Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

200 nghìn đồng và bước ngoặt cay đắng của người phụ nữ tuổi Dần

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Vì món lợi 200 nghìn đồng trước mặt, người phụ nữ tuổi Dần này đã nhận lời vận chuyển đồ mà không biết rằng đó là ma túy và cuộc đời sẽ bị rẽ sang trang khác.

(ĐSPL) - Người  Việt thường truyền tai nhau câu nói về phụ nữ tuổi Dần: “Tuổi Dần nghe nói  số sát phu/ Ai yêu, không tử cũng vô tù…”. Nhưng chưa bao giờ chị tin vào điều đó, chị cho rằng, những thử thách, biến cố trong cuộc đời ngẫm ra cũng do mình, do tính cách của bản thân tạo nên là chủ yếu.

Con người ta hơn nhau ở chỗ, khi vấp ngã sẽ ứng xử như thế nào? Có người buồn chán, thất vọng, có người tránh né nhưng riêng với chị “vấp ngã ở đâu, ta sẽ vươn lên từ đó”…

Người chúng tôi đang muốn nói tới là chị Nguyễn Lệ Thanh, Hiệu trưởng trường Mầm non Tư thục Lệ Thanh – Tổ 6 – Phường Đồng Quang – TP. Thái Nguyên - người từng là “chị cả” trong trại giam Phú Sơn một thời.

Mất tất cả chỉ vì 200 nghìn đồng

Ấn tượng đầu tiên  về chị là người phụ nữ trung niên có khuôn mặt chữ điền,  giọng nói hào sảng. Trên tay chị là một đứa trẻ chừng 2-3 tuổi, đang ăn vạ ngặt nghẽo. Vừa gặp, chị đã nở nụ cười phân bua: “Nhóc này mới đi lớp được mấy hôm, nó bám bà (chị Thanh – PV ) không chịu rời nửa bước, cứ rời ra là khóc nên chị phải bế nó ngủ cả trưa đấy, để một vài hôm quen lớp thì mới tách ra được”. Nhìn cậu bé chun mũi cười khi được nựng yêu, tôi bất giác cũng mỉm cười.

Nhấp một ngụm nước trà mạn, vị đắng, nồng ấm cứ thấm dần từ miệng xuống cổ họng cộng với hương trà dâng lên mũi, làm cả quãng đường mệt nhoài hơn 80km từ Hà Nội đến Thái Nguyên của tôi như tan biến.

Năm 1979, cô gái trẻ Nguyễn Lệ Thanh tốt nghiệp trường Sư phạm mầm non Thái Nguyên, bước ra trường đời,  Thanh có một quyết tâm là sẽ làm giàu bằng chính đôi tay của mình, bằng chính cái nghề dạy trẻ mà chị đã 4 năm đèn sách. Ngày 1/5/1980, chị Thanh được bổ nhiệm làm giáo viên dạy mầm non tại một trường trong nhà máy giấy ở địa phương.

Bằng sự nỗ lực của bản thân, ngày 30/12/1982, sau 2 năm công tác , chị được tín nhiệm trở thành Cụm trưởng cụm mầm non phía Bắc thành phố Thái Nguyên. Rồi sau đó 8 năm, chị trở thành Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng trường mầm non Quan Triều – TP.Thái Nguyên.

Chị kể : Tối hôm đó là vào khoảng tháng 12/1994, trời rét căm căm, chị Thanh dẫn 2 cháu ra đầu đường mua ngô sau đó về nhà bà ngoại, trên đường đi có một người thanh niên đội mũ, dáng người khắc khổ tiến lại gần, anh này ngỏ ý muốn nhờ chị cầm một gói nhỏ sang bên kia đường và hứa sẽ cho 200 nghìn đồng. Thời điểm đó, 200 nghìn là một số tiền không nhỏ. Một chút tham lam nổi lên cộng với sự mất cảnh giác trước thủ đoạn của bọn tội phạm, chị đã đồng ý. Nhưng đây có lẽ là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời của chị. Đi được một đoạn, chị bị công an kiểm tra và bắt giữ ngay sau đó, gã thanh niên kia cũng mất hút trong màn đêm. Qua kiểm tra gói ni lông đó, lực lượng chức năng thu giữ 9.2g ma túy dạng bột. Đến đây, chân tay chị như rụng rời. Chỉ vì tin người và mất cảnh giác nên nên vướng vào cảnh “tình ngay, lý gian”.

Phiên tòa xét xử chị diễn ra vào tháng 8/1996. Trong cáo trạng tuyên đọc có đoạn: “Do hám lợi, không làm chủ được bản thân…”. Đọc đến đây thì chị khóc.

Một buổi gặp mặt của những phạm nhân cũ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

“Chị cả” trại giam Phú Sơn và những kỷ niệm khó quên

Khi nói về trại giam, câu đầu tiên chị Thanh nói: “Đó là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ hỷ nộ, ái ố”. Nhập trại khi đã bước quá tuổi 30, chị là một trong những người nhiều tuổi nhất trong trại. Chị Thanh kể cho tôi nghe câu chuyện về một người bạn tù có tên Hiền “Bát Sứ”, nghe đâu bị án do đánh người gây thương tích nặng. Vốn ở ngoài có tài năng ca múa nên khi vào trai, chị được bổ sung vào đội văn nghệ phạm nhân.

