trước lối đi của cả đòan. Khối mọc từ dướinền hang huớng lên, khối lại treo lơ lửng từ trần hang hứớng xuống và chỉ cách nền hang vài chục cm, thật kỳ diệu!

Thảm thực vật nằm trên lớp phân dơi trên cánh đồng thạch nhũ tại lối ra Doline 2

Hang Sơn Đoòng không giống hang Phong Nha khi mang trong lòng vô số thạch nhũ nhỏ và ốm. Các khối thạch nhũ trong lòng Sơn Đoòng rải rác và khổng lồ. Hai bên vách hang cũng là hai bức tường thạch nhũ khổng lồ trải từ trần hang xuống tận sàn hang xuyên suốt chiều dài của hang.

Cả nhóm dừng lại chụp hình với các khối thạch nhũ. Hai anh chàng đến từ Mỹ và Mexico vật lộn setup lấy sáng chậm cho hai máy ảnh pro với chân đế tripod, thì 7 bạn còn lại thì phải đứng bất động vài chục giây vẫy liên tục các đèn trên mũ bảo hộ để 2 anh chàng lấy sáng cho ảnh. Bamboo và Ruth thì phải cật lực quơ quơ đèn cao áp rọi khắp vách hang để "painting" cho tấm ảnh (theo lời Deb). Mình thì ung dung dùng Iphone6+ chụp lấy ngay tức thì, vì dù sao mình cũng chẳng có cái máy pro nào mang theo. Nghĩ tới việc trang bị một máy ảnh tốt kèm ống kính mắc tiền, rồi mang nó theo suốt hành trình lội nuớc, rồi va đập, rồi té lên té xuống như những ngày vừa qua thì mình nản ngay, chưa kể việc trọng lượng của máy ảnh sẽ đè nặng lên thêm cái balo vốn đã nặng như khối đá Thiên Bồng Nguyên Soái trên lưng Tôn Ngộ Không rồi.

Chất lượng ảnh chụp thiếu sáng của i6+ trong hang đẹp ngỡ ngàng, điều này thì mọi người trong đoàn ai cũng phải bất ngờ và công nhận. Hannan (cô nàng Úc) thì không vui tí nào khi máy ảnh Sony của nàng đã hết pin, cái iPhone4 thì camera không đủ tốt và cũng đã sạch pin, còn cái của mình thì chụp suốt mà 2 ngày rồi pin vẫn trơ trơ.

(Thế nên mình có lời khuyên, đừng tham lam mang máy ảnh pro vào hang, trừ khi các bạn có đủ ekip hỗ trợ các bạn việc hắt sáng khắp hang và cả phương án bảo vệ an toàn va đập cho cái máy ảnh của các bạn suốt hành trình nữa. Việc cả đòan phải dừng lại ít nhất 15 phút để setup cho mỗi tấm hình, leo trèo đến các điểm cần thiết để hắt đèn, rồi chia nhau ra đứng bất động vài phút không phải là việc đơn giản. Hãy mang theo một cái iPhone đời mới nhất, thế là đủ, camera của nó chụp thiếu sáng vượt xa mong đợi nhé. Nếu vẫn không đạt yêu cầu, hãy lên google và tìm ảnh có sẵn).

Deb & Ruth cũng chỉ cho mọi người khá nhiều sinh vật đặc hữu của Sơn Đoòng ở đọan hang này, gồm có nhện, dế, cá, côn trùng..., và tất cả đều một màu trắng tinh. Những con cá nhỏ bơi trong các vũng nước nông trong lòng hang bé ti ti, dài chừng 2cm, màu trắng đục và gần như tiệp màu với nền hang nên rất khó phát hiện. Và kỳ dị hơn nữa là chúng hoàn toàn không có mắt.

(Trong môi trường bóng tối vĩnh cửu của hang, thì mọi loài đều gần như không có màu sắc, và cũng chẳng cần đến đôi mắt).

