Đội QLTT đang tiến hành đối chiếu hóa đơn được cơ sở cung cấp để xác minh nguồn gốc nhập khẩu.
Thu hàng tấn nguyên liệu trà sữa thương hiệu Gongcha, Royal tea bẩn
Chiều 24/6, đội Quản lý thị trường số 17 thuộc cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội chủ trì kiểm tra một cơ sở kinh doanh và 3 kho cất giấu hàng hoá thuộc công ty TNHH Mr. Drink Việt Nam. Công ty này có trụ sở chính tại tầng 1 căn nhà V1-A03 thuộc dự án The Terra An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Cơ sở do ông Nguyễn Hữu Toàn làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt. Nhân viên tại cơ sở đã xuất trình được một số giấy tờ trong đó có giấy đăng ký kinh doanh, tờ khai hải quan và một số hoá đơn chứng từ của một vài chủng loại sản phẩm.
Hàng hoá tại cơ sở chủ yếu là nguyên liệu chế biến đồ uống, đặc biệt là nguyên liệu chế biến trà sữa như chân trâu; siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal tea, Gongcha... cùng hàng trăm ngàn nhãn phụ hàng hoá. Đây đều là những sản phẩm được giới trẻ ưu chuộng.
Theo quan sát, hàng hoá tại cơ sở kinh doanh và 3 kho hàng được đóng trong các thùng các tông và bao tải dứa màu xanh. Nhiều thùng hàng đã bị bật tung, ẩm mốc, hàng đổ vương vãi. Đáng chú ý, dưới nền các kho hàng là ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.
Đoàn kiểm tra cho biết, hàng hoá tại đây có dấu hiệu kinh doanh hàng hoá nhập lậu và gian lận thương mại. Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Đội trưởng đội QLTT số 17, hàng hoá tại cơ sở này chủ yếu được tiêu thụ thông qua nền tảng thương mại điện tử, giao hàng tận nơi. Chủ cơ sở này rất nhiều lần né tránh kiểm tra của lực lượng chức năng. "Chủ cơ sở này rất tinh vi trong sai phạm, để lẫn hàng hoá có giấy tờ và không giấy tờ với nhau, gây khó khăn trong công tác kiểm đếm, kiểm soát", ông Hà thông tin.
Cũng theo ông Hà, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ, các hành vi vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại cũng giảm dần.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, số vụ vi phạm tăng lên, phương thức vi phạm cũng tinh vi hơn rất nhiều. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cục QLTT Hà Nội, đội QLTT số 17 đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Hiện, Đội đang tiếp tục phân loại sản phẩm, kiểm đếm hàng hóa, đối chiếu với các hóa đơn chứng từ xuất trình để làm rõ các vi phạm. Ước tính, số lượng hàng hóa vi phạm lên đến hàng tấn sản phẩm. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra và làm rõ.
Tiềm ẩn mối lo về sức khỏe
Thời gian qua, các lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ hàng loạt các vụ việc vi phạm kinh doanh buôn bán nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc, điều này đã dấy lên hồi chuông đáng báo động về trà sữa.
Trong địa điểm chứa trữ sản phẩm có nhiều loại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, đội 4, phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội) phối hợp với đội Quản lý thị trường số 17 (cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra kho hàng tập kết các nguyên liệu pha chế trà sữa tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ hơn 1.000 mặt hàng nguyên liệu phụ gia thực phẩm, gồm: Bột trà sữa, trà xanh, nước siro, nước hoa quả... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Số hàng hóa nguyên liệu này không được bảo quản đúng quy định, vứt tràn lan xuống sàn nhà, thậm chí khu vực nhà vệ sinh của kho cũng được tận dụng làm nơi cất trữ.
Theo cán bộ phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội), các đối tượng kinh doanh nguyên liệu trà sữa, đồ uống không rõ nguồn gốc thường chọn những địa điểm kho bãi ở trong ngõ ngách vắng người gây khó khăn cho công tác trinh sát, điều tra. Hiện nay, chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe, tuy nhiên vì lợi nhuận cao nên các đối tượng đã bất chấp, vi phạm pháp luật để kinh doanh.
Không chỉ tại Hà Nội, ở các địa phương khác, đặc biệt là các TP lớn như Lạng Sơn, Hải Phòng, TP.HCM thời gian gần đây liên tiếp những lô nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc cũng bị phát hiện và thu giữ.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, ngoài những thương hiệu trà sữa có uy tín thì một số cửa hàng bán lẻ trà sữa sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, trên những túi bột sữa, bột trà thường không ghi nhãn mác, hạn sử dụng hay thông tin về nhà sản xuất... điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của người sử dụng chúng. Việc sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền khiến các cửa hàng bán trà sữa thu được nhiều lợi nhuận nhưng khi uống trà sữa không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài, hoá chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể và gây bệnh cho người dùng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trà sữa mà chúng ta hay uống có thành phần chính là kem béo pha lẫn bột trà cùng các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu... Sữa trong trà nếu so sánh với sữa thật thì bị thiếu canxi, vita- min B, A, D, protein... Không những thế, trà sữa trân châu còn chứa một lượng lớn đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa rất không tốt cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ở một số cửa hàng, trà trong trà sữa thực chất là tinh trà. Đây không phải là trà tự nhiên mà là một loại trà tinh chế tổng hợp cùng với bột màu, khi uống không khác gì so với trà tự nhiên nhưng tinh trà thuộc thành phần chất tổng hợp hóa học.
Một chuyên gia khuyến cáo, nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn thì cơ bản không gây nguy hiểm gì. Nhưng nếu thêm vào đó chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều trà sữa trong thời gian dài sẽ gây tổn thương cho chức năng của gan, thận bởi lẽ sau khi tinh trà đi vào cơ thể phải cần gan và thận trao đổi bài tiết, gây thêm gánh nặng cho hai bộ phận này để lọc hết các thành phần hóa học tổng hợp. Ngoài ra, các loại chất hóa học trong trà sữa còn gây nguy cơ vô sinh ở nam giới, kinh nguyệt không đều ở nữ giới, sinh trẻ bị dị tật bẩm sinh, béo phì, thiếu sắt, ngộ độc...
Thu Huyền - Minh Vy
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (26)