Tuy nhiên, hồi đầu chị  chỉ được dự bị vì có nhiều “ma cũ” sẵn sàng ẩu đả, đánh tơi tả những “ma mới” có ý định vượt mặt. Rồi có một hôm, nhân có đoàn công tác trên trung ương về, Hiền “Bát Sứ” là người dạy múa cho toàn phân trại. Họ tái hiện lại bài hát “Mẹ Việt Nam”, lúc tập, hễ cứ có người tập sai là y như rằng bị ăn phát vả đau điếng của Hiền. Chị Thanh cũng không phải ngoại lệ, nhưng không ai dám nói vì sợ Hiền. Duy chỉ có chị là người dám tố cáo Hiền.

Về sau, khi hiểu ra tính cách và sự chân thành, chị và Hiền lại là một đôi bạn tri kỷ, họ tâm sự với nhau về đêm rất nhiều . Chính tay chị cũng là người hái lá về xông và chăm sóc Hiền lúc ốm đau, bệnh tật.

Bằng lối sống tình cảm, biết sẻ chia, chị được tù nhân trong trại gọi bằng “chị Cả”. Cho đến nay vẫn có người gọi chị với cái tên đó. Chị Thanh nhớ lại:  Trong trại có một phạm nhân tên là Trung “còi”, vốn là dân anh chị người Sơn La, nhập trại vì tội giết người với án tù 17 năm. Nhìn Trung, người ta đã thấy toát lên khí chất của 1 kẻ bất cần đời với những hình xăm kín từ đầu đến chân. Nhưng bằng sự giản dị và gần gũi , chị được Trung rất quý mến. Trung hứa sau khi ra trại, người đầu tiên anh ta tới thăm là chị.

Thời gian ở trong trại, hằng đêm, khi mọi vật xung quanh trở nên tĩnh lặng, chị lại nhớ về gia đình, nhớ về cô con gái nhỏ bé bỏng. Đã có những lúc chị bật dậy, thở hổn hển vì trong mơ, chị thấy con gái đang lê lết ăn xin, chị khóc nhiều lắm. “Đầu tóc tôi dựng ngược, da nhợt nhạt, 2 mắt thâm cuồng vì cả tháng tôi không tài nào ngủ được”, chị Thanh chia sẻ.

Chị Thanh còn kể rất nhiều về vị quản giáo tên là Thế. Khi chị chia sẻ về ước mơ ấp ủ về việc thành lập 1 trường mầm non, anh Thế đã nói : “Nếu chị lập trường, tôi sẽ là người đầu tiên gửi con”. Và vị quản giáo đã thực hiện đúng lời hứa.

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Những năm tháng chấp hành án phạt đã qua, chị Thanh được trả tự do trước thời hạn 7 tháng vì chấp hành tốt nội quy của trại. Về đến nhà, việc đầu tiên chị làm là sang gặp cha mẹ. Gia đình gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Mẹ chị cứ đập tay vào tường, khóc nấc lên từng chặp.

Quay trở về ngôi nhà chị từng ở, lớp lá vàng dày đã chuyển sang màu nâu, trong nhà mọi thứ chẳng còn gì, tài sản bị niêm phong. Giờ đây chị lại phải đối mặt với khó khăn cơm áo gạo tiền và những ánh mắt dò xét, dị nghị của hàng xóm, láng giềng. Với quyết tâm làm lại từ 2 bàn tay trắng, chị bắt đầu tìm kiếm các cơ hội.

Với ý nghĩ vùng cao thiếu rất nhiều giáo viên nên chị đã xin nộp hồ sơ vào trường mầm  non Na Rì, nhưng bị trả lại. Không chịu bỏ cuộc, chị bắt đầu xoay sang đủ nghề, từ bán hàng đến bán đậu phụ, thậm chí là đóng than tổ ong. “Tôi được cái làm gì cũng có lộc” – nói đoạn chị cười lớn.

Thế rồi, cơ hội cũng đã đến. Năm 2001, thông tư của chính phủ về việc chi trả BHXH cho những người tù được ban hành. Chị nhận được 1 khoản vốn kha khá để tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở của mình. Chị bắt đầu bằng việc lập ra một cơ sở nhỏ nuôi dạy các cháu mầm non với 3 cháu lúc băt đầu khởi điểm. Ban đầu, chị định lấy tên là Trường mầm non Hoa Sim để kỷ niệm những người bạn tù đã hát 2 câu tặng chị trước lúc được ân xá: “ Nơi đây dù bão tố / Không phai màu thanh cao”, nhưng cuối cùng chị quyết định lấy tên là Lệ Thanh.

Với số lượng 3 trẻ lúc đầu, hiện nay con số đã lên tới 300 bé, đáng nói hơn, đây lại là trường mầm non tư thục đầu tiên trên địa bàn. Chị Thanh nói đùa: “Nếu không bị đi tù, nếu không có những biến cố đó thì bây giờ tôi đâu được như này”.

Tin nổi bật