Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên nhân gây sạt lở đất ở Tây Nguyên

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Những ngày gần đây, các vùng đồi núi ở Tây Nguyên liên tiếp bị sạt lở đất, đá gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

VietNamNet dẫn thông tin từ GS. TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đồi núi ở Tây Nguyên trong thời gian qua. Thứ nhất đó là tình trạng chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm. Thứ hai đó là việc phạt núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý cũng gây sạt lở đất, đá về mùa mưa.

Hiện trường vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc hôm 30/7. Ảnh: Báo Chính phủ

 

GS. TS Vũ Trọng Hồng cho biết, thời điểm còn làm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (cuối những năm 1990), ông đã đưa ra cảnh báo việc phá rừng ở Tây Nguyên để trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Theo ông, rừng trồng chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế và che bóng mát, chứ ít tác dụng ngăn lũ lụt, sạt lở đất, đá.

“Chỉ rừng tự nhiên mới có thảm thực vật dày từ 50cm đến 1m để thấm nước, giữ nước. Mất rừng tự nhiên, đất không thấm nước, điều đó dẫn đến lũ lụt. Nhiều vùng đất yếu dễ bị nước lũ làm nhão ra dẫn đến sạt lở, sụt lún”, GS. TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, những điểm bị sạt lở ở Tây Nguyên phần lớn là không còn rừng nguyên sinh. Thay vào đó là đồi núi trơ trọi hoặc lưa thưa vài cây lấy gỗ, cây ăn quả. Những loại cây này có vòng đời ngắn, dưới gốc chưa kịp hình thành thảm thực vật đã bị chặt hạ. Ông Hồng nhận định, rừng trồng phải mất 50 năm mới khôi phục lại được thảm thực vật để giữ nước.

Theo Báo Chính phủ, PGS.TS Trần Tân Văn - chuyên gia địa chất và là nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, từ năm 2012-2020, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chủ trì thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam".

Đề án đã tiến hành điều tra, đánh giá nhằm xây dựng hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở cho nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lâm Đồng, Đắk Nông. Tuy nhiên, hiện tại đề án này đã dừng, có lẽ là để điều chỉnh lại việc tổ chức thực hiện.

"Về lâu dài, rất nên tiếp tục triển khai đề án này, kết quả của đề án cung cấp cho các địa phương những thông tin hết sức hữu ích về hiện trạng trượt lở, nguy cơ trượt lở cao có thể xảy ra ở đâu... làm cơ sở cho việc xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, lên phương án di dời người dân đến chỗ an toàn", PGS.TS Trần Tân Văn nhận định.

Một giải pháp khác được nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đề cập đến là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng.

Các dự án làm đường thường để xảy ra tình trạng này, vì thế ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc "nhân tạo" cẩn thận, có tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật