Gánh nặng trên vai người đàn bà bất hạnh
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1967, ngụ đường Dương Công Khi, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM), hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt là một người phụ nữ nhỏ thó, với khuôn mặt khắc khổ vì cuộc sống mưu sinh. Gánh nặng đang đè nặng trên vai người phụ nữ bất hạnh ấy, khi hằng ngày chị phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia để kiếm từng bữa ăn nuôi 6 đứa nhỏ mồ côi và mẹ già bệnh tật đang ở Cà Mau.
Chị Hương (thứ nhất từ trái sang ) và các cháu chuẩn bị bữa cơm chiều đạm bạc. (Ảnh Đ.V.) |
Vốn sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em tại Huế, cuộc sống cơ cực đeo bám chị Hương từ nhỏ. Vì hoàn cảnh quá khó khăn nên bố mẹ chị phải bỏ quê hương, đưa cả gia đình vào Cà Mau để mưu sinh. Năm 1987, được họ hàng làm mai giới thiệu, chị lập gia đình với một người đàn ông kém mình bốn tuổi, làm nghề đánh cá tại Cà Mau.
Năm 1988, chị sinh đôi hai đứa con gái. Mấy năm sau đó chị sinh thêm con gái thứ ba. Nhưng số phận thật trớ trêu, năm 1990, anh Phạm Văn E (chồng chị) đi đánh cá ngoài biển rồi bị lũ cuốn trôi. Đến giờ, nghĩ lại cái chết của chồng, lòng chị vẫn quặn thắt. Chỉ vì cái nghèo, cái đói, sợ các con không có cái ăn nên dù trời mưa bão, chồng chị vẫn ra sông kiếm cá, để rồi đêm ấy, người đàn ông trụ cột trong gia đình đã bỏ vợ và các con ra đi mãi mãi.
Chôn cất chồng chưa được bao lâu, hai đứa con song sinh của chị chẳng hiểu vì nguyên nhân gì bỗng dưng biếng ăn, hay bị sùi bọt mép rồi lần lượt qua đời. Chưa dừng lại ở đó, trong một lần đi làm về gặp trời mưa to, em trai của chị là Nguyễn Văn Phúng (SN 1974) bị tai nạn rồi qua đời. Mất chồng, người em dâu của chị đã phát bệnh tâm thần, bỏ đi khắp nơi. Vợ chồng người em này để lại cho chị Hương 6 đứa con nheo nhóc. Thương cháu mồ côi, chị đã một tay bao bọc các cháu, làm việc quần quật suốt ngày, sao cho bọn trẻ có được bữa cơm.
Sau sự ra đi của người em trai, chị lại gánh chịu thêm nỗi đau xé lòng khi con gái thứ ba qua đời vì tai nạn giao thông. Khi đứa con gái cuối cùng vừa mất, chị vật vờ như chiếc bóng không hồn. Nhưng vì thương mẹ già và đàn cháu khờ dại không nơi nương tựa, chị giấu nỗi đau của mình để tiếp tục chống chọi với số phận. Món nợ mấy chục triệu đồng làm đám tang cho em trai, lãi mẹ đẻ lãi con luôn đeo bám chị, không biết đến khi nào mới hết.
Bán máu nuôi mẹ và cháu
Nhìn chị Hương nhỏ thó, nhưng vẫn làm việc quần quật suốt ngày, từ giặt đồ, rửa chén, làm hồ nhưng vẫn không đủ bữa cơm. Nhiều khi quá túng quẫn, chị còn phải chấp nhận đi bán máu, lấy tiền mua gạo nuôi đàn cháu nhỏ và mẹ già đang nằm viện. Năm 2009, chị quyết định dắt díu người mẹ già là Nguyễn Thị Nhẫn (80 tuổi) và đàn cháu nhỏ lên TP.HCM mưu sinh. Không nơi nương tựa, một mình chị gồng gánh, lo toan chạy ăn từng bữa cho tám miệng ăn mỗi ngày. Chứng kiến cảnh mấy cô cháu họ ăn cơm, nhiều người không cầm được nước mắt. Bữa ăn sang nhất với họ chỉ là nước tương và cơm trắng.
Căn phòng trọ chị thuê chưa đầy 10m2 với giá 800.000 đồng/tháng, hôm nào trời mưa thì nước ngập, trời nắng thì nóng không chịu nổi. Cả cuộc đời chị là chuỗi tháng ngày vất vả, chưa một ngày được thảnh thơi. Túng quẫn vì miếng ăn của sáu đứa cháu, giờ đây trên vai chị lại thêm gánh nặng bệnh tật của người mẹ già đang nằm cấp cứu tại bệnh viện Cà Mau. Không thể bỏ việc về với mẹ, chị Hương giao trách nhiệm này cho hai đứa cháu là Nguyễn Thị Hồng (14 tuổi) và Nguyễn Văn Thanh (13 tuổi bị bệnh tâm thần - PV) chăm sóc bà nội.
