Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyễn Đình Tú: Từng hụt hẫng vì "Hương Ga" khác xa tiểu thuyết

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Tác giả Nguyễn Đình Tú chia sẻ rằng khi phim "Hương Ga", có nhiều cảnh rất khác với tiểu thuyết khiến anh có cảm giác hụt hẫng.

(ĐSPL) – Tác giả Nguyễn Đình Tú chia sẻ rằng khi phim "Hương Ga", có nhiều cảnh rất khác với tiểu thuyết khiến anh có cảm giác hụt hẫng. Nhưng sau đó anh nhận ra rằng khi làm phim, ekip sản xuất cũng có sự tính toán riêng, quan trọng là không làm mất đi tinh thần của bản gốc. 

Hương Ga – bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Phiên bản” đã được công chiếu cho truyền thông trong buổi họp báo tối 27/10 tại rạp Galaxy Nguyễn Du (TP.HCM). Nhà văn Nguyễn Đình Tú, tác giả của tiểu thuyết Phiên bản đã đáp chuyến bay từ Hà Nội vào để tham dự. Ngay sau khi xem phim Hương Ga xong, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã có những chia sẻ cùng phóng viên Báo Đời Sống Và Pháp Luật trong cuộc phỏng vấn.

Tác giả tiểu thuyết Phiên bản - Nhà văn Nguyễn Đình Tú (áo đỏ) trong buổi ra mắt "Hương Ga".

Bất ngờ và xúc động

- Sau khi xem xong phim Hương Ga, cảm nhận của anh thế nào?

Lần đầu tiên tôi được xem phim này. Cảm giác của tôi đầu tiên là trước khi xem, tôi rất lo cho những người làm phim khi họ phải dựa theo một cuốn tiểu thuyết, làm sao đưa hết lên màn ảnh được khó như thế. Câu chuyện trong tiểu thuyết kể bằng ngôn ngữ, còn truyện phim kể bằng hình ảnh, nó rất khác nhau. Nhà làm phim có tham vọng đưa tiểu thuyết lên phim rất khó.

Thứ hai, khi xem phim, có nhiều chỗ rất khác với tiểu thuyết, khác với tác phẩm văn học. Lúc đầu tôi có cảm giác hụt hẫng nhưng khi xem xong tôi mới thấy họ có lý và cái quan trọng là vẫn giữ được tinh thần tiểu thuyết dù không giữ được toàn bộ nội dung của tiểu thuyết. Như vậy cũng là điều rất đáng ghi nhận của nhà làm phim.

Cái cảm giác thứ ba của tôi là có một số đoạn mình xem trên phim xúc động nổi da gà, như vậy là phim đã chạm đến cảm xúc của người xem bởi tôi là người hiểu về tiểu thuyết của mình, nghĩ rằng không có gì bất ngờ rồi mà đôi lúc vẫn còn những đoạn làm cho tôi xúc động. Bộ phim này hẳn nó sẽ chạm đến trái tim của nhiều người khác.

Phim có những đoạn nào làm anh xúc động vậy?

Có mấy đoạn làm tôi xúc động như đoạn Hương Ga bị đâm trong thang máy và hỏng đứa con, chi tiết đó có trong tiểu thuyết. Cảnh làm tôi xúc động là Châu (Harry Lu đóng) chết rồi Mỹ (Trang Trần) ôm lấy khóc.

Một trường đoạn nữa là Tùng He-rô (Kim Lý) bị thương về với vợ và bảo không sao đâu, máu anh rất lành; hình ảnh Hương Ga thẫn thờ về (sau khi bị thằng Hưng kéo đến "phục vụ" Tuấn Chợ) gặp lại Hưng bảo “em còn gì đâu mà mất” khiến tôi xúc động nổi gai ốc khi nghe những câu thoại. Phim có những câu thoại xúc động mà tôi không nhớ ra, có thể tôi sẽ xem lại để nhớ kỹ hơn.

- Cảnh Hương Ga chạy về báo tin lấy chồng nhưng bà ngoại đã chết khiến nhiều người xúc động, còn anh?

