Đằng sau những khoảnh khắc lung linh trên sân khấu Hoa hậu Việt Nam luôn ẩn giấu những câu chuyện hậu trường với đầy đủ những cung bậc cảm xúc chỉ có người trong cuộc mới thấu.
Cơ duyên nào đưa nhà báo Võ Hồng Thu gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam?
Khi về làm việc tại báo Tiền Phong, tôi được giao phụ trách ấn phẩm Người đẹp Việt Nam từ năm 1995. Ít ai biết rằng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng chính là gợi ý để ban biên tập báo thời bấy giờ quyết định cho ra mắt tạp chí Người đẹp Việt Nam. Thế nên, cái duyên gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam như một lẽ bình thường. Suốt 16 năm làm ở vị trí này, tôi đã có cơ hội trải nghiệm 8 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.
Nhà báo Võ Hồng Thu đã có 8 năm gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. |
Gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trong một khoảng thời gian khá dài, hẳn chị có rất nhiều kỷ niệm muốn chia sẻ?
Từ góc độ của mỗi người, sẽ gặp những câu chuyện hậu trường khác nhau. Tôi sẽ không kể ra đây tâm sự của các người đẹp khi họ vướng “bão” dư luận, bởi một khi họ đã tin cậy chia sẻ, thì tôi có nhiệm vụ “im lặng như một nấm mồ”, phải vậy không?
Tuy nhiên, tôi có thể kể ra một câu chuyện cũ nhiều người từng nghe, nhưng bản thân tôi lại được chứng kiến. Đó là năm 2004, khi báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Tuần Châu, Quảng Ninh. Càng gần đêm chung kết, đơn thư nặc danh càng nhiều. Đối tượng của các đơn thư dĩ nhiên nhằm vào hai ứng cử viên sáng giá nhất năm đó là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân.
15h chiều ngay trước đêm chung kết được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, tôi nhận lệnh của ban tổ chức đi lấy “khẩu cung” của Nguyễn Thị Huyền và chị Oanh – nhân viên nhà văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng), có thể coi là người “bảo kê” cho Huyền đến với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004. Tôi có nhiệm vụ lấy ý kiến của hai người trước những thông tin nặc danh khiến ban tổ chức và ban giám khảo phải đau đầu và rất phân vân, bởi vương miện gần như đã tìm thấy chủ.
Khi đó, Nguyễn Thị Huyền bị “tố” rằng đã từng cặp với đại gia, bị vợ của người đàn ông này bắt quả tang và cạo trọc đầu… Tại thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” đó, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam rất cần một lời cam đoan từ phía người đẹp và người bảo lãnh của cô, bởi vào lúc đó không thể kiểm chứng được thông tin.
Tôi vẫn nhớ như in đôi mắt rất đẹp của Huyền lúc đó loang loáng nước. Nhìn cô ấy thật quả quyết khi cầm bút viết những dòng chữ: “Tôi là Nguyễn Thị Huyền,… tôi xin cam đoan những thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm lời cam đoan của mình trước ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004”.
Tôi và ban tổ chức thở phào nhẹ nhõm. Vương miện Hoa hậu Việt Nam 2004 đã không nói dối. Sau cuộc thi, hoàn toàn không có “lời ong tiếng ve” về quá khứ của Nguyễn Thị Huyền nữa.
Những năm trở lại đây, ở nước ta có khá nhiều cuộc thi sắc đẹp được diễn ra. Liệu rằng, điều này có khiến thương hiệu của Hoa hậu Việt Nam bị ảnh hưởng?
Thực tế, ở nước ta hiện nay có nhiều cuộc thi người đẹp lạm dụng danh xưng hoa hậu. Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu Hoa hậu Việt Nam, Nhưng về cơ bản, những khán giả đã gắn bó và theo dõi đường đi nước bước cuộc thi do báo Tiền Phong tổ chức, sẽ nhận thức được đây là cuộc thi truyền thống, có sự nghiêm túc trong khâu tổ chức.
Cho đến giờ, dù khó tránh khỏi những chuyện tai tiếng, nhưng đây vẫn là cuộc thi hoa hậu mang tính chính thống nhất.
Nhà báo Võ Hồng Thu có nhiều ấn tượng với Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. |
Có thể thấy, các hoa hậu sau khi đăng quang đều vướng scandal tai tiếng về đời tư, nhan sắc, thậm chí khi mỗi khi có ồn ào xảy ra, người ta lại thở dài “Hoa hậu – Hậu họa”. Chị nghĩ sao về điều này?
Một phần là do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nên giờ đây những chuyện ồn ào của các người đẹp đôi khi bị đẩy đến mức không thể kiểm soát. Điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm về thời đại mà sự đánh giá, sỉ nhục, ghét bỏ con người thông qua các phương tiện trực tuyến đã và đang trở thành món giải trí công cộng.
Dĩ nhiên, cũng không thể đổ lỗi hết do mạng xã hội. Bởi không một ngọn khói nào không bắt nguồn từ một đám lửa, thậm chí một đốm lửa rất nhỏ. Thiết nghĩ, xã hội kỳ vọng và đặt hơi nhiều gánh nặng lên vai một cô hoa hậu, do đó thất vọng sẽ càng nhiều. Nếu chỉ hiểu đơn giản, hoa hậu là cô gái đẹp nhất được tuyển chọn từ một cuộc thi, thì sẽ đỡ làm tình hình căng thẳng hơn. Dĩ nhiên, khi có danh hiệu thì các cô gái ấy phải sống có trách nhiệm hơn, phải ý thức được cuộc sống của mình không hoàn toàn là của mình nữa.
Tôi không tán thành tiếng thở dài: “Hoa hậu- hậu họa”. Muôn đời con người vẫn luôn hướng tới cái đẹp, cần có những cái đích đẹp để vươn tới, hoặc ít nhất là để thỏa mãn thị giác, cái đó tốt cho cảm xúc con người.
Phản ứng của chị trước câu chuyện hoa hậu, người đẹp Việt luôn là chủ đề soi mói, bới lông tìm vết của dư luận?
Đôi khi tôi nghĩ, cuộc đời này quả là buồn tẻ quá với một số người. Vì vậy, họ không có niềm vui nào hơn là trở thành thánh chém, anh hùng bàn phím… Mà muốn thành thánh, thì chủ đề nói tới phải là đề tài/con người mà nhiều người biết, đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Tâm lý con người nói chung rất thích nghe và sẵn lòng tin vào những tin xấu.
Sau khi tiếp nhận, việc truyền đi những thông tin xấu đó có khi mang lại khoái cảm run rẩy cho họ. Tôi có thể hình dung rất rõ về điều này. Mà khoái cảm thì lây lan nhanh lắm, theo cơ chế lan truyền của virus.
Tôi khẳng định là không bao giờ chấm dứt được sự soi mói của dư luận đối với các hoa hậu. Dư luận làm sao sống thiếu được mồi nhậu.
Có một thực tế, không ít thí sinh đến với cuộc thi nhan sắc với mục đích “tìm cơ hội để thay đổi cuộc đời”, quan điểm của chị về vấn đề này?
Tốt mà. Đó là mơ ước chính đáng của bất cứ ai. Mỗi người tìm cơ hội dựa trên thế mạnh của mình. Xinh đẹp thì tìm đến cuộc thi nhan sắc là chuẩn quá rồi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!