Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người Hà Nội hơn 10 năm “dài cổ” chờ nước sạch

(DS&PL) -

Đã hơn 10 năm nay, người dân của tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) vẫn “dài cổ” chờ nước sạch, mặc dù nhà máy nước sạch chỉ cách đó chưa đầy 2km.

Đã hơn 10 năm nay, người dân của tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) vẫn “dài cổ” chờ nước sạch, mặc dù nhà máy nước sạch chỉ cách đó chưa đầy… 2km.
Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống ở tổ dân phố số 17, phường Gia Thụy, quận Long Biên, hơn 10 năm nay, họ chưa có nước sạch mà phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh để ăn uống. Nguồn nước ngầm khu vực này đang ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng người dân vẫn phải sử dụng trong lúc chờ nước sạch.
Bà Trịnh Phương Dung (55 tuổi) cho biết: “Tôi về đây sinh sống từ năm 1999, từ đó đến nay vẫn chưa có nước sạch, gia đình tôi phải dùng nước giếng khoan, phải mua thêm máy lọc nước mới có thể sử dụng được. Nhìn các thiết bị đồ đạc hoen rỉ hết, quả lọc cứ đen ngòm, biết là không an toàn, nhưng vẫn phải chấp nhận”.

Các thiết bị lọc nước, chứa nước đều rất bẩn do nguồn nước không đảm bảo. Ảnh: N.D

Cũng theo bà Dung, bà con tổ dân phố 17 nhiều lần phản ánh trong các cuộc họp tổ về vấn đề nước sạch để tổ trưởng “bắn tin” lên cấp trên, nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết. Khoảng tháng 6 - 7/2013, chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập quận Long Biên, ông tổ trưởng dân phố 17 này tuyên bố chắc “như đinh đóng cột” là sắp có nước sạch, nhưng từ “sắp” đó đã kéo dài gần hết năm nay.
“Khi ông tổ trưởng nói cuối năm 2013 có nước sạch, chúng tôi tin là 99\% sẽ có, nhưng đến nay gần hết năm 2014 mà đã có nước sạch đâu. Sau đó, chi hội trưởng phụ nữ tổ lên quận họp theo chương trình đăng ký “3 sạch”, nhưng tổ chúng tôi không dám đăng ký, vì nước không đảm bảo vệ sinh thì ăn sạch, uống sạch và ở sạch làm sao được. Chúng tôi không biết chờ đến bao giờ nữa”, bà Dung nói.
Cách đó không xa, gia đình bà Ngô Thị Bột (72 tuổi) “liều lĩnh” bơm thẳng nguồn nước giếng khoan lên sử dụng mà không qua 1 thiết bị lọc nào. Lý giải cho sự “liều lĩnh” này, bà Bột cho biết: “Mua thiết bị lọc mất nhiều tiền quá, mà nghe nói phải thay quả lọc luôn. Gia đình tôi đành liều dùng như vậy, thỉnh thoảng lên rửa cái bồn chứa nó đen đặc, nhầy nhầy như dầu mỡ, trông ghê lắm. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm đến các hộ dân chúng tôi, sớm đầu tư hệ thống nước sạch”.

Nhiều nhà "đánh liều" bơm thẳng nước giếng khoan lên ăn uống. Ảnh: N.D

Trao đổi với PV, ông Đỗ Đình Nghiệp, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 17 cho biết, tổ dân phố số 17 mới được hình thành về mặt hành chính cách đây 10 năm (2004) nhưng một số hộ dân đã sinh sống tại đây từ nhiều năm trước. Từ đó đến nay, khu vực này chưa hề có nước sạch. Do nhà máy nước gần đó chưa đồng ý xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống. Chính quyền địa phương có khảo sát để đầu tư, nhưng mức kinh phí rất lớn, nhân dân đóng góp cũng phải 40 - 50 triệu/hộ. UNBD phường Gia Thụy cũng rất “trăn trở” vấn đề này nhưng “lực bất tòng tâm”.
Ông Nghiệp cho biết: “Phường không thể quyết được cái dự án nước sạch này vì làm gì có kinh phí, cái này phải kiến nghị lên quận. Thấy văn bản trả lời cử tri của quận Long Biên nói là dự án nước sạch của tổ dân phố 17 chúng tôi sẽ được triển khai trong năm 2014. Chúng tôi hi vọng lắm!”.
Theo ông Nghiệp, suốt 10 năm qua, bà con tổ 17 phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo vệ sinh nên ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Có những trường hợp mắc bệnh ung thư, mắt toét, bệnh ngoài da… đều được cho là có liên quan đến nguồn nước không đảm bảo. Dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền nơi đây chưa có động thái gì, chưa thấy có đoàn y tế nào xuống kiểm tra nguồn nước, xác minh thông tin…
Ông Nghiệp cho biết thêm, bà con tổ 17 có ý kiến mỗi tuần cấp cho 1 xe téc nước sạch để các hộ dân mua về dùng nhưng lãnh đạo quận Long Biên nói bà con xin nước các hộ dân tổ bên cạnh “nhưng chúng tôi xin họ không cho, vì họ nói nếu đấu nối nước sang cho cả tổ 17 thì nguồn nước của họ bị giảm áp suất, không lên được các nhà cao tầng”, ông Nghiệp chia sẻ.

Tin nổi bật