Có thể nhiều người xúc động nhưng tôi thấy cảnh đó bình thường, bởi vì cái chết ấy nó không nằm trong tiểu thuyết mà tôi viết, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Khi lên phim, có vẻ đạo diễn muốn dừng nhân vật nên cho chết, chứ không phải là một tất nhiên để dẫn đến cái chết đó mà chỉ là ngẫu nhiên già rồi chết. Sự khác ấy không làm tôi xúc động.

- Ngoài sự khác biệt đó, anh thấy từ “Phiên bản” lên phim Hương Ga còn những sự khác biệt nào đáng chú ý, khiến anh bất ngờ?

Tôi bất ngờ nhiều "ô trong truyện mình viết thế này mà, sao lên phim thế kia...". Ví dụ lên phim, người bà chết trước người cháu; xung đột giữ các phe là xung đột ngoài Bắc còn khi vào Nam thì chỉ có xung đột giữa phe Hương Ga và phe “anh Lớn” thôi. Phim rút ngắn thời gian cuộc đời của nhân vật như: con bé Quỳnh chưa kịp lớn lên đến 16 tuổi; nhân vật Tân không tự tử trong thiền viện mà chết trong một trận đánh lộn; nhân vật Châu chết trong phim cũng khác chứ không phải trốn qua biên giới bị giang hồ giết chết… Chi tiết trong phim khác với tiểu thuyết quá làm tôi bất ngờ.

Do tôi chỉ tham gia vào kịch bản ở giai đoạn đầu, sao đó thì những giai đoạn sau, quyết định biện tập lại, chỉnh sửa sau cùng thì tôi không biết, sau đó tôi biết là từ kịch bản, khi dựng phim lại chỉnh sửa tiếp. Họ sửa đến 11 lần và còn sửa nữa nên tôi cũng không thể nhớ họ làm theo kịch bản lần thứ bao nhiêu nữa, tôi không nắm được nên bất ngờ.

- Riêng về “cảnh nóng” trong phim, anh nhận xét sao?

Tôi thấy không có gì đặc biệt. Tôi viết "cảnh nóng" kinh khủng hơn thế nhiều. Dường như tiểu thuyết của tôi rất khó làm phim bởi vì tôi viết cảnh ân ái “rất nóng”, "nóng" kinh hoàng. Phim này thì lấy hành động bù vào. Tôi nghĩ có 1 "cảnh nóng" cũng được nhưng tôi không bất ngờ vì xem trailer rồi.

- Anh nghĩ gì khi những "cảnh nóng" anh viết trong tiểu thuyết rất nhiều nhưng khi lên phim bị cắt bỏ gần hết?

Tôi thấy rất buồn! Khi tôi viết tiểu thuyết thì có hai luồng ý kiến khen và chê, tôi cũng đã phải chịu “búa rìu” dư luận rằng “ông này ông viết tiểu thuyết sex quá”. Tuy nhiên, lên phim cũng tùy vào nhà kiểm duyệt, có thể người ta cắt nhiều hay ít.

Tôi nghĩ, "cảnh nóng" mà đẹp, cần phải nói để liên quan đến câu chuyện phim thì không thể bỏ qua được. Tôi nghĩ có những "cảnh nóng" chẳng cần phải bỏ qua như thế, thậm chí phải dày hơn, ví dụ như cảnh Hương Ga ân ái với Hưng hay Tùng, vì đó mà vợ chồng người ta. Rồi cảnh bị hãm hiếp là nỗi kinh hoàng của Hương Ga, sao lại cắt đi quá nhiều?.

Có điều gì nữa trong phim mà anh tiếc nuối?

Tất nhiên, không có gì là hoàn mỹ cả. Xem xong phim, tôi thấy là giá như có thể làm nhiều hơn về mặt dung lượng, thời gian; giá như có thể làm được nhiều những cảnh chậm lại để nhấn nhá vào sâu thẳm của nhân vật hơn thì sẽ hay hơn.

Thứ nữa là cách kể, đây là cách kể của bộ phim hành động, mà 110 phút thì tôi có cảm giác những người đi xem lần đầu sẽ chưa nhớ hết được tên nhân vật, các phe phái, các băng nhóm, các mối mâu thuẫn và xung đột giữa các nhóm này nhóm kia, nhiều câu thoại chưa nghe hết được... Nhưng nếu xem tới lần 2, lần 3 và nhiều lần nữa thì tôi nghĩ người xem sẽ càng thấy thú vị hơn.

