Theo thông tin trên báo Hà Nội mới, ngày 8/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tổn thương ban đầu của bệnh nhân P. chỉ là một nốt nhỏ không đau, không ngứa. Vì vậy, bệnh nhân tự theo dõi tại nhà.
Sau đó, bệnh nhân đi khám và được chích như u lành tính. Tuy nhiên, vết mổ không lành, xuất hiện thêm hai nốt đen mới. Bệnh nhân tiếp tục điều trị tại một cơ sở khác nhưng tổn thương vẫn lan rộng.
Thấy không cải thiện, bệnh nhân ngưng điều trị y tế và chuyển sang tự chữa bằng cách đốt điện và dùng thuốc không rõ nguồn gốc trong hơn một tháng. Hậu quả là vết thương lan rộng, loét sâu, sưng tấy và đau đớn khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Báo Lao Động.
Chỉ khi gan bàn chân bị tổn thương gần như toàn bộ, bệnh nhân mới đến khám tại cơ sở chuyên khoa da liễu và được sinh thiết xác định, mắc ung thư hắc tố da (melanoma) - một dạng ung thư da tiến triển nhanh, dễ di căn và rất nguy hiểm. Tiếp đến, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Tại đây, các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã can thiệp kịp thời bằng kỹ thuật tạo hình vạt ngược dòng gan chân giúp bệnh nhân không chỉ giữ được bàn chân mà còn bảo toàn khả năng đi lại.
Báo Lao Động dẫn lời TS.BS Dương Mạnh Chiến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Ung thư hắc tố có thể khởi phát âm thầm như nốt ruồi, nhưng tiến triển rất nhanh và nguy hiểm. Nếu không cắt bỏ kịp thời, tế bào ung thư có thể lan ra các cơ quan khác, như hạch, phổi, gan, thậm chí não.”
Bác sĩ Chiến nhấn mạnh, melanoma không giống như các loại ung thư khác vì không đáp ứng với hóa trị hay xạ trị. Phẫu thuật cắt bỏ triệt để ngay từ đầu là yếu tố sống còn. Việc trì hoãn điều trị hoặc tự ý điều trị có thể khiến ung thư lan rộng và di căn nhanh chóng.
Để nhận biết sớm, nếu phát hiện nốt ruồi bất thường, người dân nên nghĩ ngay đến melanoma và đi khám bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý chọc, sinh thiết hoặc cắt bỏ khi chưa loại trừ melanoma, vì những hành động này có thể kích thích tế bào ung thư di căn.