Vốn có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống, anh Đặng Hải Vân (ngụ tại Yên Bái, từ ngày 1/7/2025 thuộc địa phận tỉnh Lào Cai) vẫn luôn trăn trở tìm kiếm một hướng đi mới, một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn.
Sau một thời gian dài tìm tòi, tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại nhiều nơi, cuối năm 2023, anh Vân đã đưa ra một quyết định táo bạo. Theo tờ Nông nghiệp Môi trường, anh Vân đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng một hệ thống chuồng trại kiên cố, bài bản và nhập về 50 cặp cầy vòi mốc giống từ Phú Thọ để bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy thử thách.
Anh Đặng Hải Vân thành công với mô hình nuôi cầy vòi mốc. Ảnh: Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam
Nhận thức rõ cầy vòi mốc là loài động vật hoang dã, thuộc Nhóm II trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ, anh Vân đặt yếu tố pháp lý lên hàng đầu. Anh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc tính sinh học, kỹ thuật chăm sóc chuyên biệt cũng như các quy định pháp lý liên quan đến việc gây nuôi.
Chỉ sau khi được cán bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái trực tiếp kiểm tra, thẩm định và xác nhận trang trại đủ điều kiện, cấp phép chăn nuôi hợp pháp, anh mới yên tâm bắt tay vào triển khai mô hình.
Trang trại của anh Vân được quy hoạch một cách khoa học, nằm biệt lập cách xa trục đường giao thông chính và khu dân cư, đảm bảo không gian yên tĩnh và các yếu tố về an toàn sinh học. Hệ thống chuồng nuôi được thiết kế chắc chắn bằng lưới sắt, chia thành các ô riêng biệt với diện tích mỗi ô từ 1 - 1,2m².
Mỗi ô chuồng này là không gian sống của các cá thể cầy bố mẹ, cầy thương phẩm hoặc một vài cá thể cầy con sau khi được tách đàn. Ở trung tâm trang trại là một hành lang rộng rãi, giúp cho việc di chuyển, chăm sóc và vệ sinh được thuận tiện, hiệu quả.
Cầy vòi mốc là loài động vật hoang dã, thuộc Nhóm II trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ. Ảnh: Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam
Hiện tại, quy mô trang trại đã phát triển lên tới hơn 120 cá thể, bao gồm đầy đủ các lứa: cầy bố mẹ sinh sản, cầy hậu bị (cầy giống tuyển chọn), cầy thương phẩm và cầy con mới tách đàn. Anh Vân cho biết, giá trị kinh tế của loài vật nuôi này rất cao: một cặp cầy giống chất lượng có giá khoảng 20 triệu đồng, trong khi cầy thương phẩm có giá bán lên tới 1,7 triệu đồng/kg. Trung bình, một con cầy sau một năm nuôi dưỡng có thể đạt trọng lượng từ 4–5kg, tương đương giá trị từ 7–8 triệu đồng.
Anh Vân chia sẻ trên tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, thành công của mô hình nằm ở quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, khác biệt hoàn toàn so với chăn nuôi thông thường. Thức ăn phải luôn tươi sạch, tuyệt đối không bị ôi thiu. Chuồng trại phải được giữ gìn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày và định kỳ phun khử khuẩn toàn bộ khu vực mỗi tháng.
Mỗi năm, đàn cầy sẽ được tiêm phòng vacxin một lần để ngăn ngừa các bệnh thường gặp như bệnh ngoài da, viêm phổi hay các bệnh về đường tiêu hóa. Cầy vòi mốc tương đối dễ nuôi nếu nắm vững đặc tính. Thức ăn chủ yếu là các loại củ, quả có vị ngọt sẵn có tại địa phương như chuối, đu đủ, khoai lang... Vào mùa sinh sản, cần bổ sung thêm thức ăn giàu tinh bột đã nấu chín để tăng cường dưỡng chất cho cầy mẹ.
Việc quản lý đàn rất linh hoạt. Người nuôi có thể nuôi theo quần thể hoặc tách riêng từng cá thể để dễ dàng theo dõi khẩu phần ăn và tình trạng sức khỏe, đặc biệt là trong giai đoạn sinh sản.
Một cặp cầy vòi mốc hiện nay có giá trị khoảng 20 triệu đồng. Ảnh: Nông nghiệp Môi trường
Theo anh Vân, mô hình này có nhiều ưu điểm vượt trội: không đòi hỏi diện tích lớn, không gây ô nhiễm môi trường hay tiếng ồn ảnh hưởng đến xung quanh, đồng thời tận dụng được nguồn nông sản địa phương, giúp giảm chi phí và công chăm sóc mà đầu ra lại tương đối ổn định.
Với hàng chục cặp cầy bố mẹ đang trong giai đoạn sinh sản tốt, trang trại của anh Vân đang mở ra triển vọng lớn về việc cung cấp nguồn con giống chất lượng và sản phẩm thương phẩm cho thị trường. Anh dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn trong thời gian tới.
Đúc kết từ kinh nghiệm của mình, anh Vân nhấn mạnh: "Cầy vòi mốc là động vật hoang dã, chi phí đầu tư con giống ban đầu không hề nhỏ. Người muốn theo đuổi mô hình này cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng, bắt đầu từng bước một, vừa nuôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm rồi mới nhân đàn. Quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật và quản lý, phòng bệnh một cách cẩn trọng, tỉ mỉ để tránh những rủi ro đáng tiếc."