Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đàn bà 20 lần sinh nở và tiên phong xóa tục 'bó xác' để trong nhà

(DS&PL) -

Một người đàn bà Mông nghèo khó về vật chất mà giàu có tình cảm, cả đời chỉ biết chở che cho đàn con, dẫn dắt chồng thoát khỏi cơn nghiện thuốc phiện suốt 29 năm ròng.

Một người đàn bà Mông nghèo khó về vật chất mà giàu có tình cảm, cả đời chỉ biết chở che cho đàn con, dẫn dắt chồng thoát khỏi cơn nghiện thuốc phiện suốt 29 năm ròng. Đứa thứ 15, 16, 17, 19, 20 cũng toàn chết non hoặc sảy như đứa 12, 13. Vì mắn đẻ nên 50 tuổi bà vẫn phải đặt vòng...

Một góc đại gia đình bà Mỵ.

50 tuổi vẫn phải đặt vòng

Tối hôm đó, tại nhà văn hóa bản Lụng Sàng (xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, Sơn La) có mấy cô gái đang tập múa. Những cánh tay cứ vươn lên, mềm mại như những cánh bướm dập dìu trong nắng. Dưới sân khấu, một bà lão chân quấn xà cạp, mình vận váy Mông mê mải xem. Những điệu múa nhắc nhớ về một thời nhan sắc đã xa xăm của người đàn bà trải qua 20 lần cả sinh lẫn sảy.

Bà Sồng Thị Mỵ (SN 1946) lấy ông Thào A Di (SN 1945) với sính lễ là 15 đồng bạc trắng hoa xòe. Từ quê hương Tà Xùa ở huyện Bắc Yên họ di dân về bản Lụng Sàng này trong những năm đói kém. Nghèo tiền nghèo bạc nhưng vợ chồng bà lại vô cùng giàu có về đường con cái.

Ngay năm đầu lấy nhau họ đã có Thào A Vạng (1966) rồi kể từ đó hầu như cứ hơn một năm bà lại đẻ một lần. Đứa thứ 2 Thào Thị A bị bệnh 9 ngày thì chết. Đứa thứ 3 Thào A Lù. Đứa thứ 4 Thào Thị Dua. Đứa thứ 5 Thào A Chờ. Đứa thứ 6 Thào Thị Chu. Đứa thứ 7 Thào A Sự. Đứa thứ 8 Thào Thị Dợ. Đứa thứ 9 Thào A Dơ. Đứa thứ 10 Thào A Chù. Đứa thứ 11 Thào Thị Cha.

Đứa thứ 12, 13 là một cặp song sinh, bà đẻ non ngay trên nương rẫy, chưa kịp đặt tên thì chúng đã chết, phải lấy khăn quấn rồi cho vào lù cởi gùi về chôn. Đứa thứ 14 Thào A Chà. Đứa thứ 15, 16, 17, 19, 20 cũng toàn chết non hoặc sảy như đứa 12, 13. Vì mắn đẻ nên 50 tuổi bà vẫn phải đặt vòng đến tận khi hết trứng mới tháo ra.

Những đứa con ăn ngô, ăn sắn, ăn hoa chuối rừng mà tự tồn tại trong một cuộc chọn lọc tự nhiên đầy nghiệt ngã nên giờ chỉ còn sống có 8 người. Trong những đứa đó có Thào A Lù là một tay rèn dao có tiếng khắp vùng, là một người thổi khèn Mông có hạng mấy dẻo núi cao. Có Thào A Sự - một trưởng bản trẻ tuổi nhưng có những việc làm rất chín chắn. Bà có 20 người cháu. Riêng về chuyện này Sự nhận xét rằng: “Bao nhiêu thằng đẻ không bằng một thằng đẻ”.

Chân dung bà Mỵ.

Bà như một con gà mái vĩ đại xòe cánh ra, bao bọc, chở che cho đàn con 20 đứa trước những mưa nắng của cuộc đời. Ngoài những đứa chết non không kể đến, người bà thương nhất, nhớ nhất là Thào A Chờ. Chờ vốn là một chàng trai Mông khỏe mạnh, đi bộ đội rồi về nhà lấy vợ, ra ở riêng nhưng vẫn hết sức quý mẹ.

Có gì ăn, có gì uống Chờ đều gọi mẹ. Có với vợ được hai mặt con thì Chờ bỗng ốm nặng, nửa người gần như bị liệt. Bà thương con lắm nên cứ đến thăm luôn. Chờ cũng thương mẹ thỉnh thoảng lại lóc cóc chống gậy đến với bà. Mà nào có gần gụi gì cho cam? Từ Thảng Phổn về đến Lụng Sàng người khỏe cũng phải leo dốc cả giờ chứ chưa nói đến người chỉ đi bằng một chân và một gậy như Chờ.

