Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người dân Trung Quốc chen chúc đến siêu thị mua đồ, có người mua 300 cân gạo: Chính quyền kêu gọi bình tĩnh

(DS&PL) -

Trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây xôn xao với những hình ảnh người dân đổ xô đến siêu thị để tích trữ các loại nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn và muối...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát và mưa lớn bất thường khiến giá rau tăng cao, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các gia đình dự trữ nhu yếu phẩm hàng ngày để phòng trường hợp khẩn cấp.

Ngay sau đó, trên mạng xã hội nước này xôn xao những hình ảnh người dân đổ xô đến siêu thị ở các địa phương để tích trữ các loại nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn và muối...

Người dân Trung Quốc đổ xô đến siêu thị ở các địa phương để tích trữ nhu yếu phẩm. Ảnh: baidu

Theo The Paper, sau khi liên hệ với người dân, hệ thống siêu thị và bộ phận thương mại ở nhiều thành phố, xác nhận có tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm những ngày qua nhưng chưa xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa hoặc gián đoạn nguồn cung.

Cục Thương mại ở nhiều nơi đã kêu gọi thông qua báo chí địa phương rằng người dân không nên quá lo lắng và không cần phải tích trữ hàng hóa một cách mù quáng, tránh gây lãng phí không cần thiết.

"Với tình hình hiện nay, nguồn cung nhu yếu phẩm hàng ngày ở các nơi là đủ và nguồn cung vẫn luôn được đảm bảo", ông Chu Tiểu Lương, Cục trưởng Cục Xúc tiến tiêu dùng, Bộ Thương mại Trung Quốc, cho hay.

Thường Châu: Hàng trăm xe đẩy trong siêu thị không đủ

Hình ảnh người dân chen chúc lấy các mặt hàng nhu yếu phẩm trong một siêu thị lớn ở thành phố Thường Châu hôm 3/11. Ảnh: Jimu News

Một bức ảnh được một cư dân mạng đăng tải cho thấy, một siêu thị lớn ở quận Thiên Ninh, thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đông nghẹt người dân đổ xô đi mua sắm nhu yếu phẩm. Các xe hàng chất đầy mì, rau và dầu ăn và dòng người xếp hàng dài chờ thanh toán.

Một nhân siêu thị cho biết, ngay từ sáng sớm, một lượng lớn người dân đã đổ xô đến đây. Nhiều người phải xếp hàng chờ đến lượt mất gần 2 tiếng đồng hồ, những thứ chủ yếu mà mọi người mua là gạo, mì và dầu.

Người này khẳng định những loại mặt hàng trên sẽ sớm được bổ sung, các mặt hàng nhu yếu phẩm khác trong siêu thị đều đủ hàng để bán. Hiện họ cũng đã ngừng dịch vụ đặt hàng trực tuyến, vì từ sáng sớm 3/11, số lượng đơn đặt hàng đã quá nhiều.

Nhân viên của một siêu thị lớn ở quận Chung Lâu, thành phố Thường Châu, cho biết đã phải khuyến có người dân không đi siêu thị. "Hàng trăm chiếc xe đẩy trong siêu thị không đủ để phục vụ khách. Hôm nay, chúng tôi phải khuyến cáo người dân không đến siêu thị và không cần phải gấp rút mua hàng trong một ngày bởi nguồn cung của chúng tôi vẫn luôn đủ", người này chia sẻ.

Giải thích về tình trạng người dân đổ xô đi tích trữ nhu yêu phẩm, cục Thương mại Thành phố Thường Châu cho biết có 2 lý do chính. Thứ nhất là người dân có thể đã hiểu nhầm "Thông báo về việc việc duy trì nguồn cung và ổn định giá rau và các nhu cầu hàng ngày khác trên thị trường rau trong mùa đông xuân" do bộ Thương mại ban hành.

Thứ 2 là do Thường Châu đã ghi nhận 3 ca nhiễm mới COVID-19 trong những ngày qua.

Gạo, mỳ, muối, dầu là một trong những mặt hàng "hot" nhất tại các siêu thị ở Trung Quốc những ngày qua. Ảnh: Baidu

Khải Đông: Có người mua 300kg gạo

Tại thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô, nhiều người dân cũng cho biết có tình trạng tranh nhau mua hàng trên địa bàn thành phố, nhiều siêu thị và cửa hàng phải xếp hàng dài tại quầy thu ngân.

Nữ nhân viên của một siêu thị lớn ở Khải Đông cho biết, từ ngày 2/11, người dân đã đổ xô đến mua mì, gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác. “Hiện không còn nhiều sản phẩm như mì, gạo trên kệ hàng và các đơn đặt hàng trực tuyến cũng tương đối nhiều khiến các siêu thị không kịp bổ sung hàng", cô nói.

Nữ nhân viên cho biết tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các siêu thị khác hay những cửa hàng tạp hóa, bản lẻ ở địa phương.

Cô chia sẻ thêm rằng ngay sáng sơm 3/11, khi cô đi ra ngoài thì thấy cửa hàng gạo gần nhà đã hết hàng. Theo nữ nhân viên này, tình trạng trên xảy ra sau khi người dân nghe ngóng được một số thông tin lan truyền trên mạng.

