Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người mang tên vợ Nguyễn Việt Hà: Nhà văn thì phải... “điêu toa”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sau ba cuốn tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn cùng nhiều tạp văn thì với tiểu thuyết mới “Ba ngôi của người”, Nguyễn Việt Hà được xem như một cây bút đô thị khá đặ

(ĐSPL) - Sau ba cuốn tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn cùng nhiều tạp văn thì với tiểu thuyết mới “Ba ngôi của người”, Nguyễn Việt Hà được xem như một cây bút đô thị khá đặc sắc. Trong văn của anh, chất phố phường trào lộng cay đắng vẫn không giấu những trang trữ tình rất Hà Nội. Nguyễn Việt Hà hẹn tôi ở Thư viện Quốc gia, nơi anh đang tìm tài liệu để viết cho những tác phẩm mới của mình. Câu chuyện theo ý anh, không nên gắn mác “phỏng vấn”...

Nhà văn chung tình...

Gặp Nguyễn Việt Hà, ít ai có thể nghĩ anh là nhà văn, bởi cái dáng cao lớn, khuôn mặt mang nhiều nét phôi pha và trải nghiệm cuộc đời. Nhưng khi nói chuyện mới thấy rằng, anh là một con người khá thú vị, Việt Hà thường làm chủ được câu chuyện của mình và có cách nói rất thu hút. Nguyễn Việt Hà là tên vợ, không hiểu tại sao có nhà văn rõ ràng nam tính, tên thật là Cường, khi nói cười rổn rảng cả góc phố, trên đời chỉ nể mặt chứ chưa biết sợ ai, lại cứ nằng nặc... cho vợ lên đầu. Có lẽ anh “nể” vợ vì thường xuyên cho anh thoải mái đi nhậu, hoặc nấu nướng đồ ngon anh để nhà văn ân cần tiếp đãi bạn tại nhà. Vì thế, mỗi khi vợ con cần là anh lại đưa đón chờ đợi. Anh cho biết, anh là người đàn ông và là một nhà văn khá... chung tình.

Ngoài một số truyện ngắn và tiểu thuyết được in thì Nguyễn Việt Hà còn được biết đến là một nhà văn có những cuốn tạp văn đặc biệt. Vẫn cái giọng tạp văn mang thương hiệu Nguyễn Việt Hà - Nhà văn có biệt tài viết như đang nói, như đang ngồi nhậu ba la bông lơn với bạn bè, chẳng biết câu nào đùa, câu nào thật. Vì vậy có thể nhiều người quen đọc văn như một bản giao hưởng đầy đặn sẽ khó chịu với Nguyễn Việt Hà vì giọng văn của anh trong “Ba ngôi của người” có lối dẫn dắt người đọc xuôi ngược vật vã với những tuyến thời gian. Nhà văn chung tình mang tên vợ Việt Hà cho biết, tiểu thuyết “Ba ngôi của người” ra mắt vào tháng 7/2014 và nó nhận được sự phản hồi khá tốt của độc giả.

Nguyễn Việt Hà và tiểu thuyết “Ba ngôi của người”.

Trong “Ba ngôi của người”, Nguyễn Việt Hà đã dựng lại chân dung Hà Nội đương đại. Đó là một đô thị phức tạp. Nhà văn Nguyễn Việt Hà thừa nhận rằng, anh viết tác phẩm trong trạng thái "stress kinh khủng", nên tác phẩm mới có những góc khuất như vậy. Theo anh, cái gọi là "văn hóa người Hà Nội" mà hiện nay chúng ta vẫn tiếc nhớ, đi tìm bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Giống như dòng chảy của ký ức, trong “Ba ngôi của người” ngồn ngộn những ký ức về Hà Nội. Thấp thoáng trong đó là những lứa người, những người mẹ nấu ăn ngon đứt lưỡi, những người cha yêu con theo cách của riêng họ, đám con gái, con trai phố cổ đã hấp thu cái tinh hoa và cả những văn hóa lai căng từ tứ xứ đổ về.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho biết: “Tiểu thuyết “Ba ngôi của người” được hình thành qua lời kể của ba nhân vật người cha, người con và người cậu. Nhân vật người con tên thân mật là Kun - một họa sĩ thông minh và có tài năng thiên bẩm. Người cha được gọi là "trung niên" - một tay buôn giàu có. Bên cạnh cha, con, là cậu Quang Anh - một nhân vật có cá tính đặc biệt. Giữa một Hà Nội trong quá trình đổi thay, chân dung mỗi nhân vật hiện ra. Họ sinh ra ở mảnh đất được gọi là nghìn năm văn hiến, lớn lên ở nơi đây và dường như mọi biến cố, tâm lý đều có một phần nguyên do từ không gian, nếp sống của vùng địa lý này. Họ là những con người đặc trưng của Hà Nội và cũng rất Hà Nội...”.