Trong lù cởi (gùi) của bà Mỵ lúc thì con gà, lúc thì cân gạo. Trong cái túi nang của anh Chờ đeo sau lưng lúc thì quả dưa, lúc thì quả đào. Lần cuối Chờ xuống thăm, ở cùng mẹ được 1 tuần rồi về chỉ 2 ngày là chết. Bà nhớ anh trong những buổi sáng nắng vàng như mật trải dài trên cánh đồng mía trước hiên nhà, trong những buổi chiều sương mù giăng mắc quấn quanh núi như một chiếc khăn khổng lồ…

Những lúc rảnh rỗi bà lại ngồi bên bậc cửa thêu váy áo cho con, cho cháu. Mái tóc dài như dòng suối thanh tân của bà theo thời gian rơi rụng gần hết. Bà gom góp chúng lại rồi tết thành một mái tóc giả rất đẹp đem cất. Thi thoảng bà lại đem mái tóc ấy ra giặt bằng nhựa cây chíp lê cho thật sạch, thật bóng để dành cho đứa con gái chưa chồng làm duyên. Mái tóc của mẹ già cứ đen nhóng nhánh trên mái đầu của cô gái trẻ.

Dìu dắt chồng qua khỏi bờ mê, bến lú

Bố chồng bà nghiện đúng 50 năm, chồng bà nghiện cũng thuộc loại thâm niên siêu hạng (từ 1977 đến 2006). Trong quãng thời gian 29 năm ấy ông đa phần chỉ ăn rồi nằm bẹp cả tai bên chiếc bàn đèn. Hút xong rồi ngủ, ngủ xong lại hút.

Bà bảo những lúc thiếu thuốc khiến ông vật vã thì ghét mất vài ngày chứ có đủ thuốc hút chồng mình cũng biết giúp vợ con vài việc lặt vặt thì lại không còn ghét nữa. Bởi thế thì họ mới yêu, mới có với nhau đến 20 khúc ruột. Đẻ nhiều càng nhiều con, nhiều cháu, Tết mổ con lợn tạ ăn chỉ trong một hai ngày là thích rồi.

Một mình bà vừa phải gieo lúa trên nương để nuôi con vừa phải trồng cây anh túc trong khe, trong hủm để cho chồng hút thuốc phiện. Thuốc mà hết dù lúa trong thùng không đủ ăn cũng phải bán đi để mà mua cho chồng hút. Ăn cơm không đủ thì ăn ngô. Ăn ngô không đủ thì ăn sắn. Ăn sắn không đủ thì vào rừng đào củ mài, hái măng lay nhưng thuốc phiện cho chồng vẫn phải lo đủ.

Bà Mỵ hết mình vì chồng, con.

Một buổi công an đến thu cái bàn đèn “gia truyền” bằng đồng rất đẹp khiến người chồng tiếc đứt ruột nhưng người vợ lại mừng thầm vì tưởng rằng ông sẽ bỏ thuốc. Nhưng niềm vui ấy chợt tan như bong bóng xà phòng khi bà thấy ông hì hụi làm một cái đèn bàn khác bằng nhôm để rồi hút tiếp.

Khuyên nhủ mãi, năm 2006 ông mới quyết định cai thuốc phiện. Bà cả mừng nấu cho ông một can rượu rồi hễ chồng cứ lên cơn thèm là lại rót cho uống. Say bò, say đến mềm người, say đến bật cả nỗi nhớ thuốc phiện tưởng như đã ăn sâu vào trong xương, trong tủy.

Cai được thuốc, béo tốt được mấy năm thì ông bỗng nhiên lâm trọng bệnh. Trước khi khuất núi, ông dặn với vợ con rằng: “Khi tôi chết hãy cho vào quan tài để con ruồi không đẻ được trứng vào”. Sở dĩ có lời dặn này là bởi dân tộc Mông vốn có phong tục mặc áo quần cho người chết rồi lấy tre buộc vào xác theo tư thế nằm ngủ, để trong nhà cả tuần mà cúng lễ. Chuột bọ, ruồi muỗi nhiều khi ăn rụng cả ngón tay, ngón chân.

Chồng bà Mỵ là người đầu tiên ở Lụng Sàng phá vỡ được phong tục vững chắc tưởng như đinh đóng vào cột gỗ nghiến này…

Mâm cơm ngày mùa nhưng chỉ có cơm, đĩa măng lay luộc, bát hoa chuối rừng cùng một chút muối ớt. Bà lão chậm rãi, trếu tráo nhai bởi cả hai hàm còn duy nhất một cái răng cửa. Món ăn mà bà ưa thích nhất là đậu phụ thì phải lâu lâu mới có.

Qua người con trai là trưởng bản phiên dịch, tôi hỏi nếu có một điều ước cho mình thì bà ước gì? Bà bảo ngay “chi pâu” (không biết) nhưng nếu được ước cho con, cho cháu mong chúng giàu có, không còn phải gán nợ nương rẫy cho các chủ đầu tư trồng ngô nữa. Tiếng lửa nổ trong bếp củi lách tách. Từng bụi than bắn lóe hồng lên trong màn đêm rồi chợt tắt lịm. Tiếng bà vẫn rì rầm, khe khẽ.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam

Xem thêm video:

[mecloud]gNKY0m8ckU[/mecloud]

Tin nổi bật