Để có nhan sắc hoàn thiện và gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống, nhiều chị em đã quyết định thẩm mỹ. Tuy nhiên, không phải kết quả mỹ mãn nào cũng đến với tất cả mọi người.
Vào năm 2020, cô Trương (đến từ Hứa Xương, Hà Nam, Trung Quốc) vì muốn trở nên xinh đẹp hơn nên đã đến một bệnh viện thẩm mỹ để được tư vấn. Bác sĩ ở đây đã khuyên cô Trương nên tiêm má baby để trông trẻ hơn.
Không ngờ rằng, sau khi tiêm, mặt người phụ nữ bị sưng tấy nghiêm trọng, đáng nói, không chỉ sưng, mụn mủ lớn còn liên tục mọc trên mặt.
Cô Trương cho biết, cô đã yêu cầu bệnh viện thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm, giám đốc của cơ sở này cũng đã đưa cô đến Bắc Kinh để điều trị phục hồi nhưng kết quả không mấy khả quan. Mụn biến thành vết sẹo lồi lõm khắp nơi khiến cô rất suy sụp, không thể ngủ được, mặt thì tái nhợt, biến dạng.
Trong những năm gần đây, người phụ nữ đã tích cực điều trị, khuôn mặt xấu đi khiến cô sợ hãi khi ra ngoài làm việc, cô không có thu nhập trong suốt 3 năm.
Sau đó cô Trương mới biết rằng loại thuốc đã sử dụng là thuốc bất hợp pháp, kém chất lượng và giả ngay từ bao bì. Về việc này, giám đốc bệnh viện thẩm mỹ liên quan cho biết sẽ chịu trách nhiệm đến cùng về sơ suất y tế. "Khi sự việc xảy ra, tôi không hề trốn tránh trách nhiệm và dốc toàn lực hợp tác. Tôi sẽ không trốn tránh bất kỳ trách nhiệm nào", đồng thời người này hứa sẽ bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân.
Tiêm filler là một trong những kỹ thuật làm đẹp phổ biến hiện nay. Ngay sau tiêm, chất gel filler này sẽ làm đầy những nếp nhăn để làn da căng hơn ở các vị trí như khóe miệng, trán, đuôi mắt hoặc dùng để độn môi, cằm, tạo đường cong, làm thẳng sống mũi, làm đầy vùng ngực, mông… mà không phải đụng đến dao kéo.
Tuy đây là kỹ thuật ít xâm lấn, không cần nghỉ dưỡng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất lượng của các loại filler trôi nổi rất khó kiểm chứng. Bên cạnh đó, tiêm sai kỹ thuật vẫn có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như: tắc mạch; nhiễm trùng; vón cục chất làm đầy; sốc phản vệ…
Linh Chi (T/h)