Nếu có thể mong mỏi, tôi mong đôi chỗ chậm lại để người xem hiểu hơn, nên tôi kêu gọi người xem hãy xem nhiều lần hoặc các nhà làm phim làm chậm hơn, như thế sẽ tốt hơn cho bộ phim.

- Khi một tiểu thuyết nổi tiếng được dựng thành phim thì thường là phim khó mà hay hơn được, anh nghĩ sao?

Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường bởi tiểu thuyết của tôi nặng tính văn học hơn còn bộ phim này thì nặng tính giải trí hơn. Cả ekip làm phim và nhà làm phim đều xác định chuyện đó ngay từ đầu và tôi thấu hiểu điều đó nên không đòi hỏi nhiều. Nhìn nhận bộ phim dưới góc độ giải trí thì tôi hài lòng, chứ đọc tiểu thuyết của tôi thì không thể đọc với tâm thế giải trí được. Với bộ phim này thì “anh chị hãy đến xem một bộ phim giải trí về đề tài giang hồ và có những xúc động” như thế là thành công.

Nhân vật lên phim nhiều khác biệt

- Chi tiết hơn về phim Hương Ga, anh nhận xét thế nào về dàn diễn viên thể hiện trong phim?

Thực ra, tiểu thuyết Phiên bản của tôi có tham vọng là vẽ ra một thế giới tội phạm. Tôi tham vọng trình ra hàng mấy chục kiểu tội phạm khác nhau, có đặc điểm riêng như Tính “dao mổ” khác với Tùng “He-rô”, Tùng “He-rô” khác Châu “điên”, Châu “điên” khác Hương Ga… rồi chưa kể đến đám Ông trùm, Lâm “sáu ngón”, Cộc “ba tai”… nhưng lên phim, chỉ 7-8 nhân vật khác nhau là rất khó rồi trong thời lượng 2 tiếng trở lại như thế.

Tôi cho rằng dàn diễn viên này Cường Ngô chọn cũng là hay rồi. Trong quá trình chọn, Cường có tham khảo ý kiến của tôi và tôi cũng gợi ý cho Cường chọn. Tôi thấy dàn diễn viên diễn tốt, chỉ có điều là cái đặc thù của điện ảnh và thời lượng phim không thể đặc tả nhân vật kỹ lưỡng như tiểu thuyết, nên một số nhân vật phải đi lướt qua, như Tính “dao mổ” khá cá tính mà lên phim bị nhạt nhòa đi và nhiều nhân vật khác. Nhưng đây là điều bất khả kháng.

- Riêng nhân vật nữ chính – Hương Ga do Trương Ngọc Ánh thể hiện, anh đánh giá sao?

 Một cảnh trong phim do Trương Ngọc Ánh thủ vai.

Tôi phải công nhận Trương Ngọc Ánh diễn tốt. Tôi đã ghi nhận tài năng của Trương Ngọc Ánh rồi nhưng đến rạp xem phim, tôi thấy có những trường đoạn Trương Ngọc Ánh diễn tốt hơn những gì mà tôi đã tưởng tượng, như đoạn chết trong vòng tay của Nhân, khuôn mặt biểu cảm rất tốt.

Trong phim, Ánh phải diễn bằng khuôn mặt rất nhiều. Tôi cho rằng ánh mắt, cơ mặt của Ánh diễn rất tốt và lột tả được trạng thái cảm xúc của nhân vật Hương Ga. Dù vậy, tôi cho rằng nhân vật Hương Ga của tiểu thuyết được xây dựng dày dặn hơn rất nhiều, nhưng khi lên phim, nó không thể đặc tả suốt một thời gian dài của đời cô này.

Nói chung, tôi hài lòng và có 1 số đoạn rất bất ngờ. Kể cả đoạn Hương Ga ngồi đối thoại với anh Lớn, Ánh diễn rất tốt dù khi làm MC, giọng của Ánh đớt đớt không tốt.

