Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhân viên quán karaoke vướng tín dụng đen mùa Covid

(DS&PL) -

Lộ chuyện là nhân viên phục vụ quán karaoke vì chủ nợ về tận quê truy tìm, anh Nguyễn Văn Mừng bị cha mẹ giận ra mặt. Vì không muốn mất thể diện với xóm giềng, bố mẹ anh Mừng đành thế chấp nhà, vay tiền để trả nợ đậy cho con.

“Sa chân” vào tín dụng đen

Anh Nguyễn Văn Mừng (quê Thanh Hóa, hiện sống ở Hà Nội) đang làm nhân viên quán karaoke ở Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). Thế nhưng mấy năm nay, bố mẹ ở quê chỉ biết anh lên Hà Nội làm nhân viên văn phòng cho một công ty cung cấp thiết bị dạy học. 

Anh Mừng là con một, bố mẹ không muốn anh làm ăn xa nhà nên anh đành nói dối bố mẹ về công việc hiện tại. Anh bảo đây là việc bất đắc dĩ. “Mỗi lần bố mẹ gọi điện chuẩn bị lên thăm, hoặc có việc về quê là tôi lại phải đi nhuộm lại tóc, sắm vài bộ đồ cho giống nhân viên văn phòng”, anh Mừng kể.

Anh Mừng làm nhân viên quán karaoke nhưng nói là nhân viên văn phòng (Ảnh N.H).

Môi trường làm việc khiến anh Mừng thường giao du với nhiều thành phần phức tạp. Dần dần, anh sa đà vào những khoản vay nợ lãi cao. Bởi thế, dù có tiền lương, tiền khách bo, nhưng hầu như tháng nào anh cũng phải xin ứng trước. 

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hà Nội yêu cầu đóng cửa các quán karaoke trên địa bàn, anh Mừng thất nghiệp trong thời gian dài. Dù thất nghiệp nhưng đám bạn ăn chơi vẫn rủ rê, lôi kéo anh chơi bời. Nếu trước đây, anh Mừng chơi trước rồi làm trả nợ sau thì bây giờ không biết làm việc gì, anh vay bạn bè rồi vay tín dụng đen.

“Tôi không có tiền, họ cho vay. Rồi họ giới thiệu tôi đến những chỗ cho vay nọ để trả khoản vay kia. Cứ thế, từ vài triệu, rồi vài chục triệu, đến cả trăm triệu theo lãi, tôi cũng không nhớ chính xác thời điểm vay là như thế nào. Chỉ biết hạn trả nợ đến rất nhanh, tôi không làm sao lo đủ tiền. Họ tìm đến tận nhà trọ khiến tôi phải chuyển đi nơi khác.

Nhưng tôi chuyển đi bao lần cũng không xong, vì họ có địa chỉ trên căn cước công dân. Họ tìm về tận gia đình tôi. Đang trốn ở nhà một người bạn trên Tuyên Quang, tôi thấy bố mẹ gọi điện nói nếu không trả nợ, họ sẽ không để gia đình tôi yên”, anh Mừng kể.

Lộ quá khứ không lành mạnh

Vừa sốc bởi khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”, bố mẹ anh Mừng lại chết lặng khi biết con không làm nhân viên văn phòng như đã nói. Bao chuyện ăn chơi, đua đòi, thói xấu anh Mừng từng dính vào khi làm ở quán karaoke giờ bị chủ nợ “tố cáo” để uy hiếp, đòi tiền. Nếu không trả, họ sẵn sàng bêu riếu về đứa con chơi bời của ông bà khắp làng trên xóm dưới.

Làm việc tại quán hát, anh Mừng có nhiều mối quan hệ xã hội, nhưng cũng vì thế mà lấn sâu vào các khoản nợ tín dụng đen (Ảnh NVCC).

“Ở quê thì không giống như ở Hà Nội, chỉ một chuyện nhỏ xảy ra tối hôm trước thì ngày hôm sau cả làng biết. Bố mẹ tôi cũng là những người nặng tư tưởng, sống vì anh em họ hàng, láng giềng. Thế nên, ông bà không muốn để ai biết về việc tôi nợ nần. Trong mắt họ, tôi luôn là quý tử”, anh Mừng tâm sự.

Vậy là bố mẹ anh Mừng quyết định thế chấp căn nhà đang ở, vay tiền để trả nợ hàng trăm triệu đồng cho con, cũng là để “mua sự bình yên” cho mình. Cả đời làm nông nên việc trả nợ số tiền trăm triệu khiến bố mẹ anh sốc nặng, nhưng vì “con dại cái mang” nên đành chấp nhận.

Khi trả được dứt điểm món nợ tín dụng đen cũng là lúc anh Mừng bị cha mẹ giận ra mặt. “Bố mẹ tôi nói không có đứa con như tôi. Nhưng tôi biết ông bà giận thì nói thế chứ từ con sao đành. Tôi biết mình sai rồi”, anh Mừng nói.

Hiện tại, anh Mừng chưa thể quay lại công việc tại quán karaoke. Anh xin đi làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Thế nhưng do quen cuộc sống tự do, không chịu nổi với giờ giấc ca kíp của công ty, anh lại bỏ việc. “Tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, tôi đang tính về quê, xin lỗi bố mẹ rồi xin đi làm gần nhà để tránh xa con đường cũ”, anh Mừng tâm sự.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

N.H

Tin nổi bật