Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người con lai 20 năm viết đơn tìm cha

(DS&PL) -

Thay vì hận cha thì suốt hơn hai mươi năm qua, bà "Mai tây" đã viết đơn gửi tới nhiều nơi với mong mỏi tìm được người cha chưa bao giờ biết mặt và mong chờ điều cổ tích...

Ở xóm Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), người dân quanh đó vẫn gọi bà Nguyễn Thị Mai là bà "Mai tây",  bởi người phụ nữ này mang trong mình hai dòng máu Việt - Pháp. Sinh ra trong một hoàn cảnh không ai muốn do cha cưỡng bức mẹ, suốt tuổi thơ mình, cô bé “Mai tây” đã phải chịu bao nhiều căng đắng, tủi hờn trong thân phận con lai. Thay vì hận cha thì suốt hơn hai mươi năm qua, người phụ nữ này đã viết đơn gửi tới nhiều nơi với mong mỏi tìm được người cha chưa bao giờ biết mặt. Dù biết điều đó là quá mong manh nhưng bà “Mai tây” chưa từng nguôi hy vọng, mong chờ điều cổ tích sẽ xảy đến với mình.

Vẻ đẹp đậm chất Tây của bà Mai khiến cuộc đời bà chịu nhiều sóng gió

Nỗi bất hạnh của người phụ nữ lai Tây

Giữa buổi trưa hè nắng như thiêu như đốt chúng tôi tìm đến Bãi Ổi để gặp người phụ nữ lai Pháp hơn 20 năm qua đã viết đơn gửi đến đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhờ tìm cha cho mình. Cửa hé mở, giọng người phụ nữ cất lên hỏi: "Các cháu tìm ai?". Quả là chúng tôi đã thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kiêu sa, đậm chất Tây của bà. Khó có thể tin được người phụ nữ đang hiện hữu trước mắt chúng tôi đã bước qua tuổi 60. Dáng người cao to, nước da trắng mịn, chiếc mũi thẳng và đôi mắt màu nâu hạt dẻ như thôi miên người đối diện.

Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bà Mai luôn thở dài và rất dễ xúc động mỗi khi nhắc tới chuyện tìm cha. Bà chia sẻ: "Ai sống trên đời thì cũng đều muốn biết quê hương bản quán, muốn biết tới người đã sinh ra mình, dù là sinh ra trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Có lẽ, chuyện mình được sinh ra trong hoàn cảnh nào bà Mai cũng không muốn nhắc tới làm gì. Bởi sự có mặt của bà trong cuộc đời này nó hoàn toàn không có chủ đích. Đó không phải là kết tinh của một tình yêu lớn, cũng không phải là nghĩa vợ chồng mà là một sự "không ai muốn thế". "Trước khi qua đời mẹ tôi mới chịu nói cho tôi biết việc mẹ sinh ra tôi là do bị cha tôi cưỡng bức. Hồi đó Pháp chiếm đóng Lạng Giang và chọn xã Thái Đào để dựng đồn. Năm 1952, trong một trận đi càn, đồn trưởng Mussu đã gặp mẹ tôi nên đã bắt mang về đồn. Về đồn, mẹ tôi đã phải làm những việc lặt vặt như nấu cơm, giặt giũ quần áo cho đồn trưởng. Vài ngày sau mẹ tôi mới được thả cho về nhà", bà Mai nhớ lại.

Trước thời điểm bị bắt về đồn, cụ thân sinh ra bà Mai là cụ Lê Thị Xuân đã có chồng và hai người con. Khi được thả về, bà Xuân đã khóc và kể toàn bộ câu chuyện đã xảy ra với mình cho chồng nghe. Bà Xuân nói mình đã không còn xứng đáng để tiếp tục làm vợ nữa. Nhưng thật không ngờ, người chồng của bà đã không những không hậm hực, trách móc mà còn thương bà nhiều hơn. Ông bảo, bà không có lỗi. Lỗi chăng thì là lỗi chiến tranh. Những phận người bé nhỏ không thể làm gì để chống lại sự tàn khốc của chiến tranh được. Thế nên, bí mật tày trời đó cuối cùng cũng chỉ có ông biết, bà biết mà thôi.