Đáng sợ nhất với mình không phải là chuyện cái đầu nhẵn thín kỳ dị của loài cá nơi đây, mà lại là con Scary Scary Mary (một loài đặc hữu của Sơn Đoòng, chưa được xác định về mặt khoa học, tên nó do các nhân viên Oxalis đặt vui, tạm dịch là ‘Mary ghê rợn’).

Nó giống như bọ cạp, màu nâu như gián, có 8 chân mọc 2 bên thân như rết, nhưng chân dài như chân nhện (toàn những loài đáng sợ). Nó to bằng bàn tay, bò nhanh như nhện, và không hề gây ra tiếng động nào cả. Cứ thử tưởng tượng giữa bóng tối đen đặc, và đèn của bạn thì vừa quét qua một con nhện to như bàn tay bò lướt qua êm ru giữa hai chân mình. Cảm giác thật là ...

15h0, mọi người thôi chụp hình các khối thạch nhũ kỳ lạ và bắt đầu tiến vào khu vực sình lầy dẫn vào Bức Tường Việt Nam.

Byliana quyết định quay về, cô nàng không thích sình lầy, chắc chắn là như vậy. Bamboo tình nguyện đưa nàng 'Đẹp' về lại khu lều (Đẹp là tên do các porter đặt cho Biliana, vì cô nàng khá 'hot', và Bamboo thì cũng đã rất mệt, thế nào anh ấy cũng ngủ ngay lập tức khi về lại khu lều).

Đường vào nửa sau của hang đột ngột thay đổi địa hình. Tại đây, đường đi đột ngột thấp xuống khoảng 2m cao độ so với nửa đầu. Hai vách hang thu hẹp khoảng cách lại. Thạch nhũ ở hai bên vách hang dày đến mức nó tràn ra giữa, giao nhau, và tạo thành hình phễu. Ở giữa là một rãnh nước nhỏ đầy sình, rộng khoảng 30 cm, sình có khi cạn có khi cao đến hơn đầu gối.

(Mình nhìn thấy khá nhiều áo phao, và hai chiếc thuyền cayak để sẵn ở khu vực tiếp giáp. Theo lời Quang porter thì thuyền và áo phao để dành cho mùa mưa khi nước lên, khách sẽ dùng để vào đến đoạn cuối hang theo dòng nước dâng lên).

Cả nhóm bì bõm bò xuống khỏi mép cao của nửa trước, và lội dưới rãnh sình nằm giữa hai vách hang, hai bên tay chống vào hai bức tường thạch nhũ khổng lồ hai bên để giữ thăng bằng. Thỉnh thoảng lại có nhóm rẽ lạc hướng và Deb lại hướng dẫn quay về đúng hướng, vì dòng nuớc sình dưới chân có khi lại chẻ ra nhánh khác.

Cuối đoạn đường sình lầy ấy hiện ra một vách chắn vĩ đại. Mọi nguời tréo lên một bãi sình dẻo quẹo để nghỉ và chụp ảnh. Trước mắt cả đòan chính là Bức Tường Việt Nam, điểm cuối của hang Sơn Đòong.

BTVN thực ra là vách chắn cuối cùng của hang, được thạch nhủ bao phủ khổng lồ bao phủ toàn bộ từ trên đỉnh xuống đến chân, cao hơn 100 m. Trên bức tường có một lỗ nhỏ thoát ra ngoài (cũng giống như lỗ vào của Sơn Đoòng), nằm ở độ cao hơn 80 m từ đáy hang. Có một sợi dây được thả xuống từ lỗ này, và nó treo lơ lửng giữa trời chứ không dựa vào vách đá như sợi dây an toàn ở lỗ vào. Đây cũng chính là cửa ra cuối cùng của Sơn Đoòng.

Theo lời Deb, thì lỗ ra và sợi dây này chỉ được dùng khi tiếp tế các vật dụng cấp cứu hay trong tình huống khẩn cấp, vì lỗ ra này cách đường lộ hơn 500 m (địa hình cực kỳ khó đi), trong khi lối ra khỏi hang duy nhất còn lại cách đó hơn 5 km trong lòng hang và gần 20 km đường rừng nữa.

