Theo thông tin trên RT, người phát ngôn Điện Kremin Dmitry Peskov hôm 6/3 khẳng định Nga sẽ chỉ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu sự tồn tại của đất nước bị đe dọa. Ông Peskov cho biết thêm, vũ khí hạt nhân được mô tả là “vũ khí cuối cùng” trong học thuyết của Moscow trong quản lý việc sử dụng chúng.
Tài liệu nêu rõ rằng, Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này hoặc các đồng minh phải hứng chịu đòn tấn công đầu tiên. Hồi tháng 6/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “không cần” sử dụng vũ khí này bởi chúng chỉ nhằm mục đích răn đe.
Các tên lửa đạn đạo của Nga trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow hồi tháng 5/2021. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội vào 29/2, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Moscow sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, đang ở trạng thái “hoàn toàn sẵn sàng để triển khai”.
Ông cũng lưu ý rằng, các quan chức phương Tây, mặc dù có lẽ chưa hiểu đầy đủ vấn đề này, về cơ bản đang mở ra một cuộc chiến hạt nhân toàn diện với những lời lẽ ngày càng leo thang.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga bác bỏ các thông tin “vô căn cứ” của phương triện truyền thông phương Tây cho rằng Moscow đang có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân vào không gian. Ông coi đây là cách mà Mỹ sử dụng nhằm gây sức ép để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán với các điều khoản do Washington đưa ra.
Cùng thời điểm này, trích dẫn các bài thuyết trình bị rò rỉ dành cho các sĩ quan hải quân Nga được cho là dựng từ năm 2008 - 2014, tờ Financial Times đưa tin ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Nga có thể thấp hơn so với những gì mà các chuyên gia quốc phòng phương Tây đã ước tính.
Theo bài viết trên Financial Times, quân đội Nga coi tình huống trên chiến trường mà tổn thất phát sinh sẽ dẫn đến việc họ không thể ngăn chặn sự “gây hấn lớn của đối phương” và đe dọa “an ninh nhà nước của Nga” là cơ sở hợp lệ để sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc phá hủy 20% tàu ngầm tên lửa chiến lược của Nga, 30% tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc các cuộc tấn công đồng thời vào các trung tâm chỉ huy chính và dự bị ven biển được cho là các ví dụ cụ thể.
Thời điểm đó, ông Peskov cho hay Điện Kremlin “rất nghi ngờ” về tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ.
Đinh Kim (Theo RT)