Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người dương tính có biểu hiện nhẹ: Phải chăng vi-rút đã không còn nguy hiểm?

(DS&PL) -

Thời gian gần đây, nhiều người mắc Covid - 19 có biểu hiện bệnh nhẹ dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Xung quanh thắc mắc vì sao tỉ lệ biểu hiện bệnh nhẹ ngày càng gia tăng mà chúng ta không chọn phương án miễn dịch cộng đồng tự nhiên, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

PV: Chào bác sĩ, xin ông cho biết về hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Hiện nay, trên thế giới thi thoảng có những trường hợp tiêm vắc-xin xong vẫn mắc bệnh. Ông nhìn nhận như thế nào dưới góc độ chuyên môn?

BS.Trương Hữu Khanh: Về hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chúng ta đã nói rất nhiều, tôi chỉ nhấn mạnh rằng khi có vắc-xin và mình đủ tiêu chuẩn để tiêm thì hãy tiêm.

Đại dịch sẽ biến mất theo cách nó không còn nguy hiểm với con người và không ảnh hưởng đến kinh tế. Đừng hy vọng biến mất hoàn toàn, mà cần đợi nó sẽ lây theo cách của những bệnh thông thường. Chỉ có vắc-xin cộng với 5K, có thể cộng với miễn dịch cộng đồng tự nhiên ở nhóm khỏe mạnh, thì mới có thể hồi phục kinh tế.

Từ trước đến nay, không có vắc-xin nào tạo miễn dịch 100% và ngay lập tức, vì còn phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của mỗi người.

Giá trị chính của vắc-xin là tạo ra hàng rào miễn dịch cộng đồng. Nếu ai cũng tiêm chủng, ai cũng có miễn dịch 70%. Như vậy, mầm bệnh xâm nhập vào cộng đồng sẽ nhanh chóng bị ngăn chặn vì khó lây; có chăng cũng chỉ một vài ca lẻ tẻ không sao hết.

Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, nên khi đạt được miễn dịch khoảng 70%, độ phủ miễn dịch cộng đồng từ 70% trở lên thì tình hình kinh tế có thể dần hồi phục.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ với PV. 

PV: Nếu đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, có đủ vắc-xin, người dân không có tâm lý e ngại và hoang mang thì chúng ta có phải là không ngại gì covid?

BS.Trương Hữu Khanh: Khi chúng ta thực hiện tiêm chủng tốt thì chắc chắn sẽ trở lại trạng thái bình thường, các nước trên thế giới cũng đều như vậy. Vấn đề nữa, có tiêm nhắc lại sau hai mũi hay không thì chưa thấy bàn đến, nhưng nếu tiêm chủng đủ thì sẽ đạt khoảng 70% miễn dịch cộng đồng, đồng thời tiêm đủ nhóm nguy cơ và nhóm dễ lây cho người khác thì sẽ ổn thôi.

PV: Số liệu từ bộ Y tế tháng 5/2021 cho thấy kể cả khi đã dương tính và được gọi là bệnh nhân thì đến 95% (đợt 4) là không có biểu hiện gì hoặc biểu hiện nhẹ. Có ý kiến cho rằng bệnh đang ngày càng nhẹ đi, tỉ lệ người bệnh không triệu chứng ngày càng nhiều. Vậy, tại sao không để miễn dịch tự nhiên?

BS.Trương Hữu Khanh: Tỉ lệ bệnh nhẹ nhiều, nhưng tổng số ca bệnh quá nhiều trong cộng đồng sẽ gây ra quá tải cho hệ thống y tế. Tôi lấy ví dụ có 10 người bệnh và có 100 người chữa bệnh sẽ chữa được. Còn 1.000 người bệnh mà chỉ có 100 người chữa bệnh thì như vậy sẽ gây ra quá tải. Khi đó, người bệnh nặng không tự chăm sóc được đầy đủ dễ dẫn đến tử vong. Người chỉ hơi hơi nặng, đáng lý khỏi bệnh nếu được điều trị thì cũng có thể tử vong khi không được chăm sóc đầy đủ. Nên theo tôi, không thể để miễn dịch cộng đồng tự nhiên, bởi phương pháp này các nước trên thế giới năm ngoái đã thử và trả giá bằng cái chết hàng loạt.

PV: Liên quan đến việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, vừa qua có nhiều địa phương làm quá, có nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn “sợ nên làm quá, siết chặt” để dân không dám về quê. Ông nghĩ sao về điều này?

BS. Trương Hữu Khanh: Vấn đề ở đây là kiểm soát người đi ra, họ sẽ đi đâu? Quan trọng là người đi ra khỏi khu vực kiểm soát phải trung thực khai báo y tế. Chúng ta không nên cách ly, phong toả bi quan theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” mà chỉ nên giãn cách tuỳ mức độ.

Khi có vắc-xin thì đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng càng sớm càng tốt. 

PV: Mới đây, có ý kiến đang gây tranh cãi rằng: “Hơn một năm qua, ta đạt con số tử vong do covid là 62 người. Cùng thời gian này, số người chết vì tai nạn giao thông là 6.700 người (đó là đã giảm bớt nhờ covid cấm đi lại). Như thế, bệnh này không đáng sợ bằng TNGT”. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?

BS.Trương Hữu Khanh: Không thể so sánh giữa dịch bệnh Covid-19 với tai nạn giao thông... chúng ta phải hiểu, Covid-19 sẽ gây ra tử vong hàng loạt. Lý do Việt Nam tử vong ít, chậm là do dịch tới chậm và năng lực y tế rải ra. Còn hiện nay, bắt đầu quá tải số ca nặng, giả sử nếu để cho thoải mái thì có 100 ca nặng chữa được, còn 1.000 ca nặng thì không chữa nổi vì hệ thống y tế bị quá tải. Nên, đừng có suy nghĩ, so sánh với tai nạn giao thông.

Tai nạn giao thông thuộc về ý thức con người, còn lây nhiễm Covid-19 nếu chúng ta không ngăn chặn thì không thể nào giải quyết được vì tốc độ lây lan rất nhanh, giống như bệnh hô hấp. Cho nên, không thể so sánh như vậy, mà chúng ta cần phải tiếp tục giãn cách tuỳ mức độ cho tới khi nào tiêm chủng xong, thì mới hồi phục được kinh tế.

PV: Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, tuy nhiên việc đàm phán có được vắc-xin có phải là vấn đề khó nhất hiện nay?

BS.Trương Hữu Khanh: Vắc-xin trên thế giới hiện nay không phải là quá khan hiếm nữa, vấn đề là chúng ta tích cực tìm kiếm nguồn vắc- xin như thế nào, mở rộng tìm kiếm và mở rộng tiêm chủng nhiều hướng. Khi đã tiêm chủng xong cho các đối tượng nguy cơ thì mở dịch vụ để người dân có nhiều lựa chọn để tiêm, khi đó độ phủ tiêm chủng vắc-xin sẽ tăng lên.

Nếu có đủ vắc-xin là chúng ta đạt được bao phủ vắc-xin trong cộng đồng, bởi mạng lưới tiêm chủng của chúng ta rất mạnh. Mới đây, bộ Y tế, sở y tế các tỉnh cũng đã chuẩn bị đào tạo thêm đội ngũ tham gia công tác tiêm chủng. Có vắc-xin thì chúng ta đẩy nhanh tiêm càng sớm càng tốt.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của bác sĩ!

Thanh Lam

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (26)

Tin nổi bật