- Với một "bà trùm", người xem vẫn có thể thấy Trương Ngọc Ánh có vẻ mềm yếu và hiền lành hơn so với tưởng tượng…

Cũng rất khó nói bởi vì khi đọc tiểu thuyết, người ta có quyền tưởng tượng, chứ thực ra với đời một con người, một bà trùm hay ông trùm không phải 24/24h người ta làm cướp, làm giang hồ. Ở phim, ý đồ của đoàn phim và đạo diễn muốn khai thác chất nhân văn của cô gái này nhiều hơn. Cho nên, ở chừng mực nào đó nó làm cho chất giang hồ bớt đi.

Thực ra thì tôi nghĩ như thế là hợp lý. Trong tiểu thuyết tôi cũng viết vỏ bọc và sự đồn thổi rất khủng khiếp chứ thực ra Hương Ga không hẳn vậy. Cô chỉ khi làm giang hồ, làm cướp thì người ta mới thực sự ghê gớm.

Trong phim, đạo diễn cũng có tạo hình một số nhân vật giang hồ nhưng rất đẹp. Tôi nghĩ, với điện ảnh thì phải cần như thế, như chúng ta thấy xem phim giang hồ HongKong, Mỹ thì họ rất đẹp và họ hút thuốc lá cũng đẹp, chết cũng đẹp cơ!

- Với hai người đàn ông trong đời Hương Ga là Hưng Mã và Tùng He-rô, anh đánh giá sao?

Còn Tùng He-rô do Kim Lý thể hiện, tôi thấy cũng non so với nhân vật trong tiểu thuyết - gồ ghề hơn, già giặn và phong trần hơn. Kim Lý đẹp và trẻ hơn so với tưởng tượng của tôi.Các nhân vật cũng đã khác với tiểu thuyết nên tôi không thể bàn được. Hưng mã trong tiểu thuyết là người đàn ông lưu manh, vừa tà ma đớn hèn, vừa lắm thứ nhưng trong phim lại móc vào làm tay chân cho Anh lớn.

- Nhân vật Ông trùm được thể hiện là Anh lớn (diễn viên Chi Bảo) trên phim thì sao?

 "Anh lớn" do diễn viên Chi Bảo đóng.

Nó cũng rất khác với tôi tưởng tượng nên cũng không thể so sánh với tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết của tôi thì nhân vật này sần sùi hơn, già hơn, có độ lão luyện về tuổi đời lẫn tuồi nghề giang hồ hơn. Với Chi Bảo, tôi thấy Chi Bảo đẹp và non về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, vì thế đạo diễn cũng thay đổi là “Anh lớn” trên phim chứ không phải là “Ông trùm”.

- Riêng vai Mỹ chột – Trang Khàn đóng anh có hài lòng?

Rất tốt về mặt tạo hình nhưng tôi chỉ góp ý là Trang Khàn diễn hơi bị cường điệu quá, đâm ra mất sự nghiêm túc của nhân vật. Trang diễn sự ngô nghê của một cô gái không có học thức đôi khi bị cường điệu, hài không hẳn ra hài, làm cho người ta cảm thấy hơi giả. Nếu diễn thuần thục, chân thực hơn thì tôi nghĩ sẽ hay hơn.

- Về tổng thể phim cùng những nhân vật, anh đánh giá sao?

Cái này khó mà khách quan để đánh giá. Tôi hài lòng với bộ phim này và cho đó là một hình dung đáng trân trọng của một tiểu thuyết. Có thể sẽ có những hình dung khác của cuốn tiểu thuyết này nữa.

Lên phim, có rất nhiều cái khác tiểu thuyết. Lên phim, rất nhiều cái không làm nổi nhưng phim đã giữ được tinh thần của tiểu thuyết. Điện ảnh kể kiểu khác, không thể tiểu thuyết hóa hình ảnh được và mình phải thông cảm cho họ. Tiểu thuyết của tôi đa thanh lắm, nhưng lên phim thì họ phải kể một tuyến để rành mạch. Cho nên, tôi rất muốn nghe công chúng đánh giá thế nào. Tôi cảm giác, nếu người nào đi xem lần đầu thì sẽ không hiểu bởi nó nhiều nhân vật quá!

Tóm lại, tôi nghĩ nên để những người xem phim phát biểu thì hơn, bởi vì tôi là người viết tiểu thuyết nên sẽ nhìn từ cuốn tiểu thuyết nhìn ra nên rất chủ quan. Thậm chí, người xem và người đọc tiểu thuyết sẽ so sánh thì tốt hơn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Tin nổi bật