“Xót xa yêu Hà Nội”

Tiểu thuyết “Ba ngôi của người” của Nguyễn Việt Hà có nhiều góc nhìn mới, tạo ra sức hút đặc biệt. Ngoài ba nhân vật chính đã nói ở trên, ba người đàn ông giữ ba giọng kể, thì các nhân vật còn lại trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà khá vụn, có người chỉ thoáng xuất hiện, có người tưởng chừng sẽ được tác giả giao cho nhiệm vụ nào ghê gớm lắm, nhưng gặp đấy, tưởng như tha thiết đấy rồi lãng quên ngay. Đó là trường hợp của cô gái mà nhân vật trung niên gặp trên tàu hỏa, như một người tình sau cùng... Nhưng những nhân vật ấy đã làm nên một phố phường Hà Nội có chất riêng theo phong cách... Việt Hà.

Không những tả nhân vật bằng giọng văn dí dỏm, mà Việt Hà còn được nhiều người biết đến với tư cách nhà văn viết về... giới. Anh tâm sự: “Thật ra có rất nhiều người, như nhà báo Trịnh Tú nhận xét về tôi: “Cậu viết về đàn bà hay hơn đàn ông”. Nói chung là do cảm giác đọc chi phối thôi, vì thật sự tạp văn viết về đàn ông hay đàn bà thì đều phải “điêu toa” như nhau. Tôi quan niệm viết văn không dựa trên câu chuyện cụ thể nào, mà chính là cách dẫn dắt, câu chữ sao cho hấp dẫn”.

Nguyễn Việt Hà.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho biết: “Tôi viết “Ba ngôi của người” trong vòng 7 năm, từ 2007 đến 2014. Thời gian dài thế không phải tôi chỉ có ngồi viết, mà còn vướng bận bao hệ luỵ, bao gồm cả nhậu nhẹt và những chiêm nghiệm về phố phường Hà Nội...”. Ngoài ba nhân vật chính đều là nam, thì “Ba ngôi của người” cũng dựng lên chân dung những nhân vật phụ, là ba nhân vật nữ điển hình cho những kiểu người dễ thấy trong xã hội đương thời.

Mẹ Kun tiêu biểu cho mẫu phụ nữ của phố tháo vát. Bà tuy là con gái của Thứ trưởng nhưng tính tình quyết liệt, dám từ bỏ danh vọng theo người yêu và cũng dám từ bỏ tình yêu khi bị phản bội để vật lộn kiếm nhiều tiền nuôi con. Còn Mộc Miên - người yêu một thời của Kun - giống như nhiều cô gái đẹp khác, ham vật chất, ham trở thành người phố cổ mà bỏ người yêu để đến với gã con buôn ít học, có thể mua điện thoại, túi hàng hiệu cho mình. Hạnh là điển hình cho mẫu phụ nữ cam chịu, khéo léo, tu chí học hành, giàu đức hy sinh. Cô là em họ Quang Anh, yêu chàng ban đầu bởi sự hàm ơn, trách nhiệm, cuối cùng không thể vượt qua luân thường đạo lý phải đi nước ngoài và có cuộc sống buồn tẻ với người chồng Thụy Sĩ.

Đọc “Ba ngôi của người”, bên cạnh khám phá nội dung, thưởng thức cách dẫn dắt, miêu tả của tác phẩm, độc giả luôn dõi theo từng câu chữ trực diện hay gián tiếp nói về Hà Nội. Và dù đôi lúc có cái nhìn bi quan về Thủ đô, hay những đoạn miêu tả đẹp về không gian, con người đất Tràng An, vẫn luôn thấy một tấm lòng "xót xa yêu Hà Nội" của Nguyễn Việt Hà trong tiểu thuyết mới này.


Yêu Hà Nội theo cách riêng

Khi xây dựng nhân vật là các thị dân Hà Nội, Nguyễn Việt Hà cũng dựng lên chân dung mảnh đất nghìn năm văn hiến trong thời hiện tại với đây đó là sự phức tạp, xô bồ. Tuy vậy, “Ba ngôi của người” giúp độc giả khám phá được những góc đẹp nao lòng của Hà Nội. Một góc Hồ Tây được miêu tả rất đẹp, rất tình… Hay một đoạn giao mùa đầy sức gợi: "Hà Nội tàn thu, mưa bụi mịn giăng, phảng phất có gió Đông Bắc rét đầu mùa. Một nghìn năm trước nó đã vậy và một nghìn năm sau cũng sẽ vậy".

Trong “Ba ngôi của người”, tác giả gọi tên các nhân vật lịch sử, cùng những người đương thời bằng những liên tưởng, dẫn dắt. Bởi thế, trong tác phẩm ta thấy có cả Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, những nhà cách mạng như Nguyễn Thái Học, Lê Thanh Nghị... lại thấy cả văn nghệ sỹ đương thời như Lê Thiết Cương... cùng xuất hiện mà không hề gượng ép. Nhiều đoạn trong sách có thể cắt ra thành những đoạn như tản văn luận về phố, về dân phố cổ và tỉnh lẻ, về rượu, về nghệ thuật, tôn giáo...

Tin nổi bật