Đường Tam Tạng là ai?
Tiểu thuyết "Tây du ký" của Ngô Thừa Ân là một pho tiểu thuyết kiệt xuất trong văn học Trung Quốc, dài 100 hồi, chia làm 4 tập. Bộ tiểu thuyết này xoay quanh chủ đề thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh, trên dường đi gặp tới 81 kiếp nạn, nhưng họ đều đã vượt qua.
Thông qua hình thức ảo tưởng thần kỳ và nội dung bắt nguồn từ hiện thực, Tây du ký đã phản ánh đầy đủ, khúc chiết, lý tưởng cao quý và đời sống hiện thực của nhân dân Trung Quốc khi đó.
Những câu chuyện trong "Tây du ký" như "Đại náo thiên cung", "Ba lần đánh Bạch cốt tinh", "Mượn quạt Ba Tiêu"... đều do tác giả hư cấu. Nhân vật Đường Tăng trong tác phẩm đã trở thành một nhân vật thần kỳ, khác xa với thực tế đời thường.
Nhân vật Đường Tăng trong phim Tây Du Ký. Ảnh minh họa
Theo Bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, Đường Huyền Trang hay Đường Tăng, tên thật là Trần Huy (có tài liệu viết là Trần Vĩ), sinhvào khoảng những năm 600 – 602. Ông sống ở thời Tùy – Đường, một trong những giai đoạn đầy biến cố của lịch sử Trung Quốc.
Đường Tăng có hai người anh trai, đều xuất gia, tu tại chùa Tịnh Thổ ở thành Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam - Trung Quốc ngày nay, vì vậy, ông đã sớm được tiếp xúc với Phật giáo. Ông cũng nổi tiếng là thông minh và hiểu biết rất nhiều về kinh phật ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 13 tuổi, Đường Tăng chính thức xuất gia, lấy pháp hiệu là Huyền Trang. Ông đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu kinh phật, đi thăm thú các chùa chiền và đàm đạo với những vị tăng sư đức cao vọng trọng.
Tuy nhiên ông phát hiện các phái giảng giải Kinh Phật không giống nhau, các bản dịch Kinh Phật cũng nhiều chỗ không khớp, hơn nữa còn rất nhiều bản chưa được dịch ra tiếng Hán. Vì lẽ đó, ông quyết tâm "tây du", đi sang Ấn Độ để học tập chân lý của Phật giáo, với ước nguyện đọc được nguyên bản Kinh Phật.
Con đường đi thỉnh kinh gian nan
Theo cuốn Đại Đường tây vực ký do chính Đường Tăng viết, trong cuộc hành trình của mình, Đường Tăng đã đi qua 128 nước lớn nhỏ, vượt hơn 5 vạn dặm đường (khoảng 25.000 km), trải qua muôn vàn khó khăn và nguy hiểm.
Ông đã nhiều lần phải đối mặt với sự đói khát, bệnh tật, giặc cướp và những sa mạc nóng cháy trên cuộc hành trình. Có những lúc ông đã phải nhịn đói khát suốt 7, 8 ngày liên tục, khi một mình băng qua những sa mạc rộng lớn.
Sau khi vượt qua sa mạc, Đường Tăng tới vương quốc Cao Xương. Quốc vương Cao Xương là Khúc Văn Thái, cũng là một tín đồ Phật giáo. Ông đã cử sứ giả đi nghênh đón Đường Tăng.
Đường Tăng đã phải trải qua muôn vàn gian khổ trong suốt cuộc hành trình tìm chân kinh. Ảnh minh họa
Quốc vương của nước Cao Xương đã tỏ ra vô cùng mến mộ và khâm phục nghị lực của Đường Tăng. Ông đã tiếp đãi Đường Tăng vô cùng long trọng, kết bái làm huynh đệ. Quốc vương cũng đề nghị Đường Tăng ở lại nước Cao Xương tu hành, không nên đến Ấn Độ nữa. Đường Tăng dĩ nhiên không chấp nhận. Quốc vương nói: “Nếu ông khăng khăng không chịu ở lại, ta sẽ áp giải ông về Trung Thổ”.
Đường Tăng đã tuyệt thực để phản đối trong hàng chục ngày. Cuối cùng, ý chí kiên định của ông đã làm nhà vua cảm động. Vua Cao Xương để ông ra đi, còn viết một bức thư riêng tới các nước láng giềng, đề nghị đối xử với Đường Tăng thật tử tế.
Sau đó, Đường Tăng tiếp tục cuộc du hành về phía Tây, đi dọc theo con đường phía Bắc núi Thiên Sơn. Ông vượt qua những nơi hiểm trở như cao nguyên Tây Vực, xuyên qua Afghanistan, thung lũng Kashmir (vùng biên giới của Ấn Độ và Pakistan ngày nay).
Theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, trải qua 2 năm gian khổ, Đường Tăng cuối cùng cũng tới được Ấn Độ. Ông đã dành nhiều thời gian thăm viếng những di tích của đạo Phật ở đây.
Ngoài ra, Đường Tăng còn ra sức học chữ Phạn và dành nhiều thời gian nghiên cứu về triết học Phệ Đà từ những học giả Bà La Môn, để có thể hiểu rõ hơn về Phật giáo.
XEM THÊM:Bí ẩn Tử Cấm Thành: Vị hoàng hậu mù lòa được hoàng đế chung tình sủng hạnh dù không có con nối dõi
Đường Tăng sau đó xin trở thành đệ tử của Giới Hiền – vị sư được coi là người đứng đầu của Phật giáo Ấn Độ lúc bấy giờ. Giới Hiền cũng là trụ trì của chùa Na Lạn Đà, ngôi chùa lớn nhất Ấn Độ khi đó, với hơn 3.000 tăng nhân.
Đường Tăng đã dành phần lớn thời gian còn lại tại Ấn Độ để tu tại chùa Na Lạn Đà và học tập theo sư phụ Giới Hiền. Sau 6 năm học tập, Đường Tăng trở thành một trong ba vị đệ tử xuất sắc nhất của vị cao tăng này.
Theo sách khảo cứu Pháp văn, Đường Tăng là một nhà sư có đạo đức và là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học đa tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng. Lúc còn ở Tây Phương, đi đến đâu, thầy cũng nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình từng địa phương.
Trưa ngày 5/2/664, Đường Tăng vì bệnh nặng nên đã viên tịch tại chùa Ngọc Hoa, thọ 69 tuổi. Ngày 14/4 cùng năm, thi hài ông được an táng tại Bạch Lộc Nguyên. Sử chép rằng, ngày cử hành tang lễ có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận theo về để đưa tiễn. Đám tang xong, có đến ba vạn người cất lều cư tang gần mộ phần. Có lẽ từ xưa đến nay đến đế vương cũng chưa có vị nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị thánh tăng có một không hai này.
Nhật Minh (T/h)