Vì nghèo quá, không đủ cơm cho đàn cháu ăn, được người ta giới thiệu nên chị phải gửi tạm hai đứa cháu nhỏ Nguyễn Thị Trà My (6 tuổi) và Nguyễn Tiến (7 tuổi) vào làng trẻ SOS ở quận Gò Vấp. Mấy ngày nay do bà nội bị bệnh, Hồng và Thanh về Cà Mau chăm sóc bà nên My và Tiến xin về ở cùng chị Hương một vài ngày. Trong số sáu đứa nhỏ, chỉ duy nhất bé Nguyễn Văn Bình (12 tuổi) là có sức khỏe hơn những cháu còn lại. Nhận thấy hoàn cảnh quá khó khăn, nên hàng ngày ngoài thời gian đến lớp học tình thương, em lại đi nhặt ve chai, bán vé số để lấy tiền giúp cô mua gạo. Cuối tuần, em ra quán cơm gần nhà xin phục vụ để được ăn cơm miễn phí. Năm người còn lại, em thì mắc bệnh gan, em thì bị tâm thần do bị sốc nặng từ khi thấy cha chết.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Bình nói: "Em chỉ muốn được đi học như bạn bè để sau này làm công an, bảo vệ giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân. Em muốn có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình mình, nhưng điều đó thật khó khăn. Giờ em chỉ muốn làm sao để có tiền trả nợ cho cô, rồi sau đó có một căn nhà nhỏ mấy cô cháu cùng ở là được rồi. Nếu sau này em thành công, em sẽ xây dựng một trung tâm tình thương nhân đạo để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh khác trên xã hội này".
Còn em Nguyễn Thị Hồng Thu (15 tuổi) cũng có những ước mơ cho riêng mình: "Em chỉ mong sao cô Hương trả hết số nợ, rồi sau đó có một căn nhà nhỏ để mấy cô cháu ở qua ngày. Bên cạnh đó, em cũng muốn có một chiếc ti vi để theo dõi thời sự hàng ngày. Giờ em chỉ mong sao chữa khỏi bệnh gan sau đó xin được một công việc làm thợ hớt tóc để có thêm thu nhập phụ giúp cùng cô hai".
Nhìn thấy đôi tay gầy trơ xương, với những vết kim đâm khắp trên cơ thể, chúng tôi thấy tò mò. Khi hỏi ra mới biết, những vết kim đó là kết quả của nhiều lần chị Hương đi bán máu. Mỗi tháng chị bán năm xị (một xị tương đương 250ml), bán được đồng nào thì chị mang đi trả nợ và lo cho mấy đứa cháu. Thật khó tin và ngưỡng mộ, bởi một người đàn bà đã hơn 40 tuổi mà chỉ nặng có 25kg. Nhưng bất chấp tất cả, chị vẫn nhiều lần đi bán máu để có tiền trang trải thêm cuộc sống cho mẹ và đàn cháu. Mấy tháng nay, vì sức khỏe đã quá yếu không còn đi lại nhiều như trước kia, nên chị Hương đã dừng việc bán máu của mình.
Anh Nguyễn Văn Thành (42 tuổi) chủ khu nhà trọ cho biết: "Chị Hương và các cháu ở đây sống rất chân tình với mọi người, vì thế được hàng xóm thương yêu. Giờ về khu ấp 4 này, chỉ cần hỏi nhà chị Hương 25kg ở đâu là ai cũng biết. Lúc trước khi họ mới tới, thấy hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã hỗ trợ sáu tháng không lấy tiền nhà trọ, bên cạnh đó là cho nồi niêu, xoong chảo, bếp ga để cô cháu họ nấu ăn. Nhiều hôm thấy họ không có gì ăn, tôi và một vài người xung quanh có đồ ăn cũng mang qua san sẻ cùng cô cháu họ".
Đang vận động giúp đỡ nhiều hơn Ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ấp 4, xã Xuân Thới Sơn cho biết: "Chị Hương là người ở nơi khác tới đây ở trọ để mưu sinh, nhưng việc làm của chị ấy là đi bán máu nuôi mẹ và đàn cháu mồ côi khiến rất nhiều người cảm động đến rơi nước mắt. Đại diện ấp cũng nhiều lần tới động viên, tặng quà và hỏi thăm sức khỏe chị ấy. Chúng tôi sẽ vận động hội Chữ thập đỏ thành phố, để có phần quan tâm tới cuộc sống của mấy cô cháu họ được chu đáo hơn". |