Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhật ký 15 ngày "xả đá" của chàng trai Hoà Bình: "Ảm ảnh những tiếng la hét điên loạn"

(DS&PL) -

“Khi nhắc tới những chuỗi ngày đó, tôi không khỏi rùng mình sợ hãi, toàn thân nổi da gà khiếp vía, cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã qua”, anh Đức Vũ trầm ngâm chia sẻ.

“Khi nhắc tới những chuỗi ngày đó, tôi không khỏi rùng mình sợ hãi, toàn thân nổi da gà khiếp vía, cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã qua”, anh Đức Vũ trầm ngâm chia sẻ.

Nỗi ám ảnh mang tên "căn phòng kỳ lạ"

Người nghiện nào bước chân vào Cơ sở cai nghiện số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. HN) cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi nguyên tắc, nội quy ở đây bao gồm các việc như: Tuân thủ đúng liệu trình cai nghiện, tăng gia sản xuất, học nghề, hòa đồng với mọi người...

Ngồi tại phòng chờ, nghe anh Trần Đức Vũ (25 tuổi, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) kể lại quá trình cai nghiện, tôi càng thêm bàng hoàng, xót xa. Qủa thật, phải kiên cường, nỗ lực nhiều những người nghiện ma túy lâu năm mới có thể hồi phục, không bị tái nghiện.

Anh Vũ trước kia làm nghề kinh doanh thời trang online. Anh góp vốn cùng một người chị, làm ăn khấm khá nên tích lũy được một khoản lớn. Tuổi trẻ, anh chơi qua đủ thứ trò như: Đua xe, hít bóng, hít ke, đập đá... Trượt dài trong những cuộc vui suốt 4 năm thì anh bị công an bắt giữ và đưa tới cơ sở để cải tạo.

Anh Trần Đức Vũ chia sẻ về quá trình cai nghiện gian nan, khó nhọc.

Anh đã chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về liệu trình cai nghiện, 15 ngày đầu “xả đá” là khủng khiếp nhất. Đó là chuỗi ký ức kinh hoàng không thể nào quên, ám ảnh tới suốt cuộc đời. 15 ngày với người thường thì thật ngắn ngủi nhưng với những người nghiện thì như dài hằng thế kỷ. 15 ngày chứng minh bản lĩnh, nghị lực, như “tấm bằng” sáng chói trao tặng cho học viên đã dũng cảm vượt qua bản ngã chính mình.

Tùy vào mức độ nghiện mà các cán bộ phân cấp liệu trình phù hợp với mỗi học viên. Tuy nhiên, ai cũng phải chấp hành đủ 15 ngày đầu tiên trong liệu trình, hay còn gọi là “xả đá”. Mỗi phòng có khoảng 10 – 18 học viên. Trong phòng không có bất kỳ đồ đạc nào, không giường chiếu, không tủ kê, không đồ dùng sinh hoạt. Thậm chí, học viên chỉ được đắp lõi chăn không vỏ.

Anh Vũ tâm sự: “Nhiều người thắc mắc về căn phòng kỳ lạ. Các cán bộ phải thực hiện như vậy để đảm bảo an toàn. Nếu để đồ vật trong phòng thì người nghiện sẽ tự gây tổn thương cho cơ thể. Thậm chí, trước kia có người đã dùng vỏ chăn buộc lại, vắt lên xà nhà treo cổ. May mắn cán bộ phát hiện kịp thời, anh ta mới được cứu sống. Khi lên cơn, ai cũng vạ vật, la hét, đập cửa ầm ĩ”.

Tại căn phòng đặc biệt, mỗi ngày, học viên chỉ được ra ngoài hít thở bầu không khí trong nửa tiếng dưới sự giám sát nghiêm ngặt của giáo dưỡng. Các cán bộ kiểm soát chặt bởi nếu học viên trốn thoát ra ngoài sẽ đập phá đồ, gây nguy hại cho mọi người xung quanh. Đồ ăn, nước uống được đưa tới phòng đúng giờ, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Có thể nói căn phòng này như phòng giam tích cực, giúp họ “cắt cơn giải độc” nhanh chóng.

