Ngày 8/9 (giờ địa phương), Thái tử Charles đã lên ngôi Vua sau khi mẹ ông là Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, đảm nhận sứ mệnh đã được đặt lên vai ông từ khi lên 3. Phu nhân của ông, Công nương Camila, cũng sẽ lên ngôi, trở thành Hoàng hậu Anh.
Vua Charles III sinh ngày 14/11/1948, tại Cung điện Buckingham. Thời điểm ấy, nước Anh đang chật vật tìm cách khôi phục sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đường phố ở London vẫn còn chịu nhiều sự tàn phá và người dân đối mặt với khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Nhưng ở trong cung điện, vị hoàng tử mới sinh đã bước vào một thế giới song song với cả những đặc quyền và trọng trách nặng nề.
Thái tử Charles đã lập tức lên ngai vàng sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Ảnh: NBC
Lên ngôi ở tuổi 73, Vua Charles III là người thừa kế lớn tuổi nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Giờ đây, Vua Charles III sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia của các nước thuộc khối Thịnh vượng chung, một nhóm gồm 54 quốc gia hậu thuộc địa và dân số khoảng 2,4 tỷ người, bao gồm cả Canada và Úc. Tuy nhiên, sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II được dự đoán sẽ gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi ở các nước vùng Caribbean về việc tách ra và không còn coi người đứng đầu Hoàng gia Anh là nguyên thủ quốc gia của họ.
Vua Charles III lên ngôi trong giai đoạn không chỉ Vương quốc Anh gặp khủng hoảng mà bản thân Hoàng gia Anh cũng đang vướng phải nhiều ồn ào, tranh cãi. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi về bản thân Vua Charles III, về khả năng lãnh đạo gia đình hoàng tộc của ông sau khi triều đại ổn định, được người Anh yêu mến của mẹ ông kết thúc.
Theo những người ủng hộ, vị vua mới của Anh là một người nỗ lực và chăm chỉ nhất của hoàng gia. Ông là một người luôn vận động không ngừng nghỉ cho các hoạt động từ thiện, luôn đấu tranh cho chủ nghĩa bảo tồn từ rất lâu trước khi những vấn đề đó trở thành "tâm điểm" bàn luận.
Dù vậy, trong khi Nữ hoàng Elizabeth II nhận được 75% ủng hộ thì Vua Charles III chỉ nhận được khoảng 42% ủng hộ và 24% phản đối từ người dân Anh. Nhiều chuyên gia nhận định, một phần nguyên nhân của tỷ lệ này có liên quan tới cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa ông và cố Công nương Diana, cũng như cách phản ứng của hoàng gia với cái chết của bà vào năm 1997.
Anh là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, rất khác với kiểu chế độ quân chủ tuyệt đối sử dụng quyền lực chính trị hoàn toàn như Ả Rập Xê Út hay các quốc gia vùng Vịnh khác.
Có nghĩa là, quốc vương sẽ đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia của Anh nhưng không có quyền lực chính trị trực tiếp. Họ bổ nhiệm các chính phủ, mở lại Quốc hội sau giờ giải lao và thông qua các luật mới. Nhưng đây chủ yếu chỉ là các nhiệm vụ về mặt nghi thức. Đến thời điểm hiện tại, các quốc vương Anh không trực tiếp can thiệp vào hoạt động chính trị bởi nếu họ làm vậy, sẽ có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng.
Được biết, vua hoặc nữ hoàng Anh sẽ có cuộc gặp hàng tuần với thủ tướng đát nước. Như nhà nghiên cứu nổi tiếng thế kỷ 19 Walter Bagehot đã viết vào năm 1867, quốc vương Anh có "ba quyền - quyền được tư vấn, quyền khuyến khích, quyền cảnh báo".
Theo đó, Vua Charles III từng cho biết ông sẽ có một cách tiếp cận hoàn toàn khác trên tư cách quốc vương so với thời còn là thái tử. Trong cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2018, ông từng bác bỏ ý tưởng rằng ông sẽ công khai quan điểm chính trị. Ông khẳng định sẽ làm việc trong khuôn khổ những gì hiến pháp đã quy định.
Vua Charles III cũng không thiếu người ủng hộ. Trong đó, nhiều người đánh giá cao những nỗ lực của ông trong một chiến dịch hàng thập kỷ về vấn đề môi trường.
Ngoài ra, khi rời Hải quân Hoàng gia vào năm 1976, ông đã sử dụng khoản lương hưu 7.000 bảng Anh (khoảng 8.500 USD) của mình để thành lập quỹ Prince's Trust, nhằm mục đích "giúp những người trẻ dễ bị tổn thương lấy lại cuộc sống của họ". Đây là tổ chức đầu tiên trong số hơn 20 tổ chức từ thiện được thành lập bởi ông, bao gồm cả Quỹ của Hoàng tử và Trường Nghệ thuật Truyền thống của Hoàng tử.
Vua Charles III chưa nhận được nhiều sự ủng hộ như mẹ ông. Ảnh: NBC
Trong những năm cuối đời của Nữ hoàng Elizabeth II, Vua Charles III đã đảm nhận nhiều hơn các trọng trách và công việc. Dù vậy, ông lại gặp khó khăn trong việc để lại một ấn tượng tốt với công chúng như cách mẹ mình đã làm. Điều này đã khiến giới quân chủ Anh cảm thấy khá bất an.
Nữ hoàng Elizabeth II đã trị vì lâu đến mức theo nhiều cách khác nhau, bà phần nào định hình nước Anh, một quốc gia hùng mạnh một thời nay đã suy tàn và đang xây dựng lại vị trí của mình trên thế giới. Tương lai của Hoàng gia Anh khi không có bà được đánh giá là sẽ thật khó khăn.
Daisy McAndrew, một nhà bình luận hoàng gia, từng đặt câu hỏi trước khi nữ hoàng qua đời: "Việc nữ hoàng không còn sẽ kéo theo một loạt câu hỏi lớn: Chúng ta là ai? Chúng ta ủng hộ điều gì? Nước Anh hiện đại là gì? Chúng ta đang muốn gì hiện nay? Liệu chúng ta có muốn Vua Charles? Chúng ta có tiếp tục muốn một chế độ quân chủ không?".
Minh Hạnh (Theo NBC)