Đại diện cục Thương mại thành phố Khải Đông cho hay, trong hai ngày qua, một số người dân trong thành phố đã tích trữ hàng hóa một cách bất hợp lý, thậm chí có người đã mua một lúc 300kg gạo.

Hiện họ cũng đang chuẩn bị các thông báo liên quan, hi vọng người dân không tích trữ hàng hóa một cách mù quáng gây lãng phí không đáng có.

Khu bán gạo trong một siêu thị ở thành phố Khải Đông. Ảnh: Jimu News

Bạng Phụ: Khách hàng đông như dịp khuyến mại

Nhân viên của chuỗi siêu thị lớn ở thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy, cho biết, ngay khi vừa mở cửa vào sáng sớm 3/11, lượng lớn khách hàng đã đổ vào siêu thị chẳng khác gì một sự kiện khuyến mại.

"Hầu hết những người đến mua sắm là người trung niên và cao tuổi, họ chủ yếu mua gạo, mì, ngũ cốc, dầu và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Tôi nghe nói rằng họ đến đây sau khi đọc thông tin tích trữ hàng trên mạng", nhân viên siêu thị nói.

Trong khi đó, nhân viên của một chuỗi siêu thị lớn khác cho biết lượng khách đến mua hàng trong ngày 3/11 không khác nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm trong xe hàng của khách là mỳ, gạo và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, doanh số bán các mặt hàng thiết yếu này đều tăng trong hai ngày qua.

Đại diện phòng Thương mại và Đối ngoại thành phố Bạng Phụ cho biết họ chưa nhận được phản hồi nào về việc người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm hay găm hàng do ảnh hưởng của thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Trùng Khánh: Một số siêu thị đã bán gần hết gạo

Một số siêu thị ở Trùng Khánh gần như đã hết gạo. Ảnh: 163

Theo The Paper, người dân Trùng Khánh đã lâu không nhìn thấy cảnh tượng như vậy: Gạo trên kệ đã được dọn sạch sẽ, siêu thị chen chúc người đến mua sắm.

Nhân viên của một siêu thị lớn ở quận Hình Bình, thành phố Trùng Khánh, cho biết, từ chiều 2/11 đã xảy ra tình trạng mua hàng "hoảng loạn" trong siêu thị. Các sản phẩm như gạo, ngũ cốc, dầu, thịt lợn và bột mì được tiêu thụ mạnh.

Nhân viên này cho biết, việc xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do một số người lo lắng thái quá về việc thiếu hàng hóa sau khi biết đọc được thông tin liên quan tới thông báo của bộ Thương mại Trung Quốc, chứ không hoàn toàn do tác động của dịch bệnh.

Tại một siêu thị khác ở quân Du Trung, nhân viên cho biết gạo trong siêu thị cơ bản đã bán hết nhưng các mặt hàng khác như bột mỳ, thịt, dầu ăn vẫn dồi dào. Nhân viên này cho biết thêm hiện nguồn hàng của siêu thị không có vấn đề gì và những mặt hàng bị thiếu sẽ sớm dduocj nhập lại.

Trịnh Châu: Khách đi siêu thị đông hơn nhiều so với bình thường

Thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cũng có sự gia tăng mạnh về số lượng người tiêu dùng mua dầu gạo và bột mì.

Nhân viên của một siêu thị lớn ở quận Nhị Thất, cho biết hiện tượng này xuất hiện từ chiều ngày 2/11, khi nhiều người dân đã đến siêu thị để mua gạo, mì, dầu và các mặt hàng khác. "Dòng người đông hơn bình thường rất nhiều. Hầu như ai cũng mua gạo, dầu, có người mua hết một lúc 2 thùng dầu nhưng chưa xuất hiện tình trạng mua với số lượng lớn", cô chia sẻ.

Lượng khách đến các siêu thị ở Trung Quốc những ngày qua đông hơn bình thường. Ảnh: Baidu

Chiều 3/11, phóng viên của Jimu News đã gọi điện nhiều lần đến cục Thương mại quận Nhĩ Thất của thành phố Trịnh Châu, cục Thương mại thành phố Trịnh Châu và Chính quyền nhân dân thành phố Trịnh Châu, nhưng đều không ai trả lời.

Ông Giả, một chuyên gia phân tích ngành công nghiệp ngũ cốc và dầu ăn, cho biết đã nhận được nhiều thông tin phản ánh từ cư dân mạng về tình trạng tranh nhau mua ngũ cốc và dầu ăn ở An Huy, Sơn Đông và nhiều nơi khác. Do đó, ông đã đến thành phố Trịnh Châu để quan sát tình hình.

"Đúng là rất nhiều người dân đến siêu thị để mua ngũ cốc và dầu, một số người mua 2-3 bao một lúc", ông Giả nói.

Là một nhà cung cấp đầu mối, ông Giả đã tìm hiểu từ nhiều kênh khác nhau, nhận thấy nguồn cung cấp ngũ cốc và dầu hiện tại là đủ và giá cung cấp cũng rất ổn định. Mặc dù ngũ cốc và dầu có thể cất trữ được trong thời gian dài hơn nhưng ông vẫn kêu gọi mọi người không tích trữ một cách mù quáng.

Video: Người dân Trung Quốc đổ xô đi siêu thị để mua sắm, tích trữ nhu yếu phẩm. Nguồn: Jimu News

Hoa Vũ (Theo The Paper)

Tin nổi bật