Korea Times dẫn thông tin từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông (MOLIT) và lực lượng cứu hỏa cho biết, chiếc máy bay mang số hiệu 2216 của hãng hàng không Jeju Air có khả năng đã gặp trục trặc do chim bị hút vào động cơ trong lúc hạ cánh.
Sự cố này có thể đã làm gián đoạn hệ thống thủy lực điều khiển bánh đáp. Việc không triển khai được cả 3 bánh đáp buộc phi công phải lựa chọn phương án hạ cánh khẩn cấp bằng bụng, dẫn tới vụ tai nạn thương tâm.
“Những tia lửa phát ra từ động cơ là bằng chứng rõ ràng về một vụ va chạm với chim", Giáo sư Kim Kyu-wang của Đại học Hanseo nêu ý kiến. Các nhân chứng cũng nói rằng họ nhìn thấy lửa từ động cơ bên phải của máy bay trong quá trình hạ cánh.
Thế nhưng, hiện tại vẫn còn nhiều câu hỏi về nguyên nhân cả hai động cơ đều hỏng cùng lúc và liệu sự cố này có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thủy lực hay không.
Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường vụ tai nạn máy bay. Ảnh: Korea Times
Trong một cuộc họp báo, Giám đốc Chính sách Hàng không Joo Jong-wan chia sẻ: “Thông thường, hỏng động cơ và hỏng bánh đáp không liên quan trực tiếp đến nhau. Ngay cả khi bánh đáp không tự động bung ra thì vẫn có những cách vận hành thủ công. Nguyên nhân chính xác dẫn đến tai nạn cần được xác định thông qua phân tích thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay”.
Trung tâm Quản lý Tình trạng khẩn cấp Quốc gia cho biết, vụ tai nạn xảy ra chỉ 2 phút sau khi phi công phát tín hiệu Mayday (tín hiệu báo nguy), khiến thời gian để vận hành bánh đáp theo cách thủ công trở nên ít ỏi.
“Phi công có thể đã nhận định rằng cố gắng hạ cánh an toàn hơn là cố gắng giữ thăng bằng trên không mà không có động cơ”, Giáo sư Kim Kwang-il của Đại học Silla nói. Đối mặt với tình huống nguy cấp, phi công đã chọn thực hiện hạ cánh bằng bụng, kéo phần dưới của máy bay dọc theo mặt đất trong động tác cuối cùng.
Hạ cánh bằng bụng thường mất khoảng 20 phút chuẩn bị, ví dụ như dọn đường băng, triển khai bọt để giảm ma sát và dựng lưới. Tuy nhiên, không có thời gian để thực hiện các biện pháp như vậy trong sự cố này.
Các chuyên gia tin rằng đám cháy và khí độc xâm nhập vào cabin đã đẩy nhanh nhu cầu hạ cánh khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc không đốt hết nhiên liệu trước đó có thể làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.
Một chuyên gia về phòng cháy, chữa cháy giải thích: “Hạ cánh bằng bụng tạo ra nhiệt ma sát mạnh, gia tăng nguy cơ hỏa hoạn. Tình hình có thể bớt nghiêm trọng hơn nếu nhiên liệu được xả hết từ trước và ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt”.
Máy bay dường như tiếp đất ở giữa đường băng, thay vì đầu đường băng. Điều đó đã làm giảm khoảng cách phanh khả dụng và khiến máy bay trượt vào tường ngoài của sân bay.
“Hạ cánh bằng bụng đòi hỏi khoảng cách đủ lớn nhưng trong trường hợp này, động lượng của máy bay đã khiến nó đâm vào tường”, Giáo sư Ko Seung-hee ở Đại học Silla cho hay.
Lực lượng cứu hỏa cứu hỏa kiểm tra bên trong chiếc máy bay gặp nạn. Ảnh: Yonhap
Thế giới từng ghi nhận một số trường hợp máy bay hạ cánh bằng bụng nhưng không gây thương vong. Cụ thể, một chuyến bay của Emirates ở Dubai hồi năm 2016 và chuyến bay của Red Air ở Miami vào năm 2022 đều thực hiện hạ cánh bằng bụng thành công mà không có thương vong.
Tại Hàn Quốc, một chuyến bay của hãng hàng không Korean Air đã hạ cánh bằng bụng ở Daegu vào năm 1991 và chỉ ghi nhận thương tích nhẹ.
Một số người đã so sánh vụ tai nạn này với “Phép màu trên sông Hudson”, nơi một chuyến bay của US Airways đã hạ cánh thành công trên sông Hudson tại New York (Mỹ) vào năm 2009. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng không nên so sánh như vậy do hoàn cảnh của từng chuyến bay khác nhau.
“Việc hạ cánh trên mặt nước có những rủi ro riêng, bao gồm đuối nước và lực cản không đồng đều, không đảm bảo chắc chắn việc hạ cánh êm ái. Đây là một sự cố cực kỳ không may, với kịch bản xấu nhất đang xảy ra”, Giáo sư Kim Kwang-il chia sẻ.
Một số suy đoán ban đầu cho rằng chiều dài của đường băng có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, các chuyên gia và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông đã bác bỏ suy đoán này. Được biết, đường băng dài 2.800m ở sân bay quốc tế Muan tương đương với đường bằng ở các sân bay Daegu (2.755m), Gunsan (2.745m), Cheongju (2.744m) và Gimhae (2.743m).
Một vị quan chức thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông cho biết: “Đường băng này từng tiếp nhận những máy bay tương tự trước đây, do đó chiều dài không phải là vấn đề”.