Chiến thắng “tử thần đen”

Trong 15 ngày “xả đá”, người nghiện rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, bất an, đau khổ tột đỉnh. Vì phải ngắt thuốc đột ngột nên sức khỏe sa sút, tiều tụy. Trông ai cũng héo mòn, bơ phờ, không có sức sống. Khó có thể diễn tả được những ngày tháng thống khổ khi cắt cơn.

Anh Vũ bùi ngùi nhớ lại quãng thời gian ấy: “Khi nhắc tới những chuỗi ngày đó, tôi không khỏi rùng mình sợ hãi, toàn thân nổi da gà khiếp vía, cuối cùng thì mọi chuyện đã qua. Một ngày, trung bình tôi lên cơn 2 lần, tôi như biến thành một con thú dữ. Toàn thân co giật, run lên bần bật, cơn sốt ập tới triền miên. Đầu đau như búa bổ, cứ ong ong quay cuồng. Miệng khát khô, cổ họng bỏng rát, nôn ói. Cảm giác như có hàng vạn con côn trùng đang cắn xé, gặm nhấm cơ thể tôi vậy. Thật khó tả cảm giác ấy!”

Khi cai nghiện thành công, anh Vũ còn cùng với các cán bộ cơ sở giúp đỡ những học viên khác cắt cơn.

“Mỗi khi lên cơn, chỉ mong bị đánh ngất lịm đi. Hoặc mong ai đó chích điện để mình bất tỉnh, không biết gì nữa. Có tận cùng khốn khổ mới thấu hiểu được tác hại khủng khiếp của ma túy”, anh Vũ chia sẻ thêm.

Sau ra thoát khỏi "căn phòng kỳ lạ", học viên đã hoàn thành liệu trình cai nghiện khoảng 70%. Cắt được cơn là một thành công lớn, chỉ còn các biểu hiện nhỏ như: Hay buồn ngủ, hay ngáp, mệt mỏi, đau đầu nhẹ... Lúc này, học viên được học nghề, được tham gia lao động sản xuất. Cuối ngày, kết thúc công việc, các học viên sẽ chơi thể thao, xem ti vi, tán chuyện để quên hẳn cảm giác thèm thuốc.

Khi đã cai nghiện thành công, anh Vũ còn phụ giúp cán bộ, hỗ trợ các học viên khác cắt cơn, sớm hòa nhập với mọi người. Nhiều người trìu mến gọi anh là “thầy” bằng tất cả sự quý mến, nể phục, trân trọng.

“Trước khi giúp đỡ ai, tôi sẽ tìm hiểu hoàn cảnh của họ, phân tích tác hại của ma túy. Tôi an ủi, động viên, nói với họ rằng đã vào đây thì phải kiên trì làm lại cuộc đời, đừng bỏ cuộc, hãy nghĩ tới cha mẹ, vợ con ở quê nhà. Tôi đã giúp họ vượt qua tâm trạng nặng nề, áp lực, mặc cảm bản thân”, anh cho biết thêm.

Khuôn viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội rộng hơn 20ha, được phủ bằng màu xanh cây lá. Nhưng trong cảnh yên bình này lại có nhiều số phận chẳng bình yên bởi ma túy gây ra. May mắn họ gặp được những cán bộ có chuyên môn cao, những người tốt như anh Vũ để giúp họ vượt qua bóng tối, sớm làm lại cuộc đời.

Ông Phạm Đình Giang , Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. HN) cho biết: “Học viên Trần Đức Vũ đã cai nghiện thành công. Hiện giờ, Vũ còn hỗ trợ những người khác “cắt cơn giải độc”. Học viên Vũ sống tình cảm, chan hòa, giúp đỡ nhiều người. Thậm chí, Vũ còn hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn một số cán bộ”.

Ứng Hà Chi
 

Tin nổi bật