(ĐSPL) – Khi được cầm trên tay bức thư pháp mà mình mong muốn nhiều người khách mỉm cười cảm ơn ông đồ và bày tỏ mong muốn xuân nào ông đồ cũng “về”.
Đối với người Hà Nội, TP.HCM, việc ông đồ cho chữ xưa nay không hiếm và hầu như năm nào cũng “đến hẹn lại lên”. Nhưng tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai thì vài năm trở lại đây người dân mới thấy cảnh ông đồ mang lều chõng xuống phố để cho chữ. Điều đó khiến cho không khí Biên Hòa rộn ràng hơn mỗi dịp tết đến xuân về.
|
Ông đồ dựng lều cho chữ ở TP. Biên Hòa. |
Ông đồ thường chọn thời điểm xuống phố từ sau 20 tết nhưng năm nay 23 tết, ông đồ mới “khai trương” gian hàng của mình để thực hiện việc cho chữ. Nhưng bức chữ rồng bay phượng múa được lồng khung rất sang trọng với những câu danh ngôn, những câu thơ mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Hầu như mọi câu chữ đều mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, yêu thương, che chở, bảo bọc,… nên khiến người xem có cảm giác thích thú, bình yên.
|
Ông đồ trẻ xuống phố cho chữ. |
Không chỉ những người già mà rất nhiều bạn trẻ cũng đến phố ông đồ tại Biên Hòa để xin chữ và ngắm những bức tranh thư pháp tuyệt đẹp. Mỗi bức tranh thư pháp có giá dao động từ 50 ngàn – 500 ngàn, tùy vào mức độ lớn bé cũng như được trang trí bằng khung nào.
Đang ngồi chờ ông đồ cho chữ ông Nguyễn Tuấn chia sẻ: “Tôi chọn chữ thư pháp để mang về nhà cũng có lý do, bởi lời lẽ trong câu thư pháp là khuyên răn con người sống phải biết đạo nghĩa, có trước có sau. Mình treo trong nhà con cháu học hỏi được lời hay lẽ đẹp ấy thì quý hóa biết bao”.
|
Một ông đồ cặm cụi viết chữ. |
Còn ông đồ Hoàn cho biết: “Tôi muốn viết những bức thư pháp này là muốn giữ nét truyền thống bao đời nay của cha ông để lại. Những nét chữ chính là lời răn dạy của người xưa gửi gắm lại. Vào nghề được 5 năm nhưng mỗi năm lại càng thấy yêu nghề hơn, nhiều niềm vui hơn khi nhiều người đến xin chữ”.
|
Nhiều bạn trẻ thích thú bên những bức tranh thư pháp. |
Bên cạnh đó cũng có nhiều người đi cho chữ và lấy đó làm niềm vui chung với mọi người như ông đồ Duy Thiên chia sẻ: “Đây không phải là nghề nghiệp chính của tôi nhưng năm nào tôi cũng mang lều chõng đi tìm điểm cho chữ. Mọi người vui là mình vui”.
Ông đồ Hồ Thuận tuy tuổi đã cao nhưng vẫn thích vui khi được cho chữ những người dân ở đây, ông Thuận nói: “Thư pháp có nhiều ý nghĩa. Nó giúp con người thư thái hơn. Nhờ lời lẽ của thư pháp mà thêm yêu mến nhau hơn”.