Khách cũng gần như không thể tiếp cận hang theo lối này, vì địa hình hiểm trở bên ngoài lỗ, và lỗ thì nằm lơ lửng giữa trần hang, hòan tòan không có điểm bám víu để leo xuống.

Bữa tối

Mọi người quay về lại khu vực tập kết sau khi đã bì bõm lội ra theo đúng đường cũ, và không quên dừng lại vũng nước cạn nhỏ dọc đường để giặt sạch sình lầy khỏi giày và tất.

Một điều khá khó khăn của ngày 4 dành cho tất cả mọi người, là sẽ chẳng có giọt nước nào dành cho việc vệ sinh cá nhân, kể cả đánh răng. Thế nên ai cũng tranh thủ giặt giày tại cái vũng bé xíu đó trước khi về lều. Khăn giấy ướt mỗi người mang theo sẽ làm tiếp nhiệm vụ vệ sinh cơ thể sau đó.

18h30, bữa ăn tối bắt đầu, thức ăn khá ngon. Mình tranh thủ học ngay công thức món trứng sốt đậu phộng của anh đầu bếp, vị khá lạ.

Các porter thì tập trung chơi bài tại một góc khác và tiếng cười thì lại dội vào vách hang vang đi vang lại vài lần như ở hang Én, có lẽ đã qua ngày quan trọng nhất của cả hành trình mà không có ai gặp vấn đề trầm trọng nên mọi người cũng khá thư giãn (trong hang, mọi âm thanh đều được tăng cường lên gấp vài lần và vang vọng khắp nơi).

Trong bữa tối, Biliana đã gọi rượu đế chú Thủy mang theo là "happy water" lúc đã ngà ngà say, mình được một trận cười vỡ bụng.

Mình tranh thủ ngủ một giấc ngay sau bữa ăn, người vẫn đầy sình đất và mồ hôi. Bộ đồ sạch cuối cùng còn lại phải để dành cho ngày mai, vì còn đến hai ngày nữa trước khi mọi người về lại với thế giới văn minh.

Mình bật dậy lúc 21h, và mọi người đang chơi bài tại bàn ăn, kể cả 3 cô bạn đạo Hồi đến từ Arab (điều này cũng làm mình khá bất ngờ). Mọi người chúc nhau ngủ ngon lúc 21h30, chỉ còn mình mình ở lại bàn ăn, tận dụng sự yên tĩnh lúc này của hang để viết nhật ký đến hơn 1h, nếu không tranh thủ viết thì những hình ảnh và chi tiết trong đầu sẽ bị giấc ngủ sâu lúc nửa đêm cuốn đi mất hết.

Trong hang về đêm thật lạ, ngay cả tiếng hắt xì của mình trong đêm tối cũng vang đi vọng lại vài lần như tiếng bom nổ. Sau 4 ngày vật lộn với hành trình và cái không khí đầy hơi nuớc lẫn mùi phân dơi trong hang, thì cái xoang mũi mình bắt đầu có vấn đề. Mình hắt hơi liên tục. Ơn trời là mình vẫn còn một cuộn giấy vệ sinh mang theo suốt trong balo để xử lý cái mũi không ngừng chảy nứơc. Tất cả khăn giấy ướt trước đó đã được dùng để lau chùi cơ thể, chùi máy ảnh và đi toilet.

Tiếng 2 cô bạn Arab cố nén tiếng cười mỗi lần mình hắt hơi, hoà với tiếng ngáy như máy nổ của anh chàng Mexico, cả hai trộn vào nhau rồi va đập vào vách đá, cứ như đến một hành tinh khác qua miệng hang rồi vọng đi vọng lại mấy lần và cuối cùng thì vang sâu đến tận cuối hang nơi có rất nhiều các em Scary scary Mary.

Và tin đáng sợ nhất cuối ngày, trong bữa ăn tối, Hannan cho biết có một em Scary Scary Mary rất to định cư ở gần khu vực toilet của khu cắm trại! Đang ngồi thoải mái trên cái xô và em ấy thình lình nhảy xổm ra xuất hiện ngay trứơc mặt thì cảm giác đã phải biết.

 Ảnh: FBNV

Tin nổi bật