Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng: Chứng nhân của thời khắc lịch sử 30/4/1975

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 48 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).

Vinh dự trong nhóm nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử, nhà báo chiến trường Trần Mai Hưởng - Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã chụp được bức ảnh "Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975".

Bức ảnh sau đó được sử dụng rộng rãi và đã trở thành biểu tượng của ngày toàn thắng. Ông đã chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về những cơ duyên, câu chuyện trong ngày Giải phóng.

Hồi ức về ngày non sông thống nhất

Từ năm 1972, ông Trần Mai Hưởng xung phong vào chiến trường miền Nam, chuyển tải tin tức về cơ quan Thông tấn xã Việt Nam.

Nhà báo Trần Mai Hưởng được trong nhóm phóng viên mũi nhọn gồm: Nhà báo Vũ Tạo (tổ trưởng), nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, nhà nhiếp ảnh Hứa Kiểm, nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành gặp Sư đoàn 304, đi theo xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn 66 bộ binh.

Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. (Ảnh: TTXVN)

Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, ông đã có mặt ở căn cứ Nước Trong và chứng kiến những trận đánh cuối cùng ở đây để giải phóng cứ điểm vòng ngoài, tạo điều kiện tiến vào thành phố. Để đảm bảo cho xe tăng hành tiến thông suốt, các đơn vị tác chiến đã âm thầm bảo vệ các cầu trên xa lộ, cùng với pháo binh yểm trợ chi viện cho mũi thọc sâu.

"Chúng tôi tham gia cùng mũi đột kích ấy. Ngay từ lúc bắt đầu xuất quân, chiều 29/4/1975, từ các cánh rừng cao su, xe tăng chúng ta tập kết và hành quân cùng với lực lượng bộ đội đi xe thiết giáp và các xe vận tải quân sự. Quang cảnh rất hùng vĩ, đoàn quân đi cờ bay trong nắng và khí thế rất hào hùng.

Mọi người đều cảm thấy một điều rất rõ là sắp đến thời khắc giải phóng Sài Gòn, sắp đến giờ phút kết thúc chiến tranh. Đêm 29/4, mọi người ngủ lại bên kia sông Đồng Nai và chờ đến sáng 30/4 tiến qua cầu Xa lộ vào thành phố", ông Hưởng nhớ lại.

Sáng 30/4/1975, trên đường tiến quân vào Sài Gòn vẫn diễn ra những trận đánh cuối cùng và có thương vong. Đó là trận đánh ở Thủ Đức. Khi đánh trên cầu Rạch Chiếc, trên sông Sài Gòn, xe tăng của ta phải hạ hạ thấp nòng để bắn tàu địch đang chạy ra biển. Đã có những chiến sĩ ngã xuống ở các trận đánh ngay cửa ngõ Sài Gòn.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, khi xe com-măng-ca chở nhóm phóng viên mũi nhọn tiến vào gần thành phố, những làn đạn của đối phương vẫn tiếp tục nhả. Chiếc xe chở nhóm phóng viên phải áp sát vào xe tăng để tránh đạn.

Nhưng khi vào đến thành phố là một quang cảnh khác. Người dân hồ hởi ùa ra đường chào đón đoàn quân giải phóng. Họ ôm lấy bộ đội, bắt tay tươi cười và hát.

Giữa trưa 30/4/1975, cánh quân phía Đông của Quân đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 và Sư đoàn 304 là cánh quân đầu tiên tới Dinh Độc Lập. Chiếc xe chở nhóm phóng viên mũi nhọn đã kịp đến Dinh Độc Lập. Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, đây là những phóng viên đầu tiên có mặt ở Dinh.

Vừa vào trong, nhà báo Trần Mai Hưởng và phóng viên nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng mang số hiệu 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2), là chiếc thứ 4 - trong đoàn xe 7 chiếc thuộc đội hình tiến vào cổng chính của Dinh Độc Lập.

Bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Một hình ảnh rất đẹp, mà sau này trong hồi ký "Năm tháng xa xanh", nhà báo Trần Mai Hưởng đã viết: "Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo".

Theo phản xạ của người làm báo, nhà báo Trần Mai Hưởng đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc lịch sử đó. Và đó chính là sự ra đời của bức ảnh "Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975". Sau đó, ông chuyển phim và bài viết ra Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam phát đi và được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi.

Bức ảnh sau này đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân. Dù vậy, ông chia sẻ một cách giản dị: "Thời điểm ấy, tôi thấy đẹp thì chụp thôi. Ai đứng ở vị trí của tôi lúc đó thì đều chụp được bức ảnh như thế. Tôi hoàn toàn cho đó là sự may mắn của số phận".

Nhà báo Trần Mai Hưởng bên cuốn hồi ký "Năm tháng xa xanh".

Cuộc hội ngộ của những nhân chứng lịch sử

Ngay chiều 30/4/1975, cùng một số xe trong đơn vị, xe tăng 846 được lệnh rút khỏi Dinh Độc Lập đi nhận nhiệm vụ khác. Sau đó, xe của đoàn phóng viên cũng không quay lại và không tham gia bất kỳ một hoạt động nào ở khu vực Dinh.

Gần 40 năm sau, các phóng viên trong tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam ngày ấy – nhà nhiếp ảnh Hứa  Kiểm, Đinh Quang Thành, nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà báo Mạnh Hùng (báo Quân đội nhân dân) mới có dịp gặp lại các chiến sĩ trên chiếc xe tăng 846 lịch sử.

"Nước sông công lính", họ như muôn vàn người lính khác, làm xong nhiệm vụ của mình, trở về cuộc sống bình thường. Trong nhiều năm không hề biết rằng chính chiếc xe và hình ảnh của họ có mặt trong một bức ảnh của Thông tấn xã Việt Nam được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho ngày Giải phóng của đất nước.

Phóng viên tổ mũi nhọn của TTXVN, phóng viên Quân đội Nhân dân, các chiến sĩ xe tăng 846 trong buổi gặp mặt ngày 8/3/2015. (Ảnh: TTXVN)

Theo nhà báo Trần Mai Hưởng, sau chiến tranh, những chiến sĩ trên chiếc xe tăng 846 về quê, không ai phát triển lên thành sĩ quan cấp cao hay có vị trí gì đặc biệt.

Họ là những người lao động: Trưởng xe Nguyễn Quang Hòa thì về quê ở La Khê (Hà Đông, Hà Nội) buôn bán kiếm sống; lái xe tăng Trần Bình Yên về quê ở Hà Nam làm kinh tế trang trại. Pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý về Hải Phòng cũng làm nông dân, trở lại đời sống ruộng đồng. Còn anh chiến sĩ đứng trên tháp pháo là Nguyễn Bá Tứ làm nghề lái xe buýt…

Nhà báo Trần Mai Hưởng trầm tư kể: "Những người lính trở về, họ sống cuộc sống bình thường với những lo toan. Vượt lên mọi khó khăn như muôn triệu người lính trở về sau hòa bình. Nghĩa là họ cũng bằng lòng với cuộc sống ấy. Không nghĩ nhiều đến công lao. Bức ảnh như một kỷ niệm trong cuộc đời người lính".

Với nhà báo Trần Mai Hưởng cũng như nhiều đồng nghiệp, những phóng viến chiến trường ngày ấy, ký ức về một thời "hoa lửa" như vẫn còn vẹn nguyên. Với họ, giờ đây, điều may mắn là có sức khỏe để đi và gặp lại những người lính năm xưa, ôn lại những năm tháng xa xanh, ký ức hào hùng đã là một điều hạnh phúc…

Phương Quế - Thủy Tiên

Tin nổi bật