Trong câu chuyện, bà Mai luôn thể hiện lòng biết ơn chồng

Nhưng thật trớ trêu thay, sau lần bị cưỡng bức ở đồn bà Xuân đã hoài thai và sinh ra một bé gái. Ngày cô bé chào đời cũng là ngày người dân An Đào rì rầm vào tai nhau "con bé đó không phải con của chồng bà Xuân. Nó là con Tây". Sự thật quá hiển nhiên vì đứa trẻ lọt lòng ấy trắng nõn, tóc màu hung và chiếc mũi cao thẳng tắp. Ngày sinh con cũng là ngày bà Xuân khóc cạn nước mắt vì biết, sắp tới đây cuộc đời mình và cuộc đời đứa con gái bé bỏng của mình sẽ chịu nhiều sóng gió.

Nhớ lại quãng thời gian tuổi thơ cay đắng, bà Mai bật khóc: "Ngày đi học, tôi toàn bị bạn bè dè bửu là đồ con lai, đồ da trắng mũi lõ. Chẳng bao giờ tôi dám thả tóc đâu, lúc nào cũng lấy cái khăn quấn chặt trên đầu để không lộ màu tóc vàng. Cũng chỉ là cho nó bớt Tây thôi, chứ nhìn cái mặt của mình nó vẫn lồ lộ ra đấy". Học hết lớp 6, vì không chịu nổi những cái nhìn kỳ thị của bạn bè, cô bé Mai "tây" đành bỏ học giữa chừng.

Cứ thế, cuộc sống của người con lai diễn ra trong âm thầm, hờn tủi. Đi ra ngoài đường cũng chỉ biết đội nón lụp xụp để càng ít người nhìn thấy mình càng tốt. Bà sợ phải nghe những tiếng rì rầm, những lời bàn luận thiếu thiện chí phía sau lưng. Bà tâm sự: "Tôi sống được đến ngày hôm nay hoàn toàn là nhờ vào chồng tôi".

Nhìn vợ đầy cảm thông, ông Nguyễn Văn Phước nhớ lại: "Hồi đó, tôi là bộ đội về phép. Trong một lần sang chơi nhà người bạn ở xã bên, vô tình nhìn thấy vợ tôi. Nói thật, lúc đó tôi như bị sét đánh vậy. Nhìn bà ấy đẹp lắm, tôi chưa thấy người phụ nữ nào đẹp như thế". Nhưng tình yêu của ông Phước với một người con gái lai tây đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của cả gia đình, dòng họ. "Lai là một chuyện nhưng hồi đó đang là chiến tranh giữa Pháp với Việt Nam nên nếu nhìn một cách tiêu cực thì vợ tôi còn là mang dòng máu của kẻ thù dân tộc. Bố mẹ tôi bảo, nếu nhất quyết lấy vợ lai thì ông bà sẽ từ tôi. Nhưng lúc đó tôi yêu quá rồi nên chỉ biết làm theo sự mách bảo của con tim thôi. Cũng may, sau này khi về làm dâu rồi, tính bà ấy chân thành nên lại được bố mẹ chồng thương".

Lấy nhau được một năm, ông Phước lại quay trở lại chiến trường miền Nam. Ở nhà, bà Mai sinh người con gái đầu lòng. Trong 4 người con, 2 trai, 2 gái mà bà Mai sinh được sau đó thì người con gái cả giống bà hơn cả. Người con gái út cũng rất Tây nhưng gương mặt xương hơn chị và mẹ của mình. Chính vì có nhiều nét lai Tây nên hồi đi học, cô con gái cả của bà Mai cũng gặp phải sự trêu trọc, kỳ thị của nhiều bạn bè. "Nhiều lần con bé xấu hổ nên toàn chui xuống gầm bàn để trốn", ông Phước chia sẻ.

Tính từ đời bà Mai thì dòng máu lai Pháp đã chảy trong người ba thế hệ. Bà Mai sinh được bốn người con, hai trai, hai gái. Hai cô con gái kế thừa những nét rất Tây giống mẹ, riêng hai người con trai của bà Mai thì có pha thêm chút ghen của bố. Và thật lạ là, đến khi hai cô con gái của bà lập gia đình, sinh con đẻ cái thì chúng lại thừa hưởng nguyên xi những nét lai tây của bà và mẹ.

