Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), kể từ ngày 01/07/2024, các tổ chức tài chính, ngân hàng đã triển khai xác thực sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến. Đây là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sâu rộng và bền vững.
Theo thông tin từ Vụ Thanh toán NHNN, sau khi triển khai theo Quyết định 2345, số vụ việc gian lận giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm, số tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận giảm 72%. Những kết quả này cho thấy hiệu quả của Quyết định 2345 trong việc tăng cường bảo mật và ngăn chặn các hành vi gian lận, mang lại sự an tâm và an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính.
TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG YÊU CẦU VỀ ĐỊNH DANH, XÁC THỰC KHI GIAO DỊCH NGÂN HÀNG
Nhằm tiếp tục gia tăng an toàn bảo mật trong giao dịch thanh toán, tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 v/v Quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 v/v Quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, NHNN đã tiếp tục bổ sung các quy định mới về đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học; kiểm tra thời hạn hiệu lực của giấy tờ tùy thân; kiểm tra thời hạn cư trú… đối với chủ tài khoản thanh toán và chủ thẻ, cụ thể như sau:
Thông tư 17/2024/TT-NHNN | Thông tư 18/2024/TT-NHNN |
- Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17: "Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức)" có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với tài khoản cá nhân và từ ngày 1/7/2025 với tài khoản tổ chức.- Quy định tại khoản 3 Điều 19: "Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tuỳ thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tuỳ thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tuỳ thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng", có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. | - Quy định tại khoản 6 Điều 16: “Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ”, hiệu lực từ ngày 1/1/2025.- Quy định tại điểm q khoản 1 Điều 18: “Tổ chức phát hành thẻ phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của KH; thông báo cho KH tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung; tạm dừng giao dịch thẻ với các trường hợp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực”, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. |
Các quy định mới nêu trên yêu cầu khách hàng phải cập nhật thông tin sinh trắc học, cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân hết hạn và cập nhật thông tin về thời hạn cư trú. Các thông tin này đảm bảo chính chủ tài khoản khi sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, qua đó góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản thuê, mua bán, mượn của các đối tượng lừa đảo, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp bị lừa đảo đánh cắp thông tin bảo mật.
KHÁCH HÀNG CẦN CẬP NHẬT THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC VÀ CẬP NHẬT GIẤY TỜ TÙY THÂN CÒN HIỆU LỰC ĐỂ GIAO DỊCH THANH TOÁN KHÔNG BỊ GIÁN ĐOẠN
Theo quy định tại hai Thông tư nêu trên, từ ngày 01/01/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng sẽ bị TẠM DỪNG thực hiện các giao dịch ngân hàng trong các trường hợp sau:
Trường hợp | Mô tả | Ảnh hưởng |
Trường hợp 1 | Khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hạn hiệu lực |
+ Tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền từ tài khoản thanh toán trên mọi kênh (bao gồm cả kênh quầy, kênh trực tuyến, kênh ATM…). Tạm dừng giao dịch thẻ trên tất cả các kênh. |
Trường hợp 2 | Khách hàng có giấy tờ tùy thân còn hiệu lực, nhưng chưa cập nhật/đối chiếu thông tin sinh trắc học |
+Giao dịch bình thường tại kênh quầy. + Tạm dừng giao dịch thanh toán/rút tiền bằng phương thức điện tử (khách hàng sẽ không thực hiện được các giao dịch online thiết yếu như: Chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn ….) + Tạm dừng giao dịch bằng phương thức điện tử (thanh toán thẻ trực tuyến và rút tiền mặt) tại máy ATM. |
Đặc biệt, theo quy định của Luật Căn cước 2023 (Luật số 26/2023/QH15), chứng minh nhân dân (bao gồm cả loại 9 số và 12 số) có giá trị sử dụng trong các thủ tục, giao dịch đến hết ngày 31/12/2024. Hiện nay, vẫn có hàng triệu khách hàng vẫn đang lưu thông tin CMT/CMND 9 số và 12 số tại ngân hàng và sẽ bị tạm dừng giao dịch từ ngày 01/01/2025. Các khách hàng này cần cập nhật thông tin Căn cước/CCCD trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo quy định của Luật Căn cước 2023, thẻ Căn cước/CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi, do đó, khách hàng cũng cần lưu ý cập nhật thông tin tại ngân hàng sau khi đổi Căn cước/CCCD theo quy định.
Các quy định của Thông tư 17 và Thông tư 18 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng là người nước ngoài và doanh nghiệp. Theo đó, ngân hàng sẽ phải cập nhật thông tin về thời hạn cư trú khi mở và cung cấp dịch vụ tài khoản thanh toán/thẻ cho người nước ngoài. Ngoài ra, khi mở tài khoản thanh toán/mở thẻ cho doanh nghiệp, ngân hàng phải thu thập và theo dõi thông tin về: (i) giấy tờ tùy thân của người đại diện/người có liên quan của doanh nghiệp; (ii) thông tin sinh trắc học của người đó trong trường hợp thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử.
Có thể nói, các quy định mới nêu trên có phạm vi ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu khách hàng của các ngân hàng. Việc này đòi hỏi các ngân hàng phải chạy đua với thời gian để triển khai cùng lúc rất nhiều công việc như: Cập nhật chính sách/quy trình, cập nhật/nâng cấp hệ thống để bổ sung thông tin lưu trữ và truyền thông tới các khách hàng bị ảnh hưởng…
Về phía khách hàng cũng cần lưu ý rà soát thông tin thời hạn giấy tờ tùy thân, nhanh chóng thực hiện cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân (nếu hết hiệu lực) và thông tin sinh trắc học (nếu chưa cập nhật) để không bị gián đoạn giao dịch. Khách hàng có thể cập nhật các thông tin này trực tuyến trên các app ngân hàng hoặc tại các điểm giao dịch.