Nhà báo Bông Mai sinh năm 1977 và từng được biết đến là cựu thành viên nhóm nhạc Con gái nổi tiếng một thời. Bên cạnh đó, cô cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại VTV. Đầu năm 2022, nhà báo Bông Mai đã thực hiện hành trình xuyên Việt trong 99 ngày.
Không đơn thuần là một hành trình phượt, chuyến đi này của cô chạm đến những nền văn hóa của từng dân tộc khác nhau trên khắp mọi miền đất nước. Trong câu chuyện được kể lại, Bông Mai mang đến cho khán giả một bức tranh đa sắc màu về văn hóa Việt Nam, với những câu chuyện đặc sắc về người phụ nữ và các em nhỏ. Cùng Tạp chí Đời sống & Pháp luật lắng nghe về câu chuyện của Bông Mai, về bức tranh đa sắc màu sau hành trình xuyên Việt.
- Động lực thôi thúc chuyến đi này từ ban đầu của chị là gì?
Trước đây, tôi đã từng chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng mình có rất nhiều lý do, nhưng trong đó yếu tố chính là xuất phát từ những người phụ nữ. Tôi thấy mọi người có rất nhiều định kiến về phụ nữ khi cho rằng họ không thể làm được điều này, điều nọ vì mang tính trách nhiệm.
Vì thế, tôi đi là để cho mọi người thấy phụ nữ có thể làm được rất nhiều thứ miễn đó là điều họ mong muốn và mang đến hạnh phúc cho họ. Quan điểm cá nhân của tôi là mình có hạnh phúc thì mới cho đi hạnh phúc được.
Một trong những lý do rất cá nhân nữa là tôi cũng là một người phụ nữ, là người mẹ và muốn thực hiện hành trình "cai con". Khi tôi nói ra điều này đều khiến nhiều người rất ngạc nhiên. Người ta thường biết đến việc con cai mẹ chứ làm gì có mẹ cai con. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng mình sống không nên quá phụ thuộc vào mong muốn của con, điều này rất ảnh hưởng đến các cơ hội phát triển của trẻ sau này. Vì thế, tôi muốn mình là người mẹ độc lập và có cuộc sống độc lập với con để không cản trở sự phát triển của chúng. Bên cạnh đó, tôi cũng rất muốn đi để học hỏi, được bồi dưỡng thêm kiến thức trong cuộc sống và đặc biệt về văn hóa Việt Nam.
Nhà báo Bông Mai kể chuyện tại triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ".
- Hành trình 99 ngày xuyên Việt với cảm hứng "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" được chị ấp ủ từ bao giờ?
Tôi nung nấu ý định khoảng 1 năm trước khi chính thức thực hiện chuyến hành trình. Trong 1 năm đó, tôi dành thời gian làm công tác tư tưởng với người thân. Bên cạnh đó, tôi cũng tập trước bằng chuyến đi 17 ngày đến Tây Nguyên, sau đó là đi Đông Bắc, Tây Bắc trong 10 ngày để có thể lái thử xe. Tôi đặc biệt dồn hết tâm huyết vào khoảng tầm 3 tháng trước khi đi để cố gắng tập luyện và đọc, phân tích tài liệu cũng như chuẩn bị các dụng cụ cho chuyến hành trình.
- Tại sao thời điểm của hành trình là đầu năm 2022 – khi dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp – chứ không phải là cuối năm hoặc trước đó?
Ngày mà tôi lên đường là 2/2/2022, trùng vào mùng 2 Tết. Đó là một ngày đẹp, một ngày rất đáng nhớ đối với bản thân tôi. Mọi người nói với tôi là tại sao chọn ngày Tết để đi vì bình thường Tết là ngày để mọi người sum vầy với nhau? Tuy nhiên, tôi lại không có khái niệm sum vầy vì tôi đã làm điều đó trong cả năm chứ không phải là chờ đến Tết mới sum vầy. Tôi dành thời gian cho gia đình trước dịp Tết.
Ngoài ra, chuyến hành trình của tôi bắt đầu cũng rất tình cờ, không có ý định gì liên quan đến dịch COVID-19. Khi tôi vừa ra khỏi Hà Nội thì đúng vào đợt COVID bùng mạnh nhất. Thế nên, tôii nghĩ là có những trải nghiệm mình phải sẵn sàng đi bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào mình đều có thể lên đường được, nếu có gì trục trặc thì mình có thể quay về mà không có vấn đề gì cả. Còn nếu mình ngồi chờ để bao giờ hết COVID, bao giờ mình có tiền, bao giờ mình có thời gian thì tôi sẽ không thể thực hiện được chuyến đi này.
- Câu chuyện về trang phục, con người và văn hóa dân tộc khiến chị nhớ nhất?
Đây là một câu hỏi mà tôi rất khó để trả lời. Khi thực hiện hành trình xuyên Việt, tôi càng đi càng thấy nó quá hấp dẫn. Qua chuyến đi này, tôi thấy Việt Nam có quá nhiều điều hay, bản thân tôi là người Việt Nam mà còn không biết hết văn hóa dân tộc. Tôi sẽ không chọn một bộ trang phục yêu thích nhất trong chuyến đi. Lý do là từ những bộ rất đơn giản của người Tày, người La chí... cách mặc của họ có nhiều sự hấp dẫn chứ không phải xuất phát từ những phụ kiện đính kèm hay cách tạo hình của trang phục. Theo đó, tôi nhận ra là có quá nhiều điều đặc biệt về một bộ trang phục nên tôi không thể chọn ra bộ mình thích nhất.
Tôi cũng có câu trả lời tương tự về văn hóa và con người. Đối với tôi, chuyến đi này đã thu hoạch được những gia sản lớn nhất cho bản thân. Tôi cảm nhận được tình cảm lớn lao của đồng bào, những chiến sĩ biên phòng dành cho mình. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc các chiến sĩ chạy theo xe mình chỉ để tặng những gói me. Các đồng bào cũng tặng tôi những gói bánh chưng chay.
Đó là thứ tình cảm mà Mai nhận thấy rất khó để tìm được ở chốn thành thị, khi mà mọi người phải lo toan về cơm áo gạo tiền. Sau chuyến hành trình này, mình biết được thêm rất nhiều thứ, nhận thấy được tình cảm của nhiều người, những bạn bè dù không đi cùng tôi nhưng đã đồng hành và ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau.
- Tại sao chị lại chọn dừng lại ở con số 99?
Trong trang đầu của cuốn sách tôi dự kiến phát hành năm nay có giải thích về con số 99. Điều này có nghĩa là khi chúng ta đếm đến 99 thì phải quay vòng qua 100, tức là đến một dãy số mới. Tôi cũng muốn nói là hành trình đi xuyên Việt của tôi là 99 ngày và sau này sẽ có rất nhiều những hành trình 99 ngày khác. Ví dụ như triển lãm này là một trong những ngày tiếp theo của hành trình 99 ngày mới của tôi. Vì thế, con số đó chỉ là số đếm với ý nghĩa là kết thúc của một vòng quay để đi đến một vòng quay mới.
- Trong chuyến hành trình 99 ngày xuyên Việt, có thời điểm nào khó khăn mà khiến chị chùn bước muốn dừng lại không?
Tôi có một đặc điểm đó là cuộc đời mình chưa có bất cứ lúc nào, bất cứ đường đi nào mà tôi muốn dừng lại cả. Tôi sẽ đi đến cùng với nó. Nếu có những khó khăn thì đó cũng chỉ là trải nghiệm cho mình, có thêm những bài học để mình biết cách vượt qua. Thật lòng tôi chưa bao giờ có khái niệm muốn dừng lại.
Sau chuyến hành trình này, tôi phát hiện có những thứ mình có thể làm được dù trước đây tôi rất sợ. Trước hành trình xuyên Việt, tôi là người không ăn được hành. Tuy nhiên sau khi sống cùng với đồng bào, tôi nhận ra mình có thể ăn được cả lá đu đủ sống, nó còn hăng hơn, đắng hơn cả hành. Tôi nhận ra là tất cả những khó khăn là do mình tự định kiến với bản thân chứ không có gì là không thể. Khi trải quả thi tôi mới hiểu rằng những điều đó không quá khó như trước đây mình nghĩ. Với tôi, đây là những trải nghiệm rất đáng nhớ.
Rất nhiều người hỏi tại sao tôi tại không nói về khó khăn trong những câu chuyện của mình. Đầu tiên, tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi rất kỹ, từ việc tập luyện và dự báo tình huống để ứng phó. Điều thứ 2 là tôi không muốn nói ra những khó khăn này của mình vì mỗi người có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Với tôi, khó khăn chỉ là thử thách để giúp mình có nhiều bài học.
Nhà báo Bông Mai nói về hành trình 99 ngày xuyên Việt.
- Sau chuyến đi, chị cảm thấy mình có những thay đổi gì?
Trước đây, tôi là người sống khá khép kín, bạn bè thường bảo tôi "hơi tự kỉ". Khi đi nhiều nơi, trải nghiệm xong thì tôi mới biết là mình ngoại giao tốt hơn mình nghĩ rất nhiều. Tôi thấy rằng mình đang gặp và kết nối với những con người không có toan tính gì với nhau, không có những câu hỏi kiểu như "tại sao mình phải giúp người ta?". Tôi hài lòng với gia sản văn hóa tình người, tình cảm của mình với đồng bào và của đồng bào dành cho mình. Sự yêu thương chăm sóc hoàn toàn xuất phát từ trái tim của mỗi người.
- Theo lý giải của chị, thông điệp "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" nghĩa là gì?
Tôi muốn lấy khẩu hiệu của mình là “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”. Dám sống ở đây không phải là sự thách thức mà có nghĩa là mình có dám đương đầu với những khó khăn hay không. Đặc biệt, tôi mong muốn những người phụ nữ quanh mình có những cơ hội để bứt phá. Không phải cứ xách xe đi như tôi mới là dám sống mà mọi người có thể làm bất cứ điều gì mà mình cảm thấy hạnh phúc, làm thay đổi những điêu gì mà lâu nay nó là lối mòn. Dám sống ở đây có nghĩa là dám tin vào những người khác, những người xung quanh và trao yêu thương đó đi.
Ngoài ra, tôi cũng đã làm việc với các bạn trẻ từ năm 2007 tới 2000. Tôi muốn trang bị kiến thức cho các bạn, để các bạn có sự hiểu biết về dân tộc, về đồng bào của mình và tự hào về những gì mình đang có. Có vẻ hơi lớn lao nhưng điều tôi muốn là có thể trao lại trách nhiệm và nghĩa vụ cho các bạn trẻ để gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc, giúp các bạn có thêm góc nhìn mới về văn hóa dân tộc.
Triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" khiến tôi rất bất ngờ khi có tới 70% các bạn trẻ đến xem và hào hứng với chất liệu triển lãm này. Điều mà tôi cảm thấy mừng hơn là đến đây ai cũng thấy mình ở đâu đó trong những câu chuyện tôi kể. Chính vì thế, tôi mới gọi đây không phải là triển lãm mà là nơi để tôi kể lại câu chuyện của mình, gặp những câu chuyện của người khác trong câu chuyện của mình và đó là điều tôi cảm thấy thành công để trao yêu thương tới tất cả mọi người.
- Trong tương lai gần, liệu bản thân chị còn dự định thực hiện tiếp những dự án đột phá tương tự như “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”?
Tôiluôn có kế hoạch 5 năm cho cuộc đời mình và mỗi lần như vậy đều những dự định khác nhau. Tôi thường chia sẻ với bạn bè là năm Mai tròn 50 tuổi tôi sẽ đi vòng quanh thế giới. Nếu có kế hoạch sớm, tôi sẽ tập luyện và chuẩn bị mọi thứ một cách kỹ càng. Hy vọng năm 50 tuổi tôi sẽ thực hiện được chuyến đi này.
- Câu hỏi cuối cùng, thông điệp mà chị muốn gửi thông qua chuyến đi vòng quang thế giới là gì?
Tôi vẫn giữ tinh thần dám sống với cuộc đời của chính mình. Với chuyến đi này, tôi sẽ dùng tên gọi "Từ Thủ đô đến Thủ đô". Theo đó, tôi sẽ mang áo dài Việt Nam đến những Thủ đô trên khắp thế giới. Mai muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về tính mềm mại, mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam khi dám đi khắp nơi trên thế giới như thế.
Rất cảm ơn nhà báo Bông Mai về cuộc trò chuyện chân tình này!
Văn Phong