20 năm làm đơn đi tìm cha

Ông Nguyễn Văn Phước dù chỉ là con rể của bà Xuân nhưng lại được mẹ vợ hết lòng thương yêu và đặt nhiều tin tưởng. Còn nhớ, khi bà Xuân hấp hối đã gọi riêng người con rể vào dặn rằng: "Mẹ chỉ có duy nhất đứa con gái (là con riêng - PV). Nó phải chịu nhiều thiệt thòi vì thân phận con lai. Nay mẹ chết đi, chẳng còn ai thân thiết. Mẹ mong con hãy yêu thương và che chở cho nó. Con cố gắng giúp nó đi tìm cha, con nhé!". Vì lời trăng trối ấy mà hơn hai mươi năm qua, ông Phước đã cùng vợ mình gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng mong tìm cha cho vợ. Nhắc đến người cha chưa hề biết mặt, bà Mai nước mắt chảy thành dòng: "Dù biết việc tìm cha mình chẳng khác nào mò kim đáy biển nhưng tôi luôn ước ao có một lần được nhìn thấy mặt cha. Hoặc chí ít là biết quê hương, bản quán, biết những người anh em cùng cha khác mẹ với mình".

Để tìm được cha đẻ, bà Mai đã phải gửi đơn đi khắp nơi

Việc đầu tiên trong hành trình tìm cha dài đằng đẵng, bà Mai cùng chồng đi tìm gặp lại những vị cao niên trong xã An Đào - nơi có đồn Pháp đóng chiếm. Các cụ đều xác nhận thời đó có người đồn trưởng tên là Trung úy Mussu (quan hai) và họ cũng thừa nhận việc bà Xuân bị quân Pháp bắt giữ tại Đồn Thái Đào. Từ những thông tin ít ỏi đó, bà Mai đã viết đơn tìm cha rồi nhờ người dịch qua tiếng Pháp gửi tới Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhờ giúp đỡ. Mỗi lần gửi đơn là một lần bà gửi gắm hy vọng.

Trong đơn bà Mai viết: "Khi tôi sinh ra đã được mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt, cha tôi là người quốc tịch Pháp, mẹ tôi là người quốc tịch Việt Nam. Nhưng từ khi sinh ra đến lúc mẹ tôi qua đời, tôi không hề biết cha mình là ai. Khi mẹ tôi qua đời, bà mới tiết lộ cho tôi biết: Cha đẻ tôi là người nước cộng hòa Pháp, tên Mussu, cấp bậc Trung úy, chức vụ Đồn trưởng Đồn Thái Đào, đơn vị công tác 351 Pháp (giai đoạn 1949-1952)…".

Bà cũng nhiều lần nhận được thư phản hồi của đại sứ quán nói rằng, vì thông tin của bà quá ít nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn và chưa có kết quả.

Gửi hy vọng vào những lá thư gửi đi thì bà Mai lại nhận về nỗi thất vọng mỗi khi cầm trên tay lá thư phản hồi. Người duy nhất hiểu được nỗi đau khổ, day dứt của bà là chồng bà. Ông Phước luôn ở bên động viên, che chở và tiếp thêm nghị lực cho hành trình tìm cha của vợ mình. Bà Mai nhìn chồng với vẻ hàm ơn: "Chỉ có ông ấy là yêu thương tôi vô điều kiện. Đến cả các con của tôi, chúng cũng không hiểu tôi. Chúng luôn nghĩ rằng, việc chúng bị người đời đánh giá "không bình thường" chính là lỗi do tôi, vì tôi đẻ chúng ra. Chúng nghĩ, giá như chúng không phải con của tôi thì chúng đã không phải chịu nhiều khổ sở như thế. Tôi thương các con nhưng biết phải làm gì. Con cái có bao giờ chọn được cha mẹ đâu!".

Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của một người đàn bà đẹp nhưng chịu nhiều cay đắng mà thấy xót xa. Vì không thể chọn cha mẹ nên hơn 60 năm có mặt trên cuộc đời này, bà Mai đã phải chịu quá nhiều sóng gió. Mà sóng gió ấy đâu chỉ ập đến từ bia miệng thế gian, nó còn là những cơn sóng ngầm diễn ra ngay chính trong gia đình nhỏ bé của bà. Nói những lời từ gan ruột, bà Mai bảo rằng: "Tôi chỉ ước sao các con tôi hãy hiểu và cảm thông cho mẹ mình nhiều hơn